Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 02/04/2023 06:20 GMT+7

Giao kết để cùng nhau xóa đói, giảm nghèo

Biên phòng - Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Trưởng ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, vì đại dịch Covid-19 nên đã lâu rồi mới gặp ông Văn Von, Trưởng phum Cooc Tho Mo, xã Tuần Lung, huyện Mê Mốt, tỉnh Tbong Khmum, Vương quốc Campuchia. Câu chuyện của hai địa phương sau 5 năm kết nghĩa vẫn tập trung quanh chuyện xóa đói, giảm nghèo.

Các đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết 5 năm kết nghĩa Cụm dân cư hai bên biên giới giữa ấp Vườn Bưởi và phum Cooc Tho Mo. Ảnh: Văn Chương

Nói chuyện cây, con

Sáng ngày 5-5, tại hội trường UBND xã Lộc Thiện, mọi người đều mặc quần áo đẹp, nhiều người ôm hoa đứng ra hai bên cổng để chuẩn bị chào đón đoàn người ở phum kết nghĩa sang dự sơ kết 5 năm hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Tranh thủ thời gian lúc đoàn Campuchia chưa qua, một số người lập tức nhắc đến việc trồng và thu hoạch cây cao su. Cao su cũng chính là đề tài mà người dân ở phum kết nghĩa rất quan tâm và cần trao đổi vì Việt Nam chính là thị trường mở cho mủ cao su của nông dân Campuchia xuất khẩu sang.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo vui mừng khi gặp lại ông Văn Von. Do đại dịch Covid-19 kéo dài, việc đi lại, thăm thân giữa nhân dân hai bên biên giới bị gián đoạn. Vì vậy, gặp nhau lần này, mọi người đều muốn hỏi về việc canh tác cây cao su, cây tiêu, đào lộn hột. Trong những năm gần đây, một số giống cây cao su mới được đưa về địa bàn, nhưng ông Bảo cho rằng, nông dân nhận thấy giống cũ là RRIV 4 có năng suất cao nhất. Bên cạnh đó là giống đào lộn hột bản địa được ưa chuộng hơn giống cao sản. Phía nông dân Campuchia cũng rất cần thông tin này để canh tác đạt hiệu quả.

Theo thống kê của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, BĐBP Bình Phước, chỉ tính riêng trong năm 2021, hàng nông sản từ Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam gồm 156.268,956 tấn hạt điều, 7.470,002 tấn hàng gia dụng, nhập khẩu 5.159,33 tấn tiêu khô... Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Campuchia, Việt Nam là thị trường chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Campuchia. Trong năm 2021, hàng nông sản của Campuchia xuất sang Việt Nam trị giá 3,5 tỷ USD; ước tính, 99% lượng hạt điều khô của Campuchia xuất sang Việt Nam và trong năm 2021 lên tới gần 1 triệu tấn hạt điều.

Chính vì Việt Nam là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu nông sản của Campuchia, mà trong các hoạt động kết nghĩa giữa nhân dân hai bên biên giới, thì “điểm gặp nhau” giữa những người dân hai bên chính là câu chuyện quen thuộc “trồng cây gì, nuôi con gì?”. Ông Bảo là người thường xuyên gặp gỡ người dân nước bạn, nên ông hiểu được nhu cầu thực chất thông qua hoạt động kết nghĩa là gì. Ông Bảo cho biết, người dân bên bạn cần trao đổi kỹ thuật, giống cây trồng, nên các ngành chức năng nên hỗ trợ mạnh cho bà con Campuchia ở phum Cooc Tho Mo về mặt này để hoạt động kết nghĩa đi vào thực chất hơn.

Bên nhau ngày vui

Ấp Vườn Bưởi nằm giáp với phum Cooc Tho Mo. Trên bản đồ Google, khu vực giáp ranh là những đoạn biên giới liên tục gấp khúc, trông giống như một chồi cây nhô lên từ đỉnh núi. Địa hình của địa phương tương đối bằng phẳng, có nhiều đường mòn qua lại biên giới, dân tộc chiếm chủ yếu là người Stiêng. Ông Bảo cho biết, người Stiêng có tiếng nói gần giống với người dân Campuchia, bà con hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, vì vậy, giữa hai bên đã có một sợi dây kết nối từ rất lâu đời.

Hàng nông sản của bà con Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Bình Phước. Ảnh: Văn Chương

Ấp Vườn Bưởi và phum Cooc Tho Mo có chung đường biên giới dài gần 6,7km, có 2 cột mốc chính và 15 cột mốc phụ. Cách đây 5 năm về trước, để người dân hai bên biên giới gắn kết và hỗ trợ nhau, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ngày 15-12-2017, tại UBND xã Lộc Thiện đã diễn ra buổi giao lưu hữu nghị giữa ấp Vườn Bưởi và phum Cooc Tho Mo. Hai bên thống nhất với nhau một số hoạt động, bên cạnh việc giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, tăng cường tình đoàn kết, còn có những mục tiêu để xây dựng biên giới hòa bình như: Hai địa phương đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền về Hiệp định, Hiệp nghị chung giữa hai quốc gia đã ký kết, ngăn chặn các hoạt động xuyên tạc, phá hoại mối quan hệ đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới.

Từ phong trào kết nghĩa, sau 5 năm, người dân hai bên biên giới đã kịp thời cung cấp nhiều tin tức để BĐBP Bình Phước bắt, xử lý 13 vụ/40 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép; tổ chức tuần tra 6 lượt/60 người tham gia. Các hoạt động giao lưu văn hóa được đánh giá là tạo sự gần gũi, gắn bó mật thiết giữa nhân dân hai bên. Vào các dịp lễ Sene Đôn Ta, Ok Om Bok, Tết Chôl Chnăm Thmây, Đồn Biên phòng Lộc Thiện và người dân ở địa phương đều sang thăm, giao lưu, tặng quà, cùng đồng hành các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, từ dịp hai bên kết nghĩa tới nay, thay đổi nhất đó là người dân không đi tắt, đi ngang nữa, mà đi đúng cửa khẩu lối mở Tuần Lung. Một số bà con Campuchia khi gặp gỡ thì trao đổi rằng, họ đã được tuyên truyền về việc chấp hành nghiêm các quy định khi qua lại biên giới, đã ý thức được rằng kết nghĩa thì càng phải chấp hành tốt các quy định thì kết nghĩa mới bền, vậy là, bà con Campuchia về tuyên truyền trong phum để cùng nhau chấp hành.

Trong báo cáo tại Hội nghị sơ kết 5 năm kết nghĩa Cụm dân cư hai bên biên giới giữa ấp Vườn Bưởi và phum Cooc Tho Mo nêu rõ, BĐBP Bình Phước đã phối hợp với ngành y tế và địa phương tổ chức 2 đợt khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho 550 lượt người dân xã Tuần Lung và phum Cooc Tho Mo, tổng trị giá 550 triệu đồng. Ông Văn Von cho biết, trong thời gian qua, BĐBP Bình Phước đã tạo điều kiện cho bà con Campuchia qua lại khám chữa bệnh, thăm thân, tạo ra quan hệ gắn bó giữa nhân dân hai bên biên giới, giúp nhau tăng gia sản xuất.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO