Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 06/12/2023 08:17 GMT+7

Giáo dục truyền thống lịch sử góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị

Biên phòng - Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng đã chú trọng triển khai thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Nhờ thấm nhuần truyền thống lịch sử vẻ vang, hào hùng của Đảng, Quân đội và lực lượng BĐBP mà cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cao Bằng luôn giữ vững và phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

BĐBP Cao Bằng luôn chú trọng công tác giáo dục lịch sử cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Ảnh: Đình Tuân

Đa dạng các hình thức giáo dục lịch sử

Giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ là khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, từ đó, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, quyết thắng, hăng hái thi đua học tập, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chính vì lẽ đó, thời gian qua, BĐBP Cao Bằng đã chú trọng giáo dục truyền thống thông qua việc tham quan, nghiên cứu các di tích lịch sử của địa phương.

Cao Bằng là nơi Bác Hồ kính yêu đã xây dựng căn cứ địa cách mạng sau 30 năm tìm đường cứu nước, là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng. Toàn tỉnh có 23 di tích lịch sử xếp hạng cấp quốc gia. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử quan trọng như: Pác Bó, di tích Chiến thắng Đông Khê, rừng Trần Hưng Đạo… Đây là những “địa chỉ đỏ” có ý nghĩa quan trọng đối với công tác giáo dục tư tưởng, truyền thống lịch sử. Phát huy những lợi thế đó, trong thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng đối với cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân.

Hình thức giáo dục lịch sử được triển khai đa dạng, từ tổ chức tập trung thông qua các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh Cao Bằng, ngày truyền thống của địa phương, của Quân đội và lực lượng BĐBP. Cùng với đó, hoạt động tham quan, triển lãm, ngoại khóa, về nguồn và giáo dục truyền thống trong thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên và chiến sĩ cũng được thường xuyên tổ chức. Công tác giáo dục lịch sử còn được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chính trị, thông tin thời sự, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt Đoàn, “Ngày Chủ nhật truyền thống”, sinh hoạt tổ 3 người, chương trình giáo dục chính trị hằng năm cho cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị.

Ngoài ra, trên trang Fanpage “BĐBP tỉnh Cao Bằng” có nhiều bài viết giới thiệu về truyền thống quê hương cách mạng Cao Bằng; đồng thời tích cực chia sẻ, lan tỏa các hình ảnh, thông tin tích cực về mọi mặt đời sống chính trị - xã hội của tỉnh Cao Bằng. Trang Fanpage của đơn vị đã có hơn 360.000 lượt người tiếp cận, hơn 300.000 lượt tương tác, hơn 18.200 lượt like trang và hơn 18.200 người theo dõi trang.

Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử

Để công tác giáo dục lịch sử càng có chiều sâu và hiệu quả, Đảng ủy BĐBP Cao Bằng đã ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch bổ sung, xuất bản cuốn Lịch sử BĐBP Cao Bằng giai đoạn 2009-2019. Ngay từ khi bắt đầu quá trình khai thác tư liệu, Tổ sưu tầm đã khai thác tư liệu nghiên cứu kỹ đề cương, tích cực sưu tầm, khai thác, tổng hợp tư liệu để nghiên cứu, biên soạn, tổ chức hội thảo và xin ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng qua các thời kỳ, các đồng chí trong Hội đồng Thẩm định các bản thảo lịch sử cấp tỉnh, các đồng chí nguyên là lãnh đạo BĐBP Cao Bằng qua các thời kỳ.

Công tác giáo dục lịch sử được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tại các đơn vị của BĐBP Cao Bằng. Ảnh: Đình Tuân

Khi đã có trong tay những tư liệu quý giá, Tổ sưu tầm tiến hành xác minh, thẩm định đối với những tư liệu mới sưu tầm được theo một quy trình chặt chẽ, khoa học. Cùng với đó, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm trao đổi về các sự kiện lịch sử, về tính Đảng, tính khoa học của bản thảo lịch sử với sự tham gia của các nhân chứng lịch sử, các đồng chí lãnh đạo địa phương, đơn vị qua các thời kỳ. Chú trọng việc ghi chép, theo dõi, tổng hợp các sự kiện quan trọng của đơn vị để làm tư liệu lịch sử. Thực hiện tốt công tác bảo quản, lưu trữ tài liệu, các văn bản của cấp ủy, chỉ huy đơn vị, nhất là những tài liệu có giá trị lâu dài.

Đối với các công trình lịch sử đã xuất bản của các đồn Biên phòng, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng tiếp tục chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tính khách quan, khoa học theo hướng chú trọng tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy, kinh nghiệm công tác Đảng, công tác chính trị qua các thời kỳ. Đồng thời, vận dụng những thành tựu khoa học công nghệ trong nghiên cứu, đánh giá các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử; có sự phân tích lịch sử, khách quan, khoa học, trình bày đầy đủ những kết quả quân sự, kết quả trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở khu vực biên giới.

Thường xuyên tổng kết, đổi mới, nắm vững nguyên tắc, vận dụng tốt các phương pháp nghiên cứu, phối hợp với nhiều nhà nghiên cứu, những người có năng lực, kinh nghiệm viết sử cho các đơn vị trong BĐBP, các cơ quan nghiên cứu khoa học và các ngành liên quan để nâng cao chất lượng các công trình lịch sử, khắc phục tình trạng rập khuôn, sao chép.

Kết quả biên soạn, xuất bản cuốn Lịch sử BĐBP Cao Bằng (2009-2019), đây là một công trình khoa học có ý nghĩa, phản ánh khá đầy đủ và sinh động giai đoạn phát triển 10 năm của BĐBP Cao Bằng. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và truyền thụ kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cấp ủy Đảng trong Đảng bộ BĐBP Cao Bằng. Hiện nay, BĐBP Cao Bằng có 3 đơn vị cấp đồn Biên phòng xuất bản các cuốn lịch sử của đơn vị, cụ thể là: Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng 60 năm bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia (1959-2019); Lịch sử Đồn Biên phòng Xuân Trường (1978-2018); Lịch sử Đồn Biên phòng Cốc Pàng (1959-2019).

Thùy Trang

Bình luận

ZALO