Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng

Biên phòng - Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Điều này không chỉ cho thấy sự quan trọng của công tác này, mà còn cho thấy một quyết tâm lớn của Trung ương Đảng trong đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, một công việc được cho là có ý nghĩa sống còn với sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Và sự quyết tâm đó đã đem lại những kết quả rõ nét. Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã có 87.210 đảng viên và 1.329 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật. Trong đó, có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý (tăng hơn 10 lần so với nhiệm kỳ trước).

Còn nhớ, năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, từ một chiếc xe ô tô tư nhân gắn biển xanh, hàng loạt sai phạm của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đã được phát hiện. Sau đó, nhiều cán bộ cấp cao, thậm chí cả những người đã về hưu có liên quan cũng đã bị kỷ luật.

Từ đây, cuộc đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực chính thức không còn vùng cấm, không còn ngoại lệ, không còn “hạ cánh an toàn”.

Con số hơn 25.000 đảng viên ở các địa phương bị kỷ luật bởi có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã xử lý 127 vụ án, 91 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; hơn 5.200 cán bộ, đảng viên bị xử lý theo pháp luật... Đó là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực, quyết tâm của Đảng trong đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng.

Nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân cho rằng, kết quả của công cuộc chỉnh đốn Đảng đạt được còn có tác dụng rất lớn trong răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa tiêu cực và đặc biệt là củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ.

Tuy nhiên, Đảng ta cũng chỉ ra rằng, tình trạng suy thoái, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp, từ đó đặt ra yêu cầu kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái. Và ngay đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, những chủ trương ấy của Đảng đã sớm được thực tiễn hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rất nhiều lần khi nói về chỉnh đốn Đảng, đây là “công việc khó, phức tạp vì nó là công tác con người, dễ động chạm đến danh dự, lợi ích quan hệ của con người. Khó nhưng không thể không làm vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

Do vậy, từ ánh sáng của nghị quyết, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cụ thể hóa ở cấp mình bằng kế hoạch, chương trình hành động sát thực tiễn cơ sở, đặc biệt trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, tự phê bình và phê bình; tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng; từ đó tạo bước chuyển biến đột phá mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO