Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:39 GMT+7

Giếng cổ - chứng nhân lịch sử của làng

Biên phòng - Những chiếc giếng cổ là di sản có ý nghĩa lịch sử khẳng định nguồn cội, sự phát triển của hình thái xã hội và chủ quyền của cộng đồng dân cư đối với vùng đất ở. Vì vậy, trải qua nhiều biến động về đất đai, quy hoạch đô thị, thay đổi nơi cư trú tập trung, những chiếc giếng cổ vẫn được bảo tồn, có giá trị sử dụng đến ngày nay và trở thành đối tượng nghiên cứu trong tiến trình bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Giếng Xó La trên đảo Lý Sơn hiện vẫn đang được sử dụng. Ảnh: TTH

Khi chúng tôi có mặt ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, những người già trên đảo đều nhắc đến một chiếc giếng cổ mà đã ra đảo rất nên đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu để hiểu thêm về hòn đảo trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn lưu danh trong sử sách. Tên của giếng cổ ngày nay dân làng vẫn dùng để gọi là giếng làng Liễu Mai trong câu ca: “Khi đi tóc mới ngang vai, uống nước làng Liễu tóc dài quá lưng” để nói về công cuộc khai phá chinh phục hòn đảo ngoài khơi thành đất ở của người xưa.

Trải qua quá trình biến thiên, cụm dân cư trên đảo tụ lại ở khu vực trung tâm, kín gió và đất đai màu mỡ dễ dàng canh tác nhất đảo. Nhưng chiếc giếng cổ thì vẫn ở chân một ngọn đồi nhỏ, nơi trước kia khi đến khai phá đất, người làng đã đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Sau đó, mở ra các bến cảng thương thuyền thì giếng nước ngọt cũng phục vụ cho cả các thương nhân, du khách khắp nơi đến đây. Khi có loạn lạc, giếng cung cấp nước ngọt cho những chiến binh đóng quân ở đảo, giữ đất đánh giặc.

Làng Vân ở đảo Quan Lạn cũng là ngôi làng biển giữa trùng khơi rất đặc biệt của người xứ Đông Bắc xưa. Vịnh biển nằm giữa các hòn đảo lớn có người ở được gọi là sông như cách gọi tên thân thương của làng người Việt cổ. Sông Mang vốn là lạch biển nằm giữa đảo Trà Bản và đảo Quan Lạn, là nơi chiến tướng Trần Khánh Dư đánh đắm đoàn thuyền vận lương làm nên trận hải chiến thắng lợi đuổi giặc Nguyên năm 1288. Không ở đâu, con người coi biển là “làng” như ở đây. Chính vì vậy, giếng cổ trên đảo Quan Lạn tương truyền là mạch nguồn nuôi dưỡng nhiều thế hệ “gái đảm hiền, trai chí dũng” giữ đất, giữ làng. Giếng cổ không chỉ là của báu của làng, còn là nơi linh tụ khí thiêng, được dân làng đảo tôn kính, giữ gìn. Hiện nay, xung quanh giếng được giữ gìn sạch sẽ, thanh tịnh. Người làng đảo Vân Đồn nói nước giếng còn chảy ra trong mát thì dân làng còn làm ăn, phát triển thịnh vượng.

Làng Vân trên đảo Quan Lạn hiện còn nhiều giếng cổ khác gọi thành tên riêng là Giếng Ruộng, Giếng Đình... mà mỗi khi làng có lễ hội thì người làng lấy nước giếng để sử dụng cho nghi thức tắm tượng vua Lý Anh Tông - vị vua đích thân ra miền biên viễn, tạo lập thương cảng Vân Đồn được thờ tự ở đình làng đảo. Giếng cổ được dân làng gọi là Giếng tắm Vua một cách đầy tự hào. Du khách ra thăm đảo nghe câu chuyện giếng cổ, càng nghe càng thấy ham thích, chính vì bề dày văn hóa làng đảo được tôn cao từ những chiếc giếng nước.

