Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 08:42 GMT+7

Giữ mãi tinh thần Thái Văn A

Biên phòng - Theo những câu hát của Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên: “Sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ/ Như ngọn hải đăng bốn mùa sóng gió/ Thái Văn A, Thái Văn A đứng đó/ Yêu đảo như quê giây phút chẳng rời…” trong bài hát nổi tiếng “Thái Văn A đứng đó” của nhạc sĩ Văn An, tôi đã đặt chân lên đảo Cồn Cỏ của mảnh đất Quảng Trị anh hùng bằng sự hứng khởi, háo hức nhất.

Du khách thăm quan Nhà truyền thống Cồn Cỏ. Ảnh: Ngô Khiêm

Có lẽ, với thế hệ bộ đội và thanh niên nói chung những năm 60, 70 của thế kỷ trước không thể không biết đến câu chuyện của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Thái Văn A (1942-2001). Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình này đã kiên quyết đứng trên đài quan sát để truyền thông tin cho các đồng đội bắn máy bay Mỹ, mặc cho bản thân đang bị thương nặng và lệnh của cấp trên được rời đài quan sát về nơi an toàn. Chính sự dũng cảm của Thái Văn A đã góp phần cùng đơn vị bắn rơi 2 máy bay Mỹ trong trận tập kích năm 1965. Ngay lập tức, tấm gương của Thái Văn A đã được nhiều người biết đến với sự cảm phục và nhạc sĩ Văn An là một trong số đó. Với tài năng cùng sự nhạy cảm với thời cuộc, nhạc sĩ Văn An đã sáng tác ca khúc “Thái Văn A đứng đó” để cổ vũ động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội cũng như tuổi trẻ cả nước quyết tâm đánh đuổi quân thù.

Hôm nay, khi tôi đặt chân lên Cồn Cỏ thì khung cảnh hoang tàn, đổ nát của chiến tranh đã lùi xa, thay vào đó là những công trình nhà cửa vững chãi mọc lên, những con đường bê tông dẫn đến khắp các địa danh trên đảo... Có được thành quả và niềm vui đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cùng lớp lớp thế hệ chiến sĩ, người dân đã và đang âm thầm, lặng lẽ gieo sự sống trên đảo.

Đặt chân đến đảo, có lẽ, điều khiến du khách xúc động nhất là được đi thăm nhà truyền thống, đài tưởng niệm của huyện. Trong đó, nhiều người sẽ thấy dòng chữ trong bức thư khen của Bác Hồ gửi ngày 5-6-1968 khi được tin bộ đội trên đảo Cồn Cỏ lập chiến công mới: “Cồn Cỏ xứng đáng là đảo nhỏ anh hùng” và hai câu thơ đã đi vào bất tử: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”.

Chuyến đi đến đảo lần này, tôi còn may mắn còn được gặp và trò chuyện với Trung tá Nguyễn Đình Thịnh, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Cồn Cỏ, BĐBP Quảng Trị. Gia đình anh mãi ngoài Sơn Tây (Hà Nội). Dẫu biết quãng đường về nhà là rất xa xôi, cách trở nhưng khi nhắc về điều này, anh cười xòa và nói: “Rồi cũng thành quen”. Trong cái bắt tay thật chặt như thể truyền hơi ấm của người ở đảo và người ở đất liền, anh đã kể cho tôi nhiều câu chuyện cảm động ở đảo. Ở đó có chuyện tuần tra trên đảo và chuyện thiếu vắng tình người từ đất liền ra mỗi mùa mưa bão... Qua đó, có thể thấy được tinh thần của những người chiến sĩ “quân hàm xanh” nơi đảo nhỏ anh hùng, rất kiên cường và sống cũng rất chân thành, giàu tình cảm.

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo có lẽ ngày ngày quan tâm nhất là “hôm nay thời tiết thế nào?” vì chuyện thời tiết ảnh hướng rất nhiều đến công việc, sinh hoạt của những công dân trên hòn đảo này. Và đó cũng là lý do mà tôi đã tìm đến trò chuyện với anh Nguyễn Đình Nghị, Trạm trưởng Trạm Khí tượng hải văn Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị). Anh Nghị vốn là người Bắc Ninh đã ra đảo gần 20 năm nay. Vợ anh là người Bắc Giang và cũng công tác cùng ngành với anh nhưng lại ở Trạm rada thời tiết Đông Hà (Quảng Trị). Tiếng là ở cùng tỉnh, cùng ngành nhưng người đất liền, người ngoài đảo, họ cũng rất ít khi được gặp nhau.

Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi, anh Nguyễn Đình Nghị kể nhiều về những trận bão ập vào Cồn Cỏ, trong đó có bão Doksuri vào năm 2017 mà các anh phải đối mặt trong giây phút sinh tử là. Năm ấy, xấp xỉ siêu bão, tiếng gió thét ào ào như dòng thác lũ ngoài cửa, và đây là một trong những cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến đảo. Anh em đã phải cố thủ trong phòng để bảo vệ tính mạng. Khi ấy, cấp trên đã ra lệnh “phải đặt an toàn tính mạng lên hàng đầu”. Thế nhưng, cứ nghĩ đến việc những số liệu mình gửi về sẽ giảm thiệt hại tối thiểu cho nhân dân nên các anh vẫn nỗ lực làm nhiệm vụ trong điều kiện nguy hiểm. “Khi gió giảm, an toàn hơn, chúng tôi ngay lập tức ra kiểm tra máy móc, khắc phục hư hỏng, tiếp tục công việc quan trắc, đo đạc... để kịp thời cung cấp số liệu quan trọng vào bờ” - Anh Nghị bồi hồi kể lại.

Và người dân nơi đây cũng vậy, họ đã tìm được sinh kế trên đảo, con em của họ đã có thể tung tăng “cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương”. Vui mừng hơn nữa khi tôi được nghe lời tâm sự của ông Võ Viết Cường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân sẽ phấn đấu để hòn đảo này trở thành “hòn ngọc Biển Đông”, là một trong 3 điểm của tam giác du lịch sinh thái biển, đảo hấp dẫn: Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ; du lịch sinh thái biển đảo gắn với nghỉ dưỡng, thám hiểm vẻ đẹp biển khơi.

Tôi tin rằng, với tiềm năng lợi thế mà thiên nhiên ban tặng; với truyền thống anh hùng, bất khuất đáng tự hào của lớp lớp chiến sĩ trên đảo; với tinh thần, sự đồng lòng quyết chí của các cấp lãnh đạo đến người dân thì mong ước của người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền huyện Cồn Cỏ sẽ sớm trở thành hiện thực. Và tôi nghĩ rằng, để thực hiện được điều đó thì mỗi công dân trên đảo hãy giữ mãi tinh thần Thái Văn A...

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO