Biên phòng - Ngày 22-7-2014, Thống đốc Gia-các-ta, ông Giô-cô Uy-đô-đô, đã đắc cử Tổng thống In-đô-nê-xi-a với 53% số phiếu ủng hộ, trở thành người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, trong cuộc tranh đua với kỳ phùng địch thủ là một cựu tướng lĩnh thời Xu-các-nô, ông Pra-bô-vô Xu-bi-an-tô, Chủ tịch Đảng Phong trào In-đô-nê-xi-a Vĩ đại (Gerindra), người giành được 46,85% số phiếu bầu.
![]() |
Tổng thống đắc cử của In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô. (Ảnh: metalinsider.net) |
Sinh ngày 21-6-1961, sau khi tốt nghiệp bằng kỹ sư tại trường Đại học Ga-gia Ma-đa vào năm 1995, ông Giô-cô Uy-đô-đô đã rất thành công trong lĩnh vực bán lẽ đồ gỗ và xuất nhập khẩu. Nhưng phải 10 năm sau, năm 2005, ông Giô-cô Uy-đô-đô mới tham gia vào chính trường In-đô-nê-xi-a và đã hai lần được bầu làm Thị trưởng thành phố Xô-lô.
Kể cả khi làm Thống đốc Gia-các-ta, ông Giô-cô Uy-đô-đô nhanh chóng trở thành một trong những thống đốc được người dân yêu mến nhất và luôn giữ được danh tiếng là người có công cải thiện nền hành chính công cũng như xóa bỏ tình trạng quan liêu đã tồn tại rất lâu ở thủ đô. Khác với hầu hết chính trị gia tại In-đô-nê-xi-a, ông Giô-cô Uy-đô-đô thường có những chuyến thăm bất chợt đến nhiều khu vực của Gia-các-ta chỉ để kiểm tra tiến độ các dự án của Chính phủ và trực tiếp lắng nghe những nguyện vọng của nhân dân cũng như những mối lo ngại của họ về tình trạng lũ lụt, ách tắc giao thông hay nhà ở cho người nghèo.
Những chuyến vi hành như vậy đã khiến ông Giô-cô Uy-đô-đô nổi tiếng trên truyền hình và càng nêu bật hơn nữa một trong những thành tựu đáng kể của ông, đó là tạo ra niềm hy vọng rằng mọi thứ sẽ sớm được cải thiện đối với người dân nghèo.
Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, ông Giô-cô Uy-đô-đô đại diện cho liên minh 5 đảng do đảng Dân chủ In-đô-nê-xi-a Đấu tranh của cựu Tổng thống Xô-ca-nô-pu-tri Mê-ga-oa-ti làm Chủ tịch. Cương lĩnh tranh cử của ông khá hoàn chỉnh bao gồm 9 điểm tập trung vào những người nghèo. Trong đó bao gồm những định hướng cho việc xóa đói giảm nghèo, tái phân chia các nguồn lực kinh tế, bao gồm đất đai, phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng cho nông nghiệp bao gồm cả những khu chợ truyền thống của người In-đô-nê-xi-a.
Ông Giô-cô Uy-đô-đô cũng rất quan tâm đến việc cải tiến chế độ y tế và giáo dục và coi đó là nền tảng cho sự thịnh vượng trong tương lai của In-đô-nê-xi-a. Ngoài ra, ông Giô-cô Uy-đô-đô cũng muốn xóa bỏ tệ nạn tham nhũng và cải cách bộ máy hành chính rất quan liêu tại In-đô-nê-xi-a. “Chỉ có làm được như vậy chúng ta mới thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào In-đô-nê-xi-a và tạo ra nhiều công ăn việc làm”, ông Giô-cô Uy-đô-đô nhấn mạnh.
Theo hãng tin AFP, việc ông Giô-cô Uy-đô-đô trở thành Tổng thống In-đô-nê-xi-a đầu tiên xuất thân từ một gia đình nghèo, đánh dấu sự trỗi dậy của một thế hệ chính khách mới tại đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới với gần 250 triệu dân. Ông Uy-đô-đô được xem như một chính trị gia trong sạch và gần gũi với công chúng.
Ông cũng cho thấy mình là người rất được lòng giới trẻ tại các thành thị và nông thôn. Các nhà đầu tư đều hy vọng vào chiến thắng của ông Giô-cô Uy-đô-đô, một lãnh đạo chính trực, chưa bao giờ xen vào công việc của tư pháp so với nhiều chính khách khác tại In-đô-nê-xi-a. Dự kiến, ông Uy-đô-đô sẽ tuyên thệ nhậm chức trước ngày 20-10.
Thách thức kinh tế và duy trì đa tôn giáo
Tuy nhiên, vị Tổng thống mới của In-đô-nê-xi-a sẽ phải đối phó với nhiều thách thức kinh tế. Về mặt ưu điểm, In-đô-nê-xi-a hiện nay là một trong những nền kinh tế hàng đầu của vùng Đông Nam Á. Tăng trưởng kinh tế của quốc gia này rất vững chắc trong một chục năm gần đây, với tỷ lệ bình quân 6% một năm. Thị trường đông người tiêu thụ của In-đô-nê-xi-a và có chi phí nhân công rẻ.
Thế nhưng chàng "khổng lồ" Đông Nam Á này có nhiều điểm yếu làm người ta e ngại. Nổi bật nhất là hạ tầng cơ sở (đường sá, bến cảng) cũng như các phương tiện chuyên chở (đường hàng không, đường thủy) còn yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn. Thiếu sót về mặt hạ tầng cơ sở này bắt nguồn từ hai yếu tố then chốt.
Trước tiên hết là khả năng tài chính hạn hẹp so với một đất nước rất rộng bao gồm 17.000 hòn đảo lớn nhỏ, với một nhu cầu to lớn. Nhưng một vấn nạn khác khiến In-đô-nê-xi-a gặp khó khăn trong việc phát triển hạ tầng cơ sở của mình: Đó là tệ nạn hành chính, quan liêu, với hệ quả tất yếu là tham nhũng.
Một thách thức thứ hai liên quan đến chênh lệch giàu nghèo ngày càng sâu rộng. Tăng trưởng nhanh của In-đô-nê-xi-a trong mấy năm qua đã cải thiện phần nào cuộc sống người dân, nhưng hưởng lợi nhiều lại là thành phần trung lưu đã giàu lên đáng kể. Tuy nhiên cùng lúc, sự cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn, bất bình đẳng ngày rõ hơn: 12% người In-đô-nê-xi-a phải sống với 1,25 USD/ngày, và gần 40% dân chúng phải sống với không đầy 2 USD/ngày, với công ăn việc làm tạm bợ.
Đối với giới phân tích, vấn đề công ăn việc làm sẽ là một thách thức lớn đối với tân Tổng thống nước này. Lý do rất đơn giản: Tỷ lệ tăng trưởng bình quân 6% mỗi năm của In-đô-nê-xi-a, tuy rất đáng khích lệ, nhưng không đủ để tạo thêm công ăn việc làm cho một dân số trẻ, đang trên đà tăng nhanh.
Bên cạnh đó, mặc dù xuất thân là Hồi giáo, song ông Uy-đô-đô tuyên bố tuân thủ với Hiến pháp 1945 và năm nguyên tắc của “Pancasila”, do Xu-các-nô, người dẫn dắt đất nước đến nền độc lập, đề ra. “Pancasila” được xem như là nền tảng của một chủ nghĩa dân tộc có nền tôn giáo trung lập. Thế nhưng, “Pancasila” đó lại được các cộng đồng tôn giáo trong nước diễn giải theo những cách khác nhau tùy theo từng góc độ. Cộng đồng Hồi giáo theo xu hướng tự do diễn giải “học thuyết” này như là một hình thức “hợp nhất trong sự đa dạng”.
Với cách diễn giải này, sự thống nhất quốc gia và sự đa dạng sắc tộc, văn hóa và tôn giáo sẽ gạt bỏ ý tưởng một quốc gia Hồi giáo. Trong khi đó, những người theo Hồi giáo cực đoan lại lên án “Pancasila” như là một nguồn làm suy yếu cộng đồng Hồi giáo. Số khác lại xem học thuyết này như là một công cụ tạo thuận lợi cho vai trò của Hồi giáo trong một quốc gia, có đến sáu tôn giáo được công nhận: Hồi giáo, Tin Lành, Công giáo, Ấn độ giáo, Phật giáo và Khổng tử. Do đó, để dung hoà được các nhóm tôn giáo là việc không hề dễ dàng đối với người chèo lái đất nước In-đô-nê-xi-a.
Tất cả những thách thức trên sẽ dồn lên đôi vai của ông Giô-cô Uy-đô-đô, người được kỳ vọng là sẽ khéo léo tránh được việc vướng vào những liên minh đầy rắc rối trong khi vẫn tạo ra được sự đồng thuận chung về ý chí chính trị đối với cả các Đảng phái đối lập.