Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 07/09/2024 10:00 GMT+7

Giữ trái tim khỏe mạnh để phòng ngừa bệnh tim mạch và tránh nguy cơ đột tử

Biên phòng - Thời gian gần đây, công tác quản lý, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân nói chung và các đơn vị BĐBP nói riêng đã cơ bản đi vào nền nếp. Tuy nhiên, theo thông báo của Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần còn có một số trường hợp cần rút kinh nghiệm về công tác quản lý sức khỏe trong toàn quân. Phòng Quân y, Cục Hậu cần BĐBP gửi đến bạn đọc một số thông tin về đột tử, nguyên nhân của đột tử và một số nội dung có liên quan để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm các dấu hiệu có nguy cơ, giảm thiểu tỷ lệ đột tử.

Huấn luyện võ thuật tay không tại Trung tâm Huấn luyện BĐBP. Ảnh: CTV

Trước hết, phải phân biệt rõ đột quỵ và đột tử. Có một thực tế là chúng ta hay bị nhầm lẫn giữa đột quỵ và đột tử. Đột quỵ (stroke) là tai biến mạch máu não, thường biểu hiện là đột ngột liệt 1/2 người, ngã quỵ, có thể kèm hôn mê, nhưng tim vẫn hoạt động bình thường nên thường không chết liền. Còn đột tử (sudden cardiac death) là biến cố tim ngừng đập đột ngột không báo trước và hầu hết là tử vong ngay sau đó, trừ khi được cấp cứu đưa vào bệnh viện kịp thời.

Đâu là nguyên nhân của đột tử?

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột tử là tim mạch. Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý hay gặp nhất, chỉ tính tại nước Mỹ, cứ mỗi 43 giây lại có 1 người bị, trong đó, khoảng 1/5 các trường hợp không có triệu chứng lâm sàng. Rộng lớn hơn, theo dữ liệu y tế được tổng hợp từ hơn 190 quốc gia cho thấy, bệnh tim vẫn là nguyên nhân gây tử vong số 1 trên toàn cầu với 17,3 triệu ca tử vong mỗi năm và dự kiến con số này sẽ tăng lên hơn 23,6 triệu vào năm 2030.

Nguyên nhân gây ngừng tim thường do bệnh cơ tim phì đại (bệnh có yếu tố di truyền và đây là nguyên nhân hay gặp nhất), bất thường động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim, vận động viên đang thi đấu (hiện tượng một vật tác động thẳng trực tiếp và đột ngột vào thành ngực xảy đến trong thì tái cực của tim dẫn đến rung thất và ngừng tim)...

Ngoài ra, còn xuất phát từ thói quen hút thuốc lá, béo phì, đời sống căng thẳng, ít vận động thể dục thể thao; bị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu mà không kiểm soát tốt các chỉ số bệnh lý.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến cái chết đột ngột nhưng lại thường bỏ qua là đột quỵ. Có 2 loại đột quỵ: Do nghẽn mạch máu não hoặc do vỡ mạch máu não. Đột quỵ nghẽn mạch chiếm phần lớn (80%), thường liên quan đến bệnh tim mạch và mỡ máu cao, trong khi đột quỵ vỡ mạch máu thường do cao huyết áp không được kiểm soát và uống nhiều rượu. Tai biến mạch não thường gặp ở người trên 60 tuổi, nam nhiều hơn nữ nhưng nếu xảy đến ở nữ, tiên lượng nặng nề hơn.

Đột tử còn do nguyên nhân cục máu đông làm tắc mạch phổi. Cục máu đông xuất hiện ở động mạch phổi làm tắc hệ thống mạch máu vào - ra phổi trao đổi khí dẫn đến cơ thể thiếu oxy đột ngột và tử vong. Hằng năm, có khoảng 60.000 - 100.000 người tử vong do tắc mạch phổi, trong đó, đáng sợ hơn cả là có đến 25% người chết bất thình lình với hai triệu chứng thường gặp là khó thở và đau ngực.

Vỡ động mạch chủ cũng là nguyên nhân dẫn đến đột tử. Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, bao gồm 1 đoạn chạy trong ngực và 1 đoạn chạy trong bụng, có nhiệm vụ như dòng kênh lớn nhất giúp lưu chuyển máu đi khắp cơ thể. Vì một lý do nào đó (tuổi già, bệnh mạn tính, nhiễm trùng, cao huyết áp...) làm thành mạch yếu đi, phình ra, gây nên phình động mạch chủ. Một trong số đó vỡ sẽ gây nên bệnh cảnh vỡ động mạch chủ, bệnh nhân mất máu rất nhanh và ồ ạt, 90% tử vong trong tích tắc. Đây là tối cấp cứu trong ngoại khoa, tuy nhiên hầu hết mọi người ít nghĩ đến trong cuộc sống hằng ngày.

