Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

Giao thương hàng hóa “độc, lạ” thời dịch Covid-19

Biên phòng - “Ngày trước, các nhu yếu phẩm, thực phẩm dùng trong gia đình, tôi đều mua từ các tiểu thương của Việt Nam chở qua. Nhưng hiện nay, do dịch bệnh, người dân tạm thời không qua lại hai bên biên giới, vì vậy, khi BĐBP Việt Nam thành lập điểm trao đổi hàng hóa đã tạo điều kiện cho người dân chúng tôi có thể mua được mặt hàng thiết yếu sử dụng hàng ngày” - Đó là chia sẻ của chị Chik Sreynit, trú tại xã Coroka, huyện Peam Chor, tỉnh Prây Veng (Campuchia) về điểm trao đổi hàng hóa do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, BĐBP Đồng Tháp thành lập hơn 1 tháng nay.

wekq_13b
Người dân rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn do BĐBP bố trí ngay tại bàn khi đến trao đổi hàng hóa. Ảnh: Hồ Phúc

Những ngày qua, cứ cách vài ngày, chị Chik Sreynit, trú tại ấp Coroka, xã Coroka (Campuchia) lại đến điểm trao đổi hàng hóa ngay sát khu vực cửa khẩu quốc tế Thường Phước thuộc huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) để mua những mặt hàng cần thiết phục vụ cuộc sống hàng ngày như: Rau, cá, thịt, đá lạnh... Đối với chị Chik Sreynit, điểm trao đổi hàng hóa này đã đáp ứng cho gia đình chị các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm, trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như giai đoạn hiện nay. Theo đó, khi nào cần mua hàng, chị Chik Sreynit lại gọi điện thoại cho tiểu thương người Việt Nam mà chị đã quen biết từ trước, rồi sau đó hẹn thời gian và đến điểm trao đổi hàng hóa do cán bộ Biên phòng bố trí để lấy hàng và thanh toán.

Chị Chik Sreynit chia sẻ: “Khi nghe tin tạm thời cấm người dân qua lại biên giới, người dân chúng tôi cảm thấy rất lo lắng, bởi trước nay đều sử dụng các mặt hàng từ các tiểu thương Việt Nam mang qua. Trong khi đó, ở Campuchia, để đi mua được các mặt hàng phục vụ đời sống hàng ngày, phải đi sâu vào nội địa chừng hơn 20km. Vì thế, khi biết tin BĐBP Việt Nam thành lập điểm trao đổi hàng hóa, tôi và người dân ở đây cảm thấy rất phấn khởi và yên tâm. Việc mua hàng như thế này giúp tôi và mọi người tránh tiếp xúc gần, hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19 cho bản thân và gia đình cũng như tiết kiệm được thời gian đi lại”.

Được biết, điểm trao đổi hàng hóa tại khu vực cửa khẩu quốc tế Thường Phước được Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước thành lập đã hơn 1 tháng nay. Đây là hình thức mua bán vừa đảm bảo phòng chống dịch cho người dân hai bên biên giới, cũng như đáp ứng được nhu cầu của người dân xã Coroka về các nhu yếu phẩm, thực phẩm sử dụng hàng ngày và tiết kiệm được thời gian đi lại cho nhân dân. Thời gian hoạt động từ 6 giờ sáng đến 17 giờ. Bình quân mỗi ngày, có hơn 50 lượt người dân sinh sống tại Coroka và xã Thường Phước 1 trao đổi, mua bán hàng hóa. Các mặt hàng trao đổi chủ yếu là mì gói, dầu gội, nước đá, các loại rau củ quả, cá, thịt... Trong quá trình trao đổi, người dân hai nước không được tiếp xúc trực tiếp với nhau, thông tin hàng hóa ghi trong giấy được đặt tại bàn tiếp nhận hoặc liên lạc bằng điện thoại. Sau khi nhận hàng từ các tiểu thương đã bỏ sẵn trên bàn mà lực lượng Biên phòng chuẩn bị sẵn, người dân bên Campuchia để lại tiền, sau đó người bán đến lấy tiền sau.

Thiếu tá Trần Duy Ê, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước cho biết: “Từ khi có lệnh cấm người dân qua lại biên giới, nhiều người dân nước bạn Campuchia sống tại xã Coroka giáp ranh rất khó khăn trong việc mua các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày do chợ cách khá xa khu dân cư. Từ thực tế đó, với chủ trương “đóng cửa biên giới nhưng không chốt chặn tình người”, được sự cho phép của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đơn vị đã thành lập điểm trao đổi hàng hóa tại khu vực cửa khẩu quốc tế Thường Phước. Việc trao đổi, mua bán hàng hóa của bà con được cán bộ, chiến sĩ đơn vị quản lý chặt chẽ. Việc trao đổi hàng hóa theo hình thức “cách ly” như vậy đã được người dân hai bên vui vẻ chấp hành tốt”.

4a2m_13a
Ở điểm trao đổi hàng hóa tại khu vực cửa khẩu quốc tế Thường Phước, người mua và người bán luôn giữ khoảng cách an toàn. Ảnh: Hồ Phúc

Chị Đặng Thị The, một tiểu thương trú tại ấp 1, xã Thường Phước 1 cho biết, trước đây, ngày nào chị cũng chở rau cải, cá, bột ngọt, tiêu, đường sang bán cho người dân xã Coroka. Nhờ đó mà chị có rất nhiều khách hàng quen thuộc ở bên đó. Khi cơ quan chức năng cấm người dân hai nước đi lại để đảm bảo an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chị cảm thấy lo lắng vì không biết sẽ phải làm gì để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng khi lực lượng Biên phòng lập điểm trao đổi hàng hóa, nhiều khách hàng của chị sinh sống phía đối diện đã gọi điện để đặt mua hàng, nên ngày nào chị cũng bận rộn đi gom hàng. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, chị có khoảng hơn 10 đơn hàng về các nhu yếu phẩm, thực phẩm mà người dân xã Coroka đặt mua qua điện thoại. 

Chi The vui vẻ nói: “Tôi đưa hàng hóa sang bán cho người dân xã Coroka từ 10 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên tôi bán hàng theo hình thức này. Việc trao đổi hàng hóa tuy có bất tiện, nhưng lại là cách an toàn để tránh dịch bệnh Covid-19 cho bản thân, gia đình và xã hội. Do vậy, tôi và các tiểu thương khác cũng như người dân Campuchia phía đối diện đến mua hàng đều hiểu và chấp hành theo sự hướng dẫn của cán bộ Biên phòng”.

Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Phó Chính ủy BĐBP Đồng Tháp chia sẻ: “Thời gian qua, BĐBP Đồng Tháp đã lập 2 điểm trao đổi hàng hóa tại khu vực cửa khẩu quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự và cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Các điểm trao đổi hàng hóa này đã kịp thời đáp ứng nhu cầu về các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm cho người dân nước bạn Campuchia sinh sống phía đối diện. Đặc biệt, chính quyền các địa phương nước bạn rất hoan nghênh cách làm sáng tạo của lực lượng Biên phòng Việt Nam trong việc giúp nhân dân Campuchia “đi chợ” mua mặt hàng thiết yếu sử dụng hàng ngày”.

Hồ Phúc

Bình luận

ZALO