Biên phòng - Lịch sử dân tộc Việt Nam mãi mãi khắc ghi giây phút lịch sử nghìn năm có một trên Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Ngay sau khi cuộc mít tinh tại Quảng trường Ba Đình kết thúc, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Chính phủ, đề ra 3 nhiệm vụ cấp bách là “Diệt giặc đói; diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm”. 3 nhiệm vụ cấp bách hàng đầu đó bao hàm tất cả các vấn đề về đối nội và đối ngoại của Đảng và Chính phủ ta.
Về đối nội: Việc cần kíp phải làm là cứu đói, chống dốt, xóa bỏ những thứ thuế bất hợp lý do thực dân Pháp áp đặt, ban hành những quyền tự do, dân chủ cho nhân dân; chuẩn bị Tổng tuyển cử; thực hiện nam nữ bình quyền; tự do, tín ngưỡng, thực hiện nền giáo dục nhân dân... Đó là những việc làm rất cụ thể của Chính phủ lâm thời nhằm giữ vững quyền tự do, độc lập.
Cùng với thành lập "Ngày đồng tâm", "Hũ gạo cứu đói", “Tuần lễ Vàng”, Chính phủ kêu gọi toàn dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt ngân khố, thiếu ăn dẫn tới thảm họa hơn 2 triệu đồng bào miền Bắc chết đói bởi chính sách "nhổ lúa trồng đay" của phát xít Nhật.
Chỉ sau một thời gian ngắn, Chính phủ đã vận chuyển 30.000 tấn gạo từ Nam đưa ra Bắc kịp thời cứu đói cho đồng bào, sản lượng hoa màu trong vòng 5 tháng cuối năm 1945 đạt 614.000 tấn, tương đương 506.000 tấn lúa, đủ bù đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945 và chiến thắng được nạn đói.
Tiếp theo là diệt “giặc dốt”, bởi hơn 95% dân số nước ta lúc đó mù chữ. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh (19/SL và 20/SL) thành lập "Bình dân học vụ" để dạy chữ Quốc ngữ cho nhân dân. Ngày 4-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Chống nạn thất học” gửi tới toàn dân: "...Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức, mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ... Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết chữ”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lớp học Bình dân học vụ được mở khắp nơi ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam thu hút sự tham gia của mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân. Người biết chữ dạy cho người không biết chữ. Đến tháng 9-1946, phong trào Bình dân học vụ đã tổ chức được 75.000 lớp học với trên 95.000 giáo viên, trên 2.500.000 người biết đọc, biết viết.
Trên mặt trận quốc phòng, an ninh và đối ngoại, khi khởi nghĩa thành công vừa được 10 ngày, quân Đồng minh đã rục rịch kéo vào nước ta với danh nghĩa giải giáp vũ khí quân đội Nhật. Từ vĩ tuyến 16 trở ra là 20 vạn quân Tưởng ồ ạt vào Hà Nội và hầu hết các tỉnh phía Bắc. Thực chất quân Tưởng vào miền Bắc là tìm cách tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương và phá tan Việt Minh, lật đổ chính quyền cách mạng hòng lập nên một chính quyền tay sai.
Bước đầu, chúng giúp các đảng phải phản động như Việt Nam Quốc xã, Đại Việt Quốc dân đảng... Các đảng phái này dựa vào thế của Tưởng để nhăm nhe lập chính quyền phản động, tuyên truyền chống chính quyền cách mạng và trên thực tế, chúng đã lập chính quyền ở một số địa điểm mà chúng có thế mạnh như Yên Bái, Móng Cái, Vĩnh Yên, gây mất an ninh trật tự xã hội.
Ở miền Nam, (từ vĩ tuyến 16 trở vào), trên một vạn quân Anh mượn cớ vào tước vũ khí của Nhật, nhưng thực chất chúng mở đường cho thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23-9-1945, dưới sự yểm trợ của 2 Sư đoàn thiết giáp Anh, Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn, chính thức xâm lược nước ta lần thứ 2. Như vậy, cùng một lúc cách mạng Việt Nam phải đối phó với nhiều kẻ thù. Mặc dù kẻ thù của dân tộc ta, chúng có thể mâu thuẫn với nhau về lợi ích kinh tế nhưng đều thống nhất với nhau trong âm mưu chống Cộng sản, thủ tiêu chính quyền cách mạng, xóa bỏ thành quả mà cuộc Cánh mạng Tháng Tám mà nhân dân ta vừa giành được.
Trước tình thế thù trong, giặc ngoài, tình hình đất nước như “nghìn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ đã sáng suốt chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh nguy hiểm để cặp bến vinh quang.
Trên cơ sở phân tích âm mưu, thủ đoạn của các kẻ thù đối với cách mạng Việt Nam, Đảng ta xác định: Mặc dù quân Tưởng tìm mọi cách để tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, lật đổ chính quyền cách mạng, song kẻ thù chính của nhân dân ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược. Do vậy, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào thực dân Pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta đã thực hiện sách lược hòa hoãn, nhân nhượng với Quân đội Tưởng và tay sai của chúng ở miền Bắc để tập trung lực lượng chống Pháp ở miền Nam. Phong trào “Nam tiến” được phát động, nhiều thanh niên, chiến sĩ ưu tú cùng hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, súng, đạn từ Bắc đưa vào chi viện cho đồng bào miền Nam kháng chiến.
Với đối sách “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng ta đã từng bước cô lập kẻ thù, ổn định tình hình an ninh chính trị trong nước, chuẩn bị điều kiện cho một cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, bảo vệ nền tự do, độc lập của dân tộc. Và thực tế đã chứng minh rằng, không thể có chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân 1975 nếu không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngược lại, thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sẽ không được bảo vệ và phát huy, nếu không có thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Ngày nay, tình hình thế giới, khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, vấn đề chạy đua vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành ảnh hưởng thị trường đang có xu hướng gia tăng trên thế giới, thời cơ, thách thức, vận hội đan xen trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia.
Ở nước ta, đường lối, chính sách mở cửa hội nhập và phát triển trong 30 năm đổi mới đã mang lại những thành tựu to lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước phát triển đi lên theo xu thế chung của thời đại. Chúng ta phải tận dụng cơ hội và thế mạnh của cuộc cách mạng 4.0 để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa vị thế dân tộc ta lên một tầm cao mới, đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tất yếu sẽ nảy sinh không ít khó khăn, thách thức cả trực tiếp và gián tiếp, tác động mạnh mẽ đến việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia trong vấn đề giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thế lực phản động và thù địch vẫn đang tìm mọi cách để chống phá cách mạng Việt Nam, nhất là thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”.
Bên cạnh đó, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang hiện hữu ngày càng rõ; nguy cơ chệch định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn nạn tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang gây bức xúc, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng... Đó là những vấn đề cấp bách mà Đảng, Nhà nước cần phải giải quyết để ổn định tình hình kinh tế, chính trị - xã hội, đưa đất nước tiến lên.
Mang khí thế Cách mạng Tháng Tám vào công cuộc đổi mới nhằm giữ vững “lời thề độc lập” ở nước ta hiện nay chỉ có thể là: Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và thời đại, tận dụng những thành tựu mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào tất cả các lĩnh vực sản xuất để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao sức mạnh và tính chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và mỗi đảng viên, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giữ vững lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường sức mạnh và tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, thực hiện thắng lợi ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện vọng thiết tha của toàn dân là xây dựng thành công một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ văn minh”.
PGS, TS Vũ Đăng Hiến