Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:54 GMT+7

“Giấy thông hành” mùa dịch

Biên phòng - Những ngày qua, khi dịch bệnh bùng phát dữ dội tại các tỉnh, thành phố phía Nam, yêu cầu về giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 đang khiến nhiều lái xe, doanh nghiệp gặp khó trong vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương.

Cán bộ BĐBP Gia Lai kiểm tra giấy tờ phương tiện qua lại cửa khẩu phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Internet

Điều đáng nói là mỗi địa phương lại có quy định khác nhau về thời hiệu giấy xét nghiệm như thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương quy định thời hiệu giấy xét nghiệm 3 ngày, trong khi tỉnh Long An quy định 5 ngày, còn tỉnh Đồng Nai “nới” lên 7 ngày... Phương thức xét nghiệm Covid-19 cũng được các địa phương áp dụng khác nhau, cùng với việc thiếu các điểm xét nghiệm đã dẫn đến tình trạng phương tiện, hàng hóa ùn tắc kéo dài tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19.

Theo nhiều doanh nghiệp vận tải, nếu không kịp thời tháo gỡ những quy định bất cập và thiếu thống nhất về “giấy thông hành” xét nghiệm, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Chương trình Bình ổn thị trường cho các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Đây không phải lần đầu ngành vận tải gặp phải trở ngại khi một số nơi đã áp dụng những biện pháp phòng dịch cứng nhắc, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn nhớ, đầu năm nay, khi Hải Dương thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh, thành phố Hải Phòng đã yêu cầu dừng tiếp nhận tất cả các công dân và hàng hóa từ Hải Dương về Hải Phòng gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Mới đây, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài lại tiếp diễn trên các cửa ngõ vào thành phố Hải Phòng sau khi chốt kiểm soát phát hiện ra 2 trường hợp lái xe từ phía Nam ra dương tính với SARS-CoV-2. UBND thành phố đã ban hành văn bản yêu cầu phân luồng phương tiện ra vào thành phố thành 2 nhóm “nguy cơ cao” và “nguy cơ thấp” để quản lý lưu hành. Nhiều phương tiện chưa nắm bắt được quy định, dẫn đến lực lượng chức năng phải dừng phương tiện để kiểm tra và cấp phù hiệu phù hợp, gây ra ùn tắc kéo dài.

Rõ ràng, đợt dịch Covid-19 lần này diễn biến bất thường, tốc độ lây lan nhanh, buộc các địa phương phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ người về từ vùng dịch để chống dịch. Tuy nhiên, song song với đó, cần có các giải pháp cung ứng hàng hóa kịp thời, đảm bảo an sinh xã hội cho các địa phương thực hiện giãn cách.

Do vậy, dư luận hoan nghênh khi Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương đi đến thống nhất không tiến hành kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa chỉ lưu thông trong nội vùng đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông sang khu vực đang áp dụng cấp độ phòng chống dịch bệnh thấp hơn, phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đang khẩn trương hoàn thiện phần mềm quản lý, cấp giấy thông hành cho phương tiện lưu thông trên các luồng xanh liên tỉnh, liên vùng và toàn quốc... Những nỗ lực này đều hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho các phương tiện vận tải cung cấp hàng hóa cho các khu vực áp dụng giãn cách xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Dư luận cho rằng để các doanh nghiệp tuyệt đối chấp hành các quy định phòng, chống dịch, các địa phương cần triển khai ngay các trạm xét nghiệm nhanh tại các trạm dừng nghỉ và khẩn trương cấp mã QR code nhận diện phương tiện hàng hóa và thông tin rộng rãi để người dân, doanh nghiệp quan tâm được biết.

Trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp, việc thống nhất áp dụng “giấy thông hành” cho vận tải hàng hóa là rất quan trọng để các địa phương thực hiện tốt mục tiêu “kép”, vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO