Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 01/04/2023 05:01 GMT+7

Gieo hoang mang là tội ác

Biên phòng - Sau khi Đà Nẵng xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, ngay lập tức thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 tái bùng phát trên mạng xã hội. Hành vi đáng lên án trên khiến gia tăng tâm lý sợ hãi, hoang mang cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Điển hình là cuối tháng 7, 2 chủ tài khoản facebook đã bị cơ quan công an xử phạt 7,5 triệu đồng do đăng lại tin giả về phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống dịch Covid-19. Sau đó, một loạt chủ tài khoản Facebook làm clip có nội dung kỳ thị người Đà Nẵng hay “Bày cách người dân tự chữa bệnh ở nhà” cũng bị “sờ gáy” và xử phạt.

Tin giả nhanh chóng xuất hiện rồi cũng nhanh chóng bị gỡ bỏ khi cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt xử lý, được dư luận đồng tình. Thế nhưng, cùng với tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19, thông tin thất thiệt xung quanh dịch bệnh này cũng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Chỉ trong tuần đầu dịch Covid-19 bùng phát, cơ quan chức năng đã phải xử lý hơn 30 trường hợp vi phạm đăng tin sai sự thật.

Các đối tượng đưa tin thất thiệt phải chịu hình phạt thích đáng. Tuy nhiên, hậu quả từ những tin không căn cứ, thậm chí là bịa đặt vô cùng tai hại và các cơ quan chức năng phải nỗ lực mới trấn an được dư luận. Nghiêm trọng như thông tin vô căn cứ về 121 người có liên quan đến ca bệnh 419 ở Quảng Ngãi được 10 chủ tài khoản đã đăng tải và chia sẻ, hoặc status: “Ba Tơ đang có dịch, giờ đã phong tỏa hoàn toàn” do tài khoản Anh Phap Nguyễn bịa đặt ra đã khiến hàng nghìn người bất an trong một thời gian dài.

Tin giả đang thực sự là vấn nạn, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Lợi dụng khả năng ẩn danh trên mạng xã hội, một số người không ngần ngại đăng tải thông tin bịa đặt, ác ý về tình hình dịch bệnh. Lý do thì muôn hình vạn trạng, người đưa tin muốn tỏ ra mình biết được nhiều thông tin bí mật; một số người sống ảo, muốn khoe mẽ; thậm chí, có người vì mục đích tăng lượng tương tác để bán hàng online...

Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện, các hành vi chia sẻ, tung tin giả mạo trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận sẽ bị xử phạt lên tới 20 triệu đồng (đối với tổ chức) và 10 triệu đồng (đối với cá nhân), thậm chí bị xử lý hình sự, bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Thế nhưng, nạn tin giả dường như vẫn chưa chịu lắng xuống. Bởi, trong dòng chảy thông tin, những tin tức chết chóc gây hoang mang, khiếp hãi trong dân chúng thì lại càng được lan truyền, chia sẻ nhanh.

Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, việc xuất hiện tin giả trên mạng xã hội cũng tương tự như sự lây lan của virus, bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến “sức đề kháng” của người dùng. Các tin thất thiệt còn có khả năng tạo các tâm lý phản đối, mâu thuẫn trong xã hội.

Vì thế, mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội phải có ý thức không tạo ra tin giả, có bộ lọc thật tốt để phát hiện tin giả, đặc biệt, không tự biến mình trở thành người lan truyền tin giả trong cộng đồng.

Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để bảo vệ sức khỏe người dân, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, thực hiện tốt các chỉ đạo, khuyến cáo trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Dịch bệnh sẽ không đáng lo ngại quá mức nếu cộng đồng thật sự hiểu và chủ động biết cách phòng, chống, không hoang mang, lo lắng thái quá.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO