Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:11 GMT+7

Gìn giữ thanh âm đại ngàn

Biên phòng - Thời gian qua, để giúp người dân giữ gìn được cồng chiêng quý, 2 nghệ nhân Rơ Châm Guk và Siu Bít (xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã miệt mài “nắn giọng”, “chữa bệnh” cho chiêng và truyền dạy các bài chiêng cho các thế hệ trẻ với mong muốn đóng góp vào việc giữ gìn cồng chiêng trong cộng đồng làng.

Già Rơ Châm Guk (bên trái) đang chỉ dạy cách chỉnh chiêng.

Báu vật sống của làng

Trong các nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên, chỉnh chiêng là một nghề rất khó và ít truyền nhân. Theo thống kê, Gia Lai lưu giữ được 5.655 bộ cồng chiêng. Toàn tỉnh có khoảng 900 nghệ nhân giỏi, nhưng chỉ có hơn 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng. Những nghệ nhân biết chỉnh chiêng như 2 nghệ nhân Rơ Châm Guk và Siu Bít (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) được xem là những “báu vật sống” đang từng ngày đóng góp vào việc giữ gìn nét văn hóa dân tộc Tây Nguyên ở địa phương.

Chia sẻ về văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng làng, già Siu Bít cho biết: “Mình chỉ mong muốn các thế hệ sau này giữ gìn được nét văn hóa truyền thống mà ông bà để lại từ bao đời nay. Vì vậy, mình đã tìm học nghề chỉnh chiêng và giữ nghề. Ngoài ra, mình còn vận động dân làng, thế hệ trẻ chung tay giữ gìn văn hóa cồng chiêng, giữ nghề đan lát, làm nhạc cụ dân tộc và tạc tượng gỗ...”.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Ia Ka, nơi còn lưu giữ được rất nhiều giá trị văn hóa Tây Nguyên nên già Rơ Châm Guk và già Siu Bít đã thuộc lòng những bài chiêng truyền thống và là những người thầy đánh chiêng giỏi có tiếng của làng. Già Rơ Châm Guk chia sẻ: “Cồng chiêng là nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi dân tộc. Thời xa xưa, thế hệ tôi đều lớn lên bên tiếng chiêng, điệu nhạc. Hiểu được điều này nên từ thuở bé, tôi đã theo chân nhiều người trong làng để học đánh chiêng và chỉnh chiêng”.

Cũng giống như già Guk, già Siu Bít được sinh ra trong cái nôi của văn hóa truyền thống. Ông được nuôi dưỡng trong tiếng chiêng, điệu xoang uyển chuyển của người dân làng. Bởi vậy, ông yêu cồng chiêng như máu thịt và luôn tìm cách giữ gìn vốn quý cồng chiêng. Già Siu Bít cho biết: “Rất nhiều người đánh được chiêng, nhưng lại rất ít người biết chỉnh chiêng. Vì chỉnh chiêng rất khó nên ít người theo học. Người ta thường chỉnh chiêng khi mua một bộ chiêng mới về hoặc những bộ chiêng đã cũ lâu ngày không dùng tới. Khi cất lên thanh âm của cồng chiêng, cảm nhận được chiêng lạc tiếng thì nghệ nhân phải đánh lại toàn bộ bộ chiêng để tìm được chiêng hư, chứ bằng mắt thường thì khó có thể phát hiện được”.

“Từ đôi tai tinh tường và khả năng thẩm âm từ trong trí óc, những nghệ nhân chỉnh chiêng nhanh chóng tìm được chiêng hư và xác định được vị trí hư để sửa lại. Bằng những dụng cụ đơn giản như một khúc gỗ để kê chiêng, dùi gỗ, búa..., nghệ nhân đã nhanh chóng tìm lại được âm thanh cho chiêng. Có những chiếc chiêng sửa rất nhanh, chỉ hơn một giờ đồng hồ, nhưng cũng có những chiếc chiêng khó, phải chỉnh mất nhiều ngày” - già Bít chia sẻ thêm.

Tiếp lời già Bít, già Guk cho biết: “Chỉnh chiêng yêu cầu người chỉnh phải có khiếu, phải tinh anh và đặc biệt là khéo léo, cần cù. Nếu vội vàng, hấp tấp thì sẽ không chỉnh được chiêng mà càng làm chiêng thêm lạc tiếng”.

Để cho chúng tôi hiểu hơn về công việc chỉnh chiêng, già Bít và già Guk nhanh chóng lấy một bộ chiêng hư do một gia đình trong xã mang đến nhờ sửa để bắt đầu công việc. Sau khi thẩm âm xong, tìm ra được chiêng hư và vị trí hư của chiêng, nghệ nhân lại bắt đầu dùng những đôi tay khéo léo gõ xung quanh mặt chiêng để nắn lại chiêng. Sau khi gõ xong, họ lại ra hiệu cho nhau cất lên một vài giai điệu để xác định xem chiêng đã hoàn chỉnh chưa. Cứ như thế cho đến lúc công việc hoàn thành thì những nghệ nhân mới dừng tay.

Nỗ lực giữ nhịp chiêng thiêng

Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, các nét văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ia Ka cũng dần mai một. Vì vậy, những nghệ nhân già đều tìm cách lưu giữ và truyền dạy các nét văn hóa của dân tộc cho các thế hệ trẻ để nối tiếp giữ gìn mạch nguồn văn hóa bao đời nay.

Già làng Rơ Châm Nha, người có uy tín của xã Ia Ka cho biết: “Văn hóa dân tộc là những giá trị vô giá được gìn giữ, phát huy từ bao đời nay. Tuy nhiên, theo thời gian, có nhiều nét văn hóa đã dần bị mai một, một số tập tục đã bị bãi bỏ, nhưng cũng có những bản sắc được tôn tạo và phát huy giá trị, trong đó có Không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vì vậy, mình luôn dặn dò con cháu, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc mình”.

Em Rơ Châm Tứ - thành viên của đội chiêng nhí xã Ia Ka năm nay chỉ mới 12 tuổi nhưng Tứ đã thuộc hết các bài chiêng truyền thống và được tham gia vào rất nhiều sự kiện văn hóa lớn nhỏ ở địa phương. Em Tứ chia sẻ: “Cồng chiêng là một nét văn hóa đặc sắc của người Gia Rai. Vì vậy, em luôn mong muốn được học đánh chiêng và chỉnh chiêng để giữ gìn văn hóa dân tộc. Nhiều lần tham gia các lễ hội của xã, huyện, em được chọn vào đội nghệ nhân xã Ia Ka, được đi biểu diễn nhiều nơi. Đi diễn cũng có chút tiền, em tích cóp lại và được gia đình cho thêm tiền, em đã mua được 1 bộ chiêng cho riêng mình với giá 25 triệu đồng. Hiện nay, những bạn cùng tuổi với em nếu ai thích học đánh chiêng, em cũng sẽ dạy lại cho các bạn”.

Thùy Dung

Bình luận

ZALO