Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 12:59 GMT+7

Giữ nghề bạc người Mông nơi biên cương cực Bắc

Biên phòng - Đến thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, ngoài trải nghiệm phong cảnh núi đá hùng vĩ, những ngôi nhà đặc trưng của người Mông, du khách còn được khám phá nghề chạm bạc truyền thống của dòng họ Mua tồn tại hơn 100 năm nay. Trong đó, tiêu biểu là gia đình ông Mua Sè Sính. Bằng bàn tay khéo léo và sự tỉ mỉ, ông Mua Sè Sính đã và đang gìn giữ và phát huy hiệu quả nghề chạm bạc truyền thống của gia đình, dòng họ trên cao nguyên đá Đồng Văn.

615i_9a
Ông Mua Sè Sính nổi lửa đun nóng mẻ bạc, chuẩn bị làm đồ trang sức. Ảnh: Thanh Thuận

Trăm năm nghề chạm bạc

Từ trung tâm xã Sủng Là, chúng tôi chạy xe máy bon bon trên con đường đá men theo sườn núi quanh co, tìm đường đến thôn Lao Xa. Đường đi, nhiều đoạn bị sương mù che khuất. Khung cảnh núi non hùng vĩ, những vạt ngô xanh biếc bên đường đẹp như tranh vẽ. Ở Lao Xa, những căn nhà đều mang đặc trưng của người Mông với tường trình, lợp ngói âm dương, phía trước là bờ rào bằng đá. Người dân trong thôn 100% là người Mông với 103 hộ sinh sống, chủ yếu làm nông nghiệp, độc canh cây ngô và chăn nuôi gia súc. 

Trong ngôi nhà trình tường 80 năm tuổi ngổn ngang những đống bắp ngô vừa thu hoạch về, ông Mua Sè Sính (68 tuổi) đang nổi lửa đun nóng mẻ bạc, chuẩn bị làm đồ trang sức. Dù đã gần 70 tuổi, nhưng ông Sính vẫn còn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Trò chuyện với chúng tôi, ông Mua Sè Sính cho biết, nghề chạm bạc của dòng họ, gia đình ông đã có từ 5 đời, tính đến nay cũng hơn 100 năm. Ông làm nghề từ năm 16 tuổi do người cha truyền lại. Thời thế thay đổi, nhu cầu của người mua cũng dần đổi thay nên chỉ còn lại 6 người trong thôn giữ nghề, chủ yếu là anh em và con cháu nhà ông Sính. Sản phẩm tạo ra từ bạc chủ yếu là đồ trang sức như: Dây chuyền, vòng cổ, vòng tay, nhẫn, hoa tai.

Có thể nói, với những cô gái Mông, bạc là trang sức không thể thiếu. Những chiếc khuyên tai lớn nhiều hình dáng được chạm khắc hoa văn tinh tế, những chiếc vòng bạc đeo cổ được đúc rỗng, chạm trổ hoa văn là nét đặc sắc trong trang phục của phụ nữ người Mông. Bên cạnh đó, phụ nữ Mông thường trang điểm thêm chiếc lược cài trên mái tóc và đeo thêm một bộ xà tích bạc bên hông... Đặc biệt, từ bạc có thể làm ra những chiếc vòng vía cho trẻ em và người lớn đeo khi ốm để trừ tà ma, khỏi ốm đau, bệnh tật, như tấm bùa hộ mệnh cho chủ nhân. 

Cũng theo truyền thống của người Mông, bạc trắng là lễ vật không thể thiếu trong đám cưới, đám hỏi, làm của hồi môn mà ông bà, bố mẹ để dành cho con gái khi về nhà chồng. Mỗi cô dâu khi về nhà chồng sẽ đeo một bộ vòng bạc gồm 2 chiếc, trong đó, 1 chiếc đúc rỗng chạm trổ hoa văn ở ngoài và 1 chiếc được tạo thành bằng các móc bạc nhỏ với nhau. Chính vì nhu cầu của người Mông với trang sức bạc nên những người làm nghề chạm bạc như ông Mua Sè Sính được biết đến. Bạc của nhà ông nổi tiếng khắp vùng. Người dân khắp nơi tìm đến tận nhà ông để đặt các sản phẩm từ bạc theo yêu cầu. 

Trăn trở với nghề

Bên chén rượu ngô đặc trưng của người Mông, trò chuyện với ông Mua Sè Sính, chúng tôi nhận thấy ở ông toát ra dáng vẻ mực thước, nho nhã của người có học thức. Hơn nữa, khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông của ông khá tốt khiến cuộc nói chuyện mở ra nhiều thú vị. Theo ông, để làm ra một sản phẩm từ bạc, sau khi nung nóng và đổ khuôn tạo phôi, phôi bạc được đưa vào máy cắt theo kích thước sản phẩm, rồi để lên đe, dùng búa đập tạo hình hay cán mỏng, cuối cùng mới đến công đoạn chạm trổ các hoa văn, họa tiết trên sản phẩm. Trước đây chưa có máy cắt thì ông phải làm thủ công hoàn toàn rất mất thời gian.

Công đoạn khó nhất trong nghề làm bạc mà không loại máy móc nào có thể thay thế và cũng tốn nhiều thời gian nhất, đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì, tỉ mỉ, có bàn tay khéo léo của người thợ chế tác là chạm khắc hoa văn trên sản phẩm bạc. Khi đã làm nghề lâu năm, người thợ bạc sẽ không cần phải nhìn mẫu khi chạm khắc, bởi các hình ảnh hoa văn, họa tiết đã ở sẵn trong đầu, trở nên quen thuộc với người chế tác. Bằng những chiếc đục sắt đơn giản, ông có thể tạo ra những hoa văn rất tinh xảo trên nhiều món đồ trang sức như vòng tay, vòng cổ, nhẫn đeo tay, khuyên tai...

Để nghề bạc của gia đình không bị mai một, ông Sính đã và đang truyền nghề cho anh em, con cháu trong gia đình. Điều ông Sính luôn lo lắng, trăn trở trong nghề là thiếu vốn đầu tư sản xuất, mua máy móc thiết bị. “Làm sản phẩm bạc bằng tay rất lâu. Trước tôi làm 1 cái vòng cổ phải mất 2 ngày. Nếu có máy móc hỗ trợ thì 1 ngày sẽ làm được 2 cái. Làm thủ công mất nhiều công sức, thu nhập chưa cao khiến nhiều hộ không tiếp tục duy trì nghề. Phải có nhiều vốn thì mới sản xuất, phân phối rộng rãi được. Hiện nay, gia đình tôi vẫn duy trì ở quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của khách” - Ông Sính chia sẻ. 

Chính vì thiếu vốn mà sản xuất bạc ở đây manh mún, không có điều kiện đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng để mở rộng sản xuất mà chủ yếu tận dụng nhà ở để làm nơi sản xuất. Nghệ nhân làm nghề chủ yếu theo cách cha truyền con nối chứ chưa được đào tạo bài bản, cũng không có điều kiện tiếp cận với công nghệ, mẫu mã mới, nhu cầu thị trường... Đó là những điều khiến ông Sính luôn trăn trở. Mong sao, nỗi lòng của lão nghệ nhân người Mông đã dành cả cuộc đời để gìn giữ “hồn” bạc ở lại giữa lưng chừng trời này sẽ được những người có trách nhiệm quan tâm, tạo điều kiện để ngọn lửa của lò bạc luôn được thổi bùng nơi miền đá xám trên dải đất biên cương cực Bắc. 

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO