Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 07:43 GMT+7

Giữ hay bỏ tục kéo vợ?

Biên phòng - Trên mạng xã hội từng xuất hiện hình ảnh một số thanh niên người dân tộc Mông tổ chức bắt vợ một cách thô bạo, trong sự phản kháng quyết liệt của các cô gái trẻ vào dịp đầu xuân. Thực tế đó khuấy lên dư luận trái chiều xung quanh tục kéo vợ của người Mông, trong đó, phần lớn ý kiến không tán thành cách kéo vợ thô bạo ấy, cho rằng, đây là hủ tục cần xóa bỏ. Vậy, bản chất tục kéo vợ của người Mông là gì? Tục này nên giữ hay bỏ?

jem2_10
Những ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao là cơ hội để các chàng trai, cô gái Mông tìm hiểu nhau. Ảnh: Bích Nguyên

Những ý kiến trái chiều

Khi đề cập đến tục kéo vợ của dân tộc Mông, chàng trai Giàng Khái Sính, người Mông, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, Hà Giang khẳng định: Kéo vợ là phong tục của người Mông có từ bao đời nay, nhưng hiện nay không còn phổ biến nữa. Bây giờ trai gái thích nhau thì rủ nhau về ở với nhau. Bản thân anh Sính khi kết hôn cũng không thực hành tục kéo vợ. Chúng tôi hỏi về cách kéo vợ, anh Sính cho biết: “Gặp ai mà thấy thích thì kéo về nhà mình thôi. Ngày xưa kéo vợ vui hơn, không giống như bây giờ”. Chúng tôi hỏi: “Vậy tục kéo vợ là tốt hay xấu?”. Anh Sính ngập ngừng đáp: “Chưa quen biết mà chàng trai cứ kéo cô gái về nhà mình, nếu cô ta không thích thì không tốt đâu”.

Còn bạn trẻ Lồ Thị Dung, huyện Bắc Hà, Lào Cai chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của một bạn gái bị các thanh niên người Mông “bắt vợ” tới 3 lần. Bạn gái này quá sợ hãi tới mức phải đi trốn với nỗi lo canh cánh không biết những mùa xuân tiếp theo số phận sẽ thế nào.

Trong khi đó, bạn trẻ Sùng A Cải, quê ở Văn Chấn, tỉnh Yên Bái lại có nhìn nhận khác: “Tục “kéo vợ” là một nghi thức trong tục cưới xin truyền thống của người Mông. Hành động “kéo vợ” được thực hiện khi có sự đồng ý của cô gái và hai bên gia đình người con trai và con gái. Bản chất của “kéo vợ” là tôn trọng giá trị của người con gái chứ không phải là hành động bắt, cướp một cách thô bạo hoặc cưỡng ép cô gái đi về nhà mình như một số vụ việc xảy ra ở một số địa phương được đăng tải trên các trang mạng xã hội”.

Cũng sinh ra và lớn lên ở Yên Bái, Khang A Tủa, Điều phối viên của Nhóm Hành động vì sự phát triển của người Mông (AHD) cho biết thêm: “Ở quê tôi, muốn “kéo vợ”, nhà trai sẽ đưa một đoàn người số lẻ đến nhà gái gõ cửa và hát một bài hát giao duyên, khi nhà gái đồng ý mới mở cửa và đón nhà trai vào nhà. Tức là người ta “kéo vợ” khi có sự thông hiểu của hai bên gia đình và cộng đồng. Ngay hôm sau khi kéo vợ, nhà trai đã phải thông báo cho cộng đồng là nhà tôi đã kéo cô này, cô kia về nhà. Bản chất thực sự của tục “kéo vợ” là hoạt động kéo mang tính hình thức để thúc đẩy quyền và giá trị của người phụ nữ Mông trong hôn nhân”.

Có thể thấy, ngay trong chính cộng đồng người Mông cũng có những nhận thức khác nhau về tục kéo vợ. Có những người hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về tục kéo vợ như anh Giàng Khái Sính, cho rằng các chàng trai Mông có thể kéo bất kỳ cô gái nào mà mình thích về nhà làm vợ. Chính vì sự hiểu biết không đầy đủ nên một số thanh niên người Mông lợi dụng phong tục này để kéo vợ không đúng cách và không ngoại trừ cả việc kéo vợ với mục đích xấu, vi phạm pháp luật.