Việc đào giếng, khơi nguồn nước ngọt là bản năng sinh tồn được truyền lại nhiều thế hệ để lập làng, duy trì nòi giống, hợp thành các khu dân cư phát triển và có chủ quyền với đất ở và đất canh tác. Giếng cổ ở các khu vực biên giới, biển, đảo có ý nghĩa khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc, khẳng định quyền sở hữu theo cách tự nhiên, có yếu tố lịch sử. Bên cạnh đó, nhiều giếng cổ khác cũng ở trên các đảo xa đất liền còn có ý nghĩa khảo cổ, lịch sử. Giếng cổ trên huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là một ví dụ.

Hiện nay, chiếc giếng cổ này là một địa chỉ tham quan, tìm hiểu lịch sử dành cho khách du lịch khi đến khám phá hòn đảo này. Vài năm gần đây, xung quanh giếng cổ, khu vực dân cư và đất kinh doanh dành để xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch phát triển chóng mặt. Các công trình đồ sộ xây lên khiến cho giếng cổ bé lại và cảnh quan xung quanh thu hẹp dần. Tuy nhiên, phần đất có giếng cổ đã được xếp hạng di tích, di sản là phần bảo vệ nghiêm ngặt, nếu các đơn vị kinh doanh trong quá trình xây dựng xâm phạm vào khu vực này sẽ bị chính người dân đứng ra che chắn, bảo vệ, giữ gìn.

Giếng cổ ở Lý Sơn còn gọi là giếng Xó La, do người Chăm xưa sinh sống trên đảo đào giếng lấy nước sinh hoạt, sử dụng. Tương tự như các giếng cổ trên đảo khác, giếng Xó La được đào lấy nước ngọt phục vụ cho các thương thuyền, cảng biển ở gần đó. Một đặc điểm địa lý đáng chú ý là mặc dù các giếng cổ nằm ở các khu vực rất gần bờ biển, nhưng không bị nhiễm mặn, nguồn nước sạch và an toàn.

Hiện nay, giếng Xó La ở Lý Sơn vẫn được người dân sử dụng. Buổi chiều hằng ngày, từng đoàn người vẫn tới gánh nước ở giếng về nhà dùng cho sinh hoạt. Một cái giếng cổ tồn tại ngót nghét nghìn năm tuổi vẫn còn sử dụng được là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Người dân trên đảo sùng tín giếng thiêng cũng vì giếng cổ luôn cho dòng nước ngọt không hề vơi cạn bất kể mùa nào.

Kỹ thuật thăm dò nguồn nước, xếp đá sao cho lớp đá tự nhiên thành một màng lọc nước trong lành là kĩ thuật khó của người xưa, là tri thức dân gian đã thất truyền ít nhiều. Trải qua nhiều thời kỳ mở rộng làng, khai phá thêm đất đai, người dân cũng có đào giếng, nhưng kỹ thuật đào giếng này đã không được truyền lại. Có những khu vực xung quanh, người dân tốn tiền của để khoan thăm dò xuống những lớp đất sâu vẫn không có nước, không đúng mạch, hoặc giếng mới đào chỉ vài năm là bỏ, hỏng vì nước ô nhiễm, không dùng được cho sinh hoạt. Vì vậy, người dân càng tin vào những chiếc giếng cổ, ông cha để lại, nơi dòng nước trong lành từ thế hệ này để lại cho thế hệ khác, cứ nối tiếp như thế, như thể cúng cầu mà được, thánh thần ban cho.

Giếng Xó La là di tích lịch sử của tỉnh Quảng Ngãi, nhưng xét trong cả quá trình phát triển và hình thành huyện đảo Lý Sơn, chiếc giếng cổ như một chứng nhân lịch sử quan trọng, một minh chứng về chủ quyền của vùng dân cư trên đảo, quá trình khai phá và làm chủ đất đai, biển đảo của người xưa.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO