Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

Giao thương hành lang kinh tế Đông - Tây giảm nhiệt

Biên phòng - Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình, kết quả xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo năm 2022 giảm 7,6% so với năm trước. Nhiều doanh nghiệp logistics dự báo, tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc sẽ hút nguồn hàng trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Lực lượng Hải quan và BĐBP kiểm tra kẹp chì của một xe tải chở hàng quá cảnh. Ảnh: Văn Chương

Tìm lối đi mới

Ngày đầu năm, tại cửa khẩu quốc tế Cha Lo, từng đoàn xe container nối đuôi nhau ở cả hai phía để làm thủ tục xuất - nhập, quá cảnh hàng hóa qua lại biên giới. Những chiếc xe chở hàng của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Như Ý có địa chỉ ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh chở sắn lát khô từ tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) về Việt Nam để chế biến thực phẩm. Sắn lát khô và gạo nếp của Lào vẫn là những loại hàng nông sản thường xuyên nhập về thị trường Việt Nam.

Những mặt hàng quá cảnh qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo thường được Công ty cổ phần tiếp vận SME vận chuyển quá cảnh, đối với mặt hàng nông sản quá cảnh, thường có hoa quả, sầu riêng tươi, muối kali... Tại bàn thủ tục, lực lượng Hải quan mau chóng làm thủ tục nhập quá cảnh mặt hàng này từ Lào vào Việt Nam qua Trung Quốc cho chủ hàng là Công ty YuFeng.

Tại khu vực cánh gà, một số lái xe cho biết, hàng nông sản nhập từ Lào về Việt Nam vẫn đi lại tương đối ổn định, nhưng anh em đi hàng quá cảnh qua Việt Nam sang Trung Quốc thì giảm lưu lượng đi trông thấy. Anh Trung, một lái xe container cho biết, trước đây, trước và sau Tết Nguyên đán, từng đoàn xe container chở hàng nông sản, các loại quặng vào Việt Nam để đi sang Trung Quốc ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhưng tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc sẽ khiến tuyến hàng này giảm đi rất nhiều.

Ông Phạm Tiến Duật, Trưởng đại diện Ban quản lý Khu kinh tếcửa khẩu quốc tế Cha Lo cho biết, trong năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu, bao gồm hàng quá cảnh, hàng gửi kho ngoại quan C11 ước đạt 1.830 triệu USD, trong đó, nhập khẩu là 347 triệu USD, hàng gửi kho ngoại quan C11 là 8 triệu USD, hàng quá cảnh là 1.410 triệu USD. Phương tiện xuất nhập cảnh ước đạt 152.440 lượt xe, giảm 12% so với năm trước. Những mặt hàng quá cảnh bao gồm: Sầu riêng, măng cụt, mít, quặng sắt, quặng đồng, hàng điện tử, giày dép, quần áo…

Tác động từ tuyến đường sắt cao tốc Lào -Trung Quốc

Ngày 3/12/2021, tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung Quốc nối từ Thủ đô Viêng Chăn của Lào sang thủ phủ Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc trị giá 6 tỷ USD bắt đầu đi vào hoạt động sau 5 năm xây dựng. Năm 2021 là thời điểm vẫn còn ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam vẫn chưa dự báo chính xác về tác động của tuyến đường cao tốc này đối với tương lai vận chuyển hàng quá cảnh Lào-Việt Nam-Trung Quốc. Anh Trần Hoàng, đại diện một doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Bình cho biết, sang năm 2022, khi tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung Quốc bắt đầu ổn định và hàng hóa qua tuyến hành lang Đông-Tây có sự dịch chuyển rất rõ.

Hàng hóa xuất nhập, quá cảnh qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Ảnh: Văn Chương

Tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc có tổng chiều dài 1.035km, phần đường chạy trên đất Lào dài 422km. Tốc độ của tàu là 160km/giờ nên khách đi tàu có thể đi-về trong ngày và hàng hóa từ Lào sang thủ phủ Côn Minh chỉ mất vài giờ đồng hồ, rút ngắn rất nhiều thời gian nếu quá cảnh và đi ròng rã cả ngày lẫn đêm để từ cửa khẩu quốc tế Cha Lo ra cửa khẩu các tỉnh phía Bắc rồi đi tiếp sang Trung Quốc.

Tình hình dịch chuyển tuyến hàng hóa được các doanh nghiệp logistics cho biết, tác động rõ nhất là ngày 8/2/2023, tàu khứ hồi chở hàng đầu tiên giữa Trung Quốc-Lào và Thái Lan đã khởi hành. Tàu này chở 19 container với hơn 280 tấn rau xanh và bốc dỡ hàng tại khu vực Thủ đô Viêng Chăn của Lào, sau đó đi tiếp tuyến đường sắt khổ hẹp để di chuyển tới Thủ đô Băng Cốc của Thái Lan. Việc chở rau xanh cũng được quảng bá rằng, đi tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc sẽ giảm thời gian di chuyển lên tới 24 giờ so với trước đây phải quá cảnh sang Việt Nam.

Từ năm 2021 đến nay, có 2,5 triệu tấn hàng hóa, bao gồm 1.200 loại hàng đã đi qua tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc. Trong báo cáo tổng kết năm 2022 của Ban quản lý Khu kinh tếcửa khẩu quốc tế Cha Lo cũng đánh giá về tác động của tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc lên hoạt động giao thương tại cửa khẩu trong tương lai. Năm 2022, đơn vị thu phí kết cấu hạ tầng đối với xe ô tô vận chuyển hàng qua lại cửa khẩu với tổng số tiền chỉ đạt 68,9 tỷ đồng, giảm đến 34% so với cùng kỳ năm trước.

Thúc đẩy thế mạnh cảng biển

Khi tuyến hàng quá cảnh đi vòng giữa Lào-Việt Nam-Trung Quốc và ngược lại đã bị ảnh hưởng bởi tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc, con đường vận chuyển hàng hóa, các doanh nghiệp logistics vẫn kỳ vọng tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) sẽ giữ cho nguồn hàng vẫn dồi dào vì đi xuyên qua các nước Lào, Thái Lan, Myanmar và ra các cảng biển ở miền Trung của Việt Nam.

Tuy nhiên, một số địa phương nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây vẫn chưa thực sự tạo ra điểm thoát cuối cùng trên con đường này. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Đề án phát triển đến năm 2030, có tổng diện tích khoảng 54.000ha, cùng với xây dựng hành lang kinh tế quốc lộ 12A, hành lang kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh, Khu kinh tế tổng hợp Hòn La. Theo đánh giá của các ngành chức năng, năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nguồn cung tại chỗ cho các dự án FDI; chi phí logistics còn ở mức cao, ảnh hưởng đáng kể đến năng lực cạnh tranh quốc gia…

Cửa khẩu quốc tế Cha Lo nằm trên cung đường ngắn nhất của trục nối liền 4 quốc gia là Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Đề án của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo với mục tiêu sẽ biến nơi này thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình. Đây là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của các tỉnh miền Trung với Lào, Thái Lan, Myanmar, đảm bảo an ninh, quốc phòng của quốc gia. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mọi thứ ở khu vực này vẫn còn ngổn ngang, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tính đến thời điểm này đã thu hút được 26 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 400 tỷ đồng, nổi bật là các dự án nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, cửa hàng xăng dầu…Tuy nhiên, các dự án này đều hoạt động cầm chừng, phần lớn các khu đất vẫn bỏ hoang và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo vẫn chưa hề có đường nét của một khu kinh tế cửa khẩu quốc tế.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO