Biên phòng - Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959 -3/3/2019), 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2019), trong những năm qua, toàn lực lượng BĐBP đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực với nhiều chương trình, mô hình, phong trào hay nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống lịch sử hào hùng gắn liền với hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh. Nhiều di tích lịch sử đã được xây dựng, sửa chữa, tôn tạo, trở thành những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP, nhân dân biên giới và cả nước.
- Tích cực chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP và đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất
- Gặp mặt báo chí thông tin về các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP, 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân
- Triển khai hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP

Trong số nhiều công trình văn hóa mang dấu ấn truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) được đầu tư nâng cấp, sửa chữa hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân, có Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn được xây dựng trên nền của Đồn Công an vũ trang 209 Pò Hèn năm xưa, tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Năm 2010, Đài tưởng niệm được tôn tạo từ nguồn vốn xã hội hóa và khánh thành vào ngày 10-1-2011, cao 16m, được xây dựng bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng, ở hai bên phía trước có 2 nhà bia, trong đó đặt 2 tấm bia đá xanh, khắc tên 86 liệt sĩ đã hy sinh tại nơi này từ ngày đầu tiên diễn ra chiến tranh biên giới phía Bắc.
Tháng 3-2014, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngày 23-5-2018, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng đã nhất trí chỉnh trang công trình Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn. Cứ vào ngày 17-2 hằng năm, Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh đều làm giỗ chung cho các liệt sĩ đã ngã xuống nơi này trong cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Cùng với Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, Tượng đài chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang bảo vệ giới tuyến ở Quảng Trị, Khu trưng bày truyền thống An ninh vũ trang miền Nam ở Tây Ninh, Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ ở Điện Biên, Nhà bia ghi tên các liệt sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang, Nhà bia ghi tên anh hùng, liệt sĩ xã Dào San... đều là những công trình văn hóa lịch sử mang đậm dấu ấn truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang cũng được đầu tư nâng cấp, sửa chữa để hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân và 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP.
Ngoài việc xây dựng, tôn tạo, sửa chữa nhiều công trình di tích lịch sử gắn liền với hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng, trong thời gian qua, cũng có nhiều mô hình, phong trào, cuộc thi, cuộc vận động được Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành tổ chức để tôn vinh những người lính mang quân hàm xanh. Tiêu biểu như Đợt vận động sáng tác ca khúc về đề tài biên giới, biển, đảo và BĐBP thu hút đông đảo các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên tham gia với 538 tác phẩm dự thi. Các tác phẩm đa dạng về hình thức và thể loại, từ đơn ca, song ca tốp ca đến hợp ca, hợp xướng. Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân cũng đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của giới mỹ thuật, các họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước. Cuộc thi tìm hiểu về biên giới và BĐBP cũng là một trong những cuộc thi có ý nghĩa, lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự tham gia đông đảo trong nhân dân.
Những cuộc thi, đợt vận động mà Bộ Tư lệnh BĐBP phát động đều lan tỏa mạnh mẽ, góp phần vào thành công của công tác giáo dục truyền thống trong toàn lực lượng và nhân dân. Qua đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên và nhân dân hiểu thêm về truyền thống anh hùng của BĐBP trong 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” nói chung và hình ảnh người lính BĐBP nói riêng; khơi dậy lòng tự hào, cổ vũ động viên thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững niềm tin, tinh thần độc lập, ý chí tự cường, tích cực đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khi nói đến những “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống, lịch sử của BĐBP, không thể không nhắc đến Bảo tàng Biên phòng. Với diện tích trưng bày hơn 2.000m2, tại số 2 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, nơi đây đang lưu giữ hơn 12.000 tư liệu, hiện vật gốc về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng BĐBP trong 60 năm qua, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm được sưu tầm trên khắp cả nước. Những hiện vật đó gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử nổi bật của lực lượng BĐBP. Bảo tàng Biên phòng là “địa chỉ đỏ” để mọi tầng lớp nhân dân khi đến tham quan hiểu rõ về BĐBP và những chiến công vẻ vang của lực lượng trong suốt chặng đường 60 năm lịch sử. Qua đó, nâng cao nhận thức gắn với trách nhiệm của mỗi người trong thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Quang Long