Cách dự phòng đột tử

Với đột tử do ngừng tim, việc sàng lọc và kiểm soát những người có nguy cơ bị ngừng tim cũng vô cùng khó khăn và chưa hiệu quả. Vậy nên, dự phòng bằng cách giải quyết các yếu tố nguy cơ chính là chìa khóa của vấn đề. Những rủi ro ngừng tim bao gồm người hút thuốc lá, dùng thuốc an thần lâu dài, bệnh tăng mỡ máu, bệnh cao huyết áp và một số bệnh lý khác như ung thư hoặc bệnh tự miễn. Tiền sử gia đình có người thân (cha mẹ, con cái, anh chị em) từng bị ngừng tim hoặc tai biến mạch não thì nên đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn kịp thời.

Với tai biến mạch não, vỡ động mạch chủ, những yếu tố dự phòng hàng đầu bao gồm: Kiểm soát huyết áp, tiểu đường, không thuốc lá và hạn chế rượu. Điều trị tốt bệnh lý tim như rung nhĩ, suy tim, bệnh mạch vành và chủ động khảo sát mạch máu não. Hạn chế lạm dụng thuốc điều chỉnh hooc-môn sinh dục, thuốc giảm đau không kê đơn, tránh lối ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán và những thức ăn nhanh.

Người chơi thể thao hoặc trong cuộc sống hằng ngày thỉnh thoảng có đau ngực trái, tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực, xỉu... hoặc tất cả mọi người trên 65 tuổi nên chủ động đi khám tim mạch hằng năm.

Thể thao đều đặn cũng là một yếu tố giúp trái tim và thành mạch thêm “dẻo dai” và đàn hồi, đồng thời làm giảm lượng mỡ máu, mảng cholesterol thừa bám trong thành mạch. Hết sức lưu ý với những ai đã từng có tiền sử chấn thương ngực, bụng, nhiễm trùng, phẫu thuật tim, lịch sử gia đình và di truyền... vì đây là những đối tượng có nguy cơ cao bị phồng lóc và vỡ động mạch chủ.

Với tắc mạch phổi, những lưu ý dự phòng chính bao gồm: Các phẫu thuật vùng bụng, xương chậu, thay khớp gối, khớp háng và gãy xương lớn như xương đùi... luôn có nguy cơ cao của thuyên tắc mạch phổi, đột tử. Ngoài ra, một số bệnh ung thư có tác dụng làm quánh máu làm tăng nguy cơ hình thành máu cục lang thang trong lòng mạch. Bên cạnh đó, mang thai và sinh con, có nguy cơ tắc phổi cao hơn cả trong và ngay sau khi sinh con, đặc biệt đối với những người sinh mổ.

Làm sao để biết có nguy cơ bị đột tử tim?

Một trái tim hoàn toàn khỏe mạnh thì hiếm khi xảy ra sự cố. Đột tử tim hầu như chỉ xảy ra trên một trái tim “đã bị bệnh” nhưng không được phát hiện. Một số dấu hiệu chỉ điểm gợi ý bạn có khả năng bị bệnh tim mạch và có nguy cơ đột tử như: Trong gia đình có người đột tử, mất đột ngột khi trẻ tuổi mà bác sĩ không chẩn đoán được nguyên nhân; có người thân trong gia đình mắc các bệnh tim mạch di truyền như Brugada (loạn nhịp tim), bệnh cơ tim phì đại; hút thuốc lá, béo phì, đời sống căng thẳng, ít vận động thể dục thể thao, bị tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu mà không điều trị tốt, không kiểm soát tốt các chỉ số bệnh lý...

Cách hiệu quả nhất để “phòng ngừa đột tử tim” là khám kiểm tra định kỳ với bác sỹ chuyên khoa Tim mạch. May mắn là ngành tim mạch ngày nay có rất nhiều tiến bộ trong điều trị, như đặt stent, cấy máy tạo nhịp hay máy shock phá rung ICD và những thuốc tim mạch thế hệ mới... Tất cả đều chứng minh hiệu quả điều trị và phòng ngừa nguy cơ đột tử đối với rất nhiều bệnh lý tim mạch nghiêm trọng mà trước kia y học bó tay. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng là phát hiện sớm bệnh tim mạch!

Phòng Quân y BĐBP

Bình luận

ZALO