Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 09:15 GMT+7

Giữ gìn làn điệu khèn bè của dân tộc Thái

Biên phòng - Trong những năm qua, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo thành lập các nhóm, hội bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc vùng Tây Bắc. Trong đó, vấn đề bảo tồn và phát triển làn điệu khèn bè của dân tộc Thái là một nội dung trọng tâm và cấp thiết, đang được triển khai tại các địa phương trong huyện.

5ba46f2222f7c7122f001c96
Một buổi truyền dạy khèn bè tại bản Huổi Mong, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu. Ảnh: Vũ Duy

“Đặc sản” văn hóa khèn bè

Từ lâu, chiếc khèn bè đã gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Thái ở Yên Châu, Sơn La. Những làn điệu mượt mà, say đắm của khèn bè đã tạo nên nét đặc trưng văn hóa độc đáo, phù hợp với đặc điểm lao động sản xuất trên nương của đồng bào nơi đây.

Ngồi dưới nếp nhà sàn bên chiếc khèn bè, nghệ nhân Lường Văn Chựa, Nhóm trưởng Nhóm Bảo tồn văn hóa huyện Yên Châu giới thiệu: “Khèn bè là một loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc Thái, có cấu tạo rất đặc biệt. Khèn được làm từ cây nứa, bao gồm một tẩu thổi và 14 ống nứa chập thành 7 đôi, mỗi đôi có độ dài khác nhau và kết lại thành bè theo hình bậc thang, do đó, tên gọi khèn bè cũng được bắt nguồn từ đây”.

 Có nhiều làn điệu khèn bè truyền thống được sử dụng trong những trường hợp khác nhau. Làn điệu đầu tiên là nhạc dạo, thường được dùng làm lời mở khi hát hoặc các điệu múa. Làn điệu “Siếng ẹt” thể hiện tâm trạng vui tươi thường được các chàng trai Thái thổi trên quãng đường từ nhà mình sang nhà người yêu, hoặc thổi dạo chơi trong bản vào những ngày lễ, Tết cổ truyền của dân tộc.

Vừa biểu diễn xong một làn điệu mượt mà cho người trong bản nghe, nghệ nhân Lường Văn Chựa giới thiệu: “Đó là làn điệu “Siếng thuôn” của đồng bào mình đấy. Tiếng khèn thổi lên để thể hiện tình cảm gần gũi, yêu thương cháy bỏng. Các chàng trai khi đến chân cầu thang nhà người yêu thường thổi điệu này để “púc sáo” (gọi người yêu), tâm tình trò chuyện”. Trong khèn bè còn có làn điệu “Siếng khen xe” (tiếng khèn xòe), thể hiện tinh thần tập thể, gắn kết cộng đồng. Khi “Siếng khen xe” được cất lên cũng là lúc vòng xòe trong cuộc vui được bắt đầu. Làn điệu này thường được kết hợp với nhịp trống, chiêng, hòa thành giai điệu vui nhộn, rộn ràng, mang đậm sắc màu của núi rừng Tây Bắc.

Theo phong tục của đồng bào Thái, chiếc khèn bè được các chàng trai thổi để tỏ tình, mời gọi người yêu, kết duyên vợ chồng. Bên những cánh rừng ban, từng đôi nam thanh, nữ tú trong bản thường lấy tiếng khèn bè cùng điệu múa xòe để đối đáp giao duyên đắp xây hạnh phúc. Tiếng khèn bè còn là lời tâm tình trò chuyện, chuyển chở những ước muốn của đồng bào nơi miền núi cao, gắn liền với nét sinh hoạt văn hóa “Hạn khuống” (hình thức sinh hoạt văn hóa ngoài trời) của dân tộc Thái. Những làn điệu khèn bè ấm áp thân thuộc đã trở thành “đặc sản” văn hóa làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc vùng núi cao Tây Bắc.

Gìn giữ làn điệu khèn bè cho thế hệ mai sau

Là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, nhưng khèn bè cũng giống như nhiều di sản văn hóa hóa phi vật thể khác đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một. Những nghệ nhân có khả năng trình diễn và chế tác khèn bè không còn nhiều. Không gian biểu diễn bị thu hẹp, đồng bào dân tộc không có điều kiện tiếp cận thưởng thức các làn điệu khèn bè. Đây là một khó khăn lớn đối với công tác bản tồn văn hóa ở các địa phương thuộc huyện Yên Châu, Sơn La.

Trước nguy có thể mất đi làn điệu khèn bè của dân tộc Thái, huyện Yên Châu đã chủ trương bảo tồn khèn bè bằng nhiều phương thức khác nhau trên cơ sở gìn giữ những giá trị nguyên gốc. Cùng với việc sưu tầm, ghi lại các làn điệu khèn bè cổ, ngành Văn hóa huyện đã quan tâm đến việc phát huy vai trò của các nghệ nhân trong công tác truyền dạy khèn bè. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo việc thành lập các hội bảo tồn khèn bè tại các địa phương.

Năm 2018, Hội Bảo tồn làn điệu khèn bè dân tộc Thái ở bản Huổi Mong (xã Chiềng Hặc) được thành lập. Đây là hội bảo tồn văn hóa đầu tiên được thành lập ở cấp bản. Sau khi ra mắt, hội đã mở khóa học truyền dạy các làn điệu khèn bè cho hội viên. Ban ngày đồng bào phải lên nương nên việc truyền dạy chủ yếu vào các buổi tối trong tuần.

Ông Lò Văn Phớ, Hội trưởng Hội Bảo tồn làn điệu khèn bè dân tộc Thái bản Huổi Mong chia sẻ: “Do điều kiện lớp học không tập trung nên giáo viên trực tiếp đến từng lán nương hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ cho các hội viên. Ngoài truyền dạy trực tiếp, chúng tôi còn thu âm lại các làn điệu khèn bằng điện thoại di động gửi cho các hội viên để họ chủ động về thời gian học của mình. Bước đầu các hội viên đã tiếp cận, làm quen và tập thổi theo từng làn điệu. Hiện tại, hội rất mong muốn các cấp chính quyền quan tâm đầu tư thêm nhạc cụ để quá trình hoạt động hiệu quả”.

Bà Hà Thị Mai, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hặc cho biết thêm: “Với quyết tâm bảo tồn làn điệu khèn bè, xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể, dự toán nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động; chỉ đạo hội bảo tồn làm tốt công tác tuyên truyền để đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tích cực chế tác khèn bè và tham gia sáng tác những tác phẩm mới về đề tài lao động sản xuất trên quê hương. Địa phương cũng vận động và lựa chọn hạt nhân có năng khiếu gửi tham gia các lớp tập huấn do huyện tổ chức; đồng thời tiếp tục nhân rộng các lớp học để truyền dạy những làn điệu khèn của dân tộc Thái”.

Thành công bước đầu từ mô hình bảo tồn các làn điệu khèn bè tại các bản, các xã trong huyện Yên Châu đã mở ra một hướng mới trong công tác gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa này của đồng bào. Để khèn bè sống mãi thì không gì tốt hơn là việc đưa khèn trở về với cuộc sống, do chính đồng bào tiếp tục phát huy và gìn giữ. Sự chỉ đạo của địa phương trong việc khuyến khích đồng bào tham gia, tăng cường các hoạt động giao lưu biểu diễn, hỗ trợ kinh phí đã góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, để tiếng khèn bè mãi ngân vang giữa núi rừng Tây Bắc.

Vũ Duy - Đức Quang

Bình luận

ZALO