Biên phòng - Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng, những năm qua, BĐBP thành phố (TP) Hồ Chí Minh còn lập nhiều thành tích trong đấu tranh với các loại tội phạm như buôn bán, vận chuyển hàng lậu, khai thác khoáng sản trái phép, buôn bán, vận chuyển ma túy...

Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm
BĐBP TP Hồ Chí Minh có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến cửa khẩu, cảng biển và tuyến biên giới biển Cần Giờ. Theo thống kê gần đây cho thấy, trên tuyến cảng biển và khoảng 130km khu vực hành lang đường sông, có 59 cảng với 102 cầu cảng lẻ và 75 cặp phao trên 2 luồng hàng hải. TP Hồ Chí Minh cũng là nơi có lưu lượng hàng hóa xuất, nhập cảnh lớn nhất nước, đảm nhận thông quan khoảng 50% tổng lượng hàng rời, 65% container toàn quốc.
Trên khu vực cảng có nhiều tàu, thuyền neo, đậu, bốc xếp hàng hóa với hàng chục nghìn lượt người ra, vào làm việc, trong đó, có rất nhiều thuyền viên nhập cảnh. Đặc biệt, tàu thuyền neo đậu, chuyển tải hàng ngoài khu vực cảng, địa bàn rộng, hải lưu phức tạp rất khó kiểm soát.
Trong khi đó, một số cảng thuộc cụm cảng Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (tiếp giáp địa bàn của Đồn Biên phòng Thạnh An, BĐBP TP Hồ Chí Minh) đưa vào khai thác, nên lưu lượng tàu hành trình theo luồng sông Thị Vải và tàu thuyền neo đậu làm hàng ở khu vực sông Gò Gia thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh gia tăng. Từ đó đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ an ninh trật tự ở khu vực các sông Gò Gia, Thị Vải và Cái Mép (TP Hồ Chí Minh).
Theo đánh giá của Đại tá Nguyễn Hồng Dũng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP TP Hồ Chí Minh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa và hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói chung và địa bàn Biên phòng nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu ở tuyến hành lang cửa khẩu cảng và biên giới biển Cần Giờ. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Vì vậy, cùng với quyết liệt thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa quản lý, bảo vệ an ninh trật tự khu vực cửa khẩu, cảng biển, vừa phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua, BĐBP TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống; không ngừng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nghiệp vụ cơ bản, tính chuyên nghiệp, chuyên sâu cho lực lượng chức năng.
Đồng thời, phối hợp tốt với các lực lượng, đơn vị chức năng trong quản lý, phòng, chống và truy quét tội phạm; đẩy mạnh lập các chuyên án, đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác, vận chuyển cát trái phép.
Giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng
Đại tá Nguyễn Hồng Dũng cho biết: Năm 2021 và quý I/2022, BĐBP TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai 28 kế hoạch đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Trong đó, xây dựng 4 kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm ma túy, buôn lậu, khai thác, vận chuyển khoáng sản (cát) trái phép; 3 kế hoạch phối hợp với Công an và Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP (Đoàn Đặc nhiệm miền Nam) để đấu tranh với tội phạm ma túy ở trên địa bàn thành phố và khu vực hành lang cửa khẩu cảng.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các đồn, trạm Biên phòng chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Tham mưu cho các địa phương phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới... Bằng nhiều hình thức phong phú, mô hình sáng tạo, thiết thực, trên các địa bàn dân cư ven biển của TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được 193 Tổ an ninh nhân dân; 16 Tổ tàu, thuyền tự quản; 10 Tổ an ninh, trật tự. Có 12 chủ đò, 540 hộ dân ký cam kết không bao che, tiếp tay cho hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép; không tiếp cận lên, xuống các tàu nước ngoài nhập cảnh; không tiếp xúc với thủy thủ tàu nước ngoài nhập cảnh khi chưa được phép của các cơ quan chức năng.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, được sự ủng hộ, giúp sức của quần chúng nhân dân, trong năm 2021 và quý I/2022, BĐBP TP Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 214 vụ/411 đối tượng/166 phương tiện vi phạm. Qua đó, thu giữ 361 tấn sắt phế liệu, 40 tấn gạo, 600 tấn phân bón, 40.000 lít dầu, 900 tấn than, hơn 12.000 m3 cát;xử lý vi phạm hành chính 190 vụ/375 đối tượng và 1 tổ chức, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 3 tỷ đồng. Về tội phạm ma túy, đơn vị chủ trì và phối hợp bắt giữ 9 vụ, thu giữ trên 71,5kg ma túy các loại.
Điển hình, lúc 23 giờ, ngày 18/12/2021, tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, thực hiện Chuyên án A3-621, BĐBP TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm miền Nam và các đơn vị chức năng bắt quả tang 3 đối tượng dùng xe ô tô tải vận chuyển 50kg ma túy tổng hợp.
Trước đó, lúc 5 giờ, ngày 8/6/2021, tại khu vực phường An Lạc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, thực hiện Chuyên án A-521P, BĐBP TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm miền Nam và các đơn vị chức năng bắt quả tang 4 đối tượng đi trên 2 xe ô tô, vận chuyển trái phép 20kg ma túy tổng hợp dạng đá. Điều tra bước đầu cho thấy, đây là đường dây tội phạm vận chuyển ma túy từ Campuchia, theo đường thủy, đưa về Đồng Tháp rồi đưa lên TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Những kết quả trên đã khẳng định vai trò nòng cốt của BĐBP TP Hồ Chí Minh trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đăng Bảy