Kéo vợ để nâng cao giá trị của người phụ nữ

Để hiểu đúng hơn về tục kéo vợ, chúng tôi đã gặp ông Thào Seo Sình, nguyên Phó Giám đốc hệ Phát thanh dân tộc, Đài Tiếng nói Việt Nam. Theo ông Sình, có 3 hình thức để tiến tới hôn nhân trong cộng đồng người Mông: Hứa hôn, cầu hôn và kéo vợ. Trong đó, kéo vợ là hình thức được người Mông lựa chọn nhiều và cũng là hình thức gây tranh cãi nhiều nhất. Có ý kiến cho rằng, đây là hủ tục, khiến cho người phụ nữ lép vế, không được tôn trọng. Ông Sình khẳng định: “Tục kéo vợ được nhiều người hiểu theo nhiều góc độ khác nhau, có người còn hiểu sai thành bắt vợ, cướp vợ, là tập tục lạc hậu... Tuy nhiên, nhìn từ góc độ văn hóa thì tục kéo vợ của người Mông là một nét văn hóa riêng mang tính nhân văn sâu sắc”.

Trên thực tế, người Mông chọn hình thức kéo vợ khi đôi nam nữ yêu nhau, muốn tiến tới hôn nhân nhưng nhà gái không đồng ý, vì nhiều lý do khác nhau; hoặc nhà gái thách cưới quá cao; đôi nam nữ yêu nhau, muốn tiến tới hôn nhân nhưng phía nữ còn phân vân, hoặc người con gái muốn cao giá, chủ động đề nghị người yêu kéo mình.

Ông Sình cho biết thêm: “Để thực hành kéo vợ, đôi nam nữ yêu nhau sẽ hẹn nhau tại một địa điểm nào đó để chàng trai tới kéo. Trước khi kéo vợ, chàng trai báo cho bố, mẹ mình chuẩn bị lễ vật sẵn rồi rủ thêm một vài người bạn thân đi tới nơi hẹn người yêu. Khi đến nơi, người con trai cầm tay cô gái kéo đi một đoạn, sau đó hai người dẫn nhau về nhà. Các bạn của chàng trai có vai trò là người chứng kiến. Trước khi cô gái bước vào nhà, bố hoặc mẹ của chàng trai cầm con gà trống choai vờn từ đầu xuống lưng cô gái và nói “hồn về với xác”, xong xuôi, gia đình mổ gà cúng, báo cho tổ tiên biết gia đình có thành viên mới. Trong thời gian ở nhà chàng trai, cô gái sẽ ngủ riêng hoặc ngủ với mẹ, hoặc chị em gái của chàng trai. Ba ngày sau, gia đình nhà trai cho người tới thông báo cho nhà gái biết, con gái họ đã thành dâu nhà mình, tiếp đó, hai gia đình ngồi bàn về lễ cưới và ngày cưới của đôi trai gái”.

Ông Thào Seo Sình cho rằng, tục kéo vợ của người Mông mang tính nhân văn, bởi nó hóa giải được một số vướng mắc: Khi hai người yêu nhau nhưng bị gia đình phản đối, chàng trai kéo người con gái về nhà nghĩa là cô gái đã thành ma của nhà mình nên phải tổ chức cưới. Hoặc khi bị thách cưới quá cao, nhà trai không đủ điều kiện kinh tế để đáp ứng thì sẽ kéo người con gái về nhà mình nghĩa là đã thành ma nhà mình nên phải cưới hoặc tổ chức lễ cưới sau. Thậm chí kéo về rồi có con lớn, rồi cưới sau vẫn được. Hơn nữa, người Mông cho rằng, người con gái dù có yêu đến mấy cũng không theo trai về, phải được người yêu kéo về mình mới có giá.

Ông Sình còn chia sẻ thêm: “Theo luật tục của người Mông, chỉ trai tân và gái tân, có tình yêu với nhau mới được thực hành tục kéo vợ. Những người vợ chết, chồng chết không được thực hiện tục kéo vợ. Đặc biệt, tục kéo vợ không xảy ra khi hai người không yêu nhau”.

Rõ ràng, giá trị nguyên bản của tục kéo vợ là tốt đẹp, mang ý nghĩa nhân văn, nâng cao giá trị của người phụ nữ. Việc bàn luận giữ hay bỏ tục lệ này là không cần thiết. Vấn đề cần làm là phải tuyên truyền cho mọi người, đặc biệt là những bạn trẻ người dân tộc Mông hiểu đúng bản chất của phong tục này để thực hành đúng. Bên cạnh đó, cũng cần xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng phong tục này để ép các cô gái cưới hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO