Biên phòng - 39 tác phẩm hội họa bằng chất liệu sơn dầu và acrylic trong triển lãm “Tình biên viễn” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới đây của họa sĩ Đỗ Quyên Hoa đã khắc họa chân thực cuộc sống giản dị, giàu sức sống của người dân vùng đất Tây Bắc. Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của chị ghi lại những cảm xúc của mình về miền Tây Bắc mến thương.

Với cách đặt tên các tác phẩm mang nét đặc trưng của vùng đất Tây Bắc, như: “Mùa hoa sở”, “Nắng ấm”, “Rét Tây Bắc”, “Bát cơm mùa mới”, “Dặm về”, “Mùa hoa cúc đá”, “Em vẫn tìm con chữ”..., triển lãm đã đem đến sự tò mò, thích thú cho người xem. Ở đó, người xem có thể có những hình dung về vùng đất Tây Bắc tuy nghèo khó, nhưng vẫn sáng bừng sức sống. Tranh của chị mang đậm nét nữ tính, toát lên tình cảm ấm áp, thương mến, đặc biệt, ở những tác phẩm về phụ nữ Tây Bắc hồn hậu, chịu thương, chịu
hó hay về các em nhỏ vùng biên còn nhiều thiếu thốn, cần được giúp đỡ. Điểm đặc biệt trong tranh là sự giản dị đến mức tự nhiên, cả đề tài lẫn bút pháp. Cách đặt vấn đề của tác giả là dẫu có nghèo khó thì con người Tây Bắc vẫn sống hồn nhiên, đầy sức vươn lên, đáng khâm phục, vì thế, tranh của chị hiện thực nhưng không hề bi lụy, mà ngược lại, tràn đầy sức sống.
Trước khi đến với hội họa, chị từng gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực nhiếp ảnh và thiết kế thời trang. Do từng nhiều năm gắn bó với vùng đất Tây Bắc, cộng thêm tình yêu với hội họa từ lâu, chị đã không mất nhiều thời gian để ra mắt triển lãm hội họa đầu tiên. Nhân triển lãm “Tình biên viễn”, họa sĩ Đỗ Quyên Hoa đã tặng 5.000 suất ăn cho học sinh nghèo bậc tiểu học vùng Tây Bắc thông qua “Quỹ cơm có thịt”.
Chia sẻ về triển lãm này, họa sĩ Đỗ Quyên Hoa cho biết: “Tôi là một tay ngang khi tìm đến nhiếp ảnh, thiết kế thời trang và hội họa vì không được học hành bài bản ở các lĩnh vực này. Tôi đam mê hội họa từ nhỏ, nhưng mãi đến năm 2020 mới mạnh dạn thử cầm cọ. Khi ấy, tôi bắt đầu học pha màu, chép tranh tại địa điểm dạy vẽ cộng đồng. Thông qua triển lãm “Tình biên viễn”, tôi muốn giới thiệu một Tây Bắc giản dị, tràn đầy sức sống. Trong đó, Lào Cai và Hà Giang là hai địa phương mà tôi đặt chân đến nhiều nhất, chứng kiến các câu chuyện xúc động để từ đó biến nó trở thành chất liệu sáng tác”.
Nhà thiết kế Đỗ Quyên Hoa tên thật là Phan Thị Hoa, sinh năm 1967, quê ở Thanh Hóa, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Chị là nhiếp ảnh gia từng có nhiều năm gắn bó với các tỉnh miền núi phía Bắc, đã ghi lại hàng vạn bức ảnh với nhiều đề tài về cảnh sắc và con người Tây Bắc. Từ đó, chị đã đưa hình ảnh về Tây Bắc vào trang phục phụ nữ mang thương hiệu Azalea của chị, trong đó có sản phẩm khẩu trang thêu tay, đã xuất khẩu nhiều nước trên thế giới thời gian qua.
Là một nhiếp ảnh gia, từng có nhiều năm đi và đến với núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và cho ra đời nhiều bức ảnh đẹp đến nao lòng, nhưng với Đỗ Quyên Hoa - người phụ nữ luôn khát khao tìm đến cái đẹp, những giá trị về nghệ thuật cũng như những đặc trưng của con người, thiên nhiên, với sự hiện diện của đời sống, của văn hóa vùng cao thì điều đó chưa đủ, chưa diễn tả được hết niềm đam mê của chị.

Với sự gắn bó đặc biệt đó, cùng tình yêu sâu đậm dành cho Tây Bắc, nhà thiết kế Đỗ Quyên Hoa đã dành 2 năm đời sống bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để sáng tạo nên các tác phẩm trong triển lãm. Trong tranh của chị có ánh mắt của những đứa trẻ, nhà sàn, mùa hoa sở, đường về và những con nắng say ngủ luôn làm chị bồn chồn, rạo rực và đầy cảm hứng sáng tạo. Chị phác họa diện mạo những hình ảnh rất đỗi thân quen đã găm vào trong trí nhớ của mình qua những nét cọ bằng sơn dầu với bút pháp hiện thực - chân thật, từ đó, chị đã khai thác cuộc sống con người, nội tâm nhân vật bằng những tác phẩm được chưng cất từ đời sống.
Hiểu, cảm thông và chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của những con người rất đỗi đời thường, chị đã nhận ra cái đẹp, cái hồn nhiên vô tư lự vẫn đang đồng hành, chảy trôi trong đời sống hiện đại và những bức tranh ấy đã vụt sáng trong những nét cọ làm xúc động tâm hồn những người đến xem triển lãm.
Theo dõi những bức tranh chị tái hiện vẻ đẹp cuộc sống con người vùng Tây Bắc, có thể thấy mạch nguồn của chất thơ thấm đẫm vào trong từng tác phẩm như: “Dặm về”, “Bát cơm mùa mới”, “Mùa hoa chuối rừng”, “Cái ngủ”, “Bình yên Tây Bắc”, “Yêu một ánh mắt”... Chị thường liên hệ đến những câu thơ như bức tranh vẽ nhà em Dớ: “Nhớ mùi khói bếp nhà em Dớ/ Dăm gốc lê già ngại trổ hoa”. Chắc chắn, phải là người đến với Tây Bắc nhiều lần và ngôi nhà em Dớ ấy đã ám ảnh vào tâm thức đến nỗi thật khó để lãng quên và sau này, chị đã khắc họa cụ thể mùi khói bếp ấy vào tranh.
Hoặc như bức tranh “Bát cơm mùa mới”, hình ảnh đứa trẻ bưng bát cơm trắng rất hồn nhiên, ngây thơ và xúc động, chị đã viết rất ngộ nghĩnh: “Em được ăn cơm trắng/ Hai tay bưng bát đầy/ Rau cải nằm nương nắng/ Chưa kịp hái chiều nay”. Có thể nói, bức tranh đã lột tả được cuộc sống đầy khó khăn của con người miền biên viễn, lột tả được ánh mắt của em bé vùng cao với bát cơm không có thịt và mẹ chưa kịp đi nương về nên ánh mắt ấy với cái nhìn xa xăm nửa như mong ngóng, nửa như an yên.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá: “Đỗ Quyên Hoa bắt đầu vẽ khá muộn, sau khi đã thành công ở các lĩnh vực nhiếp ảnh và thiết kế thời trang thêu tay truyền thống. Có lẽ, do thế mạnh của một nhiếp ảnh gia từng lăn lộn nhiều năm ở các vùng đất biên cương phía Bắc, tiếp xúc nhiều với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời và đời sống văn hóa của bà con các dân tộc thiểu số, cùng tình cảm yêu thương tha thiết mà chị đã có cách nhìn đúng đắn, chân thực về cuộc sống của các dân tộc vùng biên cương Tổ quốc. Chính vì thế, tranh của Đỗ Quyên Hoa đều phản ánh một cách chân thực đời sống sinh hoạt giản dị nhưng rất đáng yêu, khiến người ta thật quyến luyến với vùng đất xa xôi này”.
Ngô Khiêm