Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 02:35 GMT+7

Giáo dục khát vọng từ nhà lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt

Biên phòng - Những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022, tiếng búa, tiếng đe đã vang lên ở làng rèn Minh Thành, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Làng rèn hơn 300 năm này cũng là quê hương của cố Trung tướng Phạm Kiệt, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Ngày đầu Xuân, chúng tôi về thăm làng rèn, nghe người dân kể và tự hào về người con làng rèn.

Trung tướng Phạm Nam Tào và Đại tá Đỗ Tấn Hải chia sẻ với lãnh đạo địa phương về việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tại Nhà lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt. Ảnh: Văn Chương

Rèn... ý chí

Con đường về làng Minh Thành uốn lượn quanh những ruộng lúa và làng quê êm đềm. Âm thanh đã trở thành nhịp đập, mạch sống ở địa phương này là những bể lò rèn ở 60 hộ dân chuyên sản xuất các mặt hàng nông cụ từ đôi tay khéo léo phục vụ cho nông dân. Những ngày đầu Xuân, người dân ở xã Tịnh Minh tự hào vì địa phương có 3 cán bộ Quân đội và Công an mang cấp hàm Trung tướng; Nhà lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt trở thành điểm đến thắp hương tưởng niệm của các đoàn Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an, BĐBP.

Trung tướng Phạm Nam Tào, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, cũng là người con quê hương xã Tịnh Minh, thắp một nén hương và nhắc lại quá khứ hào hùng của gia đình Trung tướng Phạm Kiệt. Trong quá khứ, có một dòng tộc lưu giữ câu chuyện bí mật và mãi sau này mới truyền lại cho con cháu về chuyện chạy nạn, tránh truy sát, đó là dòng họ của tướng Phạm Kiệt. Sau nhiều thế kỷ, gia tộc này mới công bố cây gia phả là con cháu của Mạc Đăng Dung, người gốc Hải Phòng và do những biến động về chính trị, “phù Lê diệt Mạc” nên đã đổi họ và lánh vào tận vùng quê này.

Dòng họ tướng lĩnh chỉ còn là hư danh nếu không biến niềm tự hào đó thành hành động. Quảng Ngãi những năm 30 của thế kỷ trước, người dân sống cơ cực dưới gót giày của thực dân Pháp. Dòng họ Phạm gốc họ Mạc lại một lần nữa được người dân nhắc đến và xem như thủ lĩnh của phong trào nổi dậy, đó là vào ngày 1-5-1930, làng Minh Thành nằm cách xa trung tâm tỉnh lỵ, nhưng bất chợt xuất hiện biểu ngữ in dòng chữ “Việt Nam Cộng sản vạn tuế!”, “Việt Nam độc lập vạn tuế!”. Những người treo khẩu hiệu để kêu gọi nông dân chuyển sang rèn giáo mác làm khí giới cũng là anh em của tướng Phạm Kiệt.

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tịnh Minh đã ghi lại sự kiện nổi dậy này. Đó là tháng 4-1930, ông Phạm Viết My, Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh, người mới tham gia vào Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã về làng Tịnh Minh tổ chức một cuộc họp có 7 người, trong đó có người thanh niên trẻ Phạm Kiệt. Nội dung chuẩn bị cho cuộc đấu tranh nhân dân toàn huyện nhân Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930, vai trò của Phạm Kiệt là tổ chức đấu tranh, Phạm Văn là cán bộ tuyên truyền.

Điểm sáng văn hóa

Những ngày giáp Tết, đoàn viên, thanh niên ở địa phương về dọn dẹp, chăm sóc cây xanh Nhà lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt. Sau những ngày Đông giá rét, những cây bưởi nặng trĩu quả, đung đưa theo gió. Đứng cạnh hàng bưởi xanh tốt, Đại tá, cựu chiến binh Đỗ Tấn Hải, nguyên Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ngãi đã nhắc đến việc năm 2011, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và chính quyền địa phương đã tổ chức xây dựng nhà lưu niệm và rất vui vì nơi này đã trở thành điểm đến cho người dân địa phương và khách thập phương viếng Trung tướng Phạm Kiệt.

Nhà lưu niệm được xây dựng đơn giản, nhưng đáp ứng được các tiêu chí về cảnh quan. Trước nhà là một khoảng sân rộng, một bức phù điêu lớn bằng đá khắc họa Trung tướng Phạm Kiệt và Bác Hồ, cột cờ, không gian trưng bày. Bên cạnh Nhà lưu niệm là nhà thờ tộc họ và bên cạnh là nhà cháu ruột của Trung tướng Phạm Kiệt, người hằng ngày đến thắp hương cho ông.

Bà Lê Thị Mỹ Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tịnh Minh tới thăm, thắp hương cho Trung tướng Phạm Kiệt. Những cán bộ cựu chiến binh gặp gỡ, bày tỏ hy vọng Nhà lưu niệm sẽ là điểm tổ chức kết nạp đảng viên mới, thanh niên đứng vào hàng ngũ của Đoàn; tổ chức chào cờ khi địa phương có sự kiện chính trị quan trọng. Bà Hiệp cho biết: “Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đưa Nhà lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt trở thành nơi để các đảng viên, các em học sinh và nhân dân thường xuyên tới tham quan, ôn lại truyền thống”.

Trung tướng Phạm Nam Tào (giữa) và Đại tá Đỗ Tấn Hải tặng quà Tết cho người dân tại Nhà lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt. Ảnh: Văn Chương

Học sinh ở Trường Trung học phổ thông Phạm Kiệt thường được các thầy, cô giáo tổ chức đến tham quan. Do hệ thống ảnh được bố trí trong Nhà lưu niệm khá phong phú, vì vậy, các em học sinh đã có thêm được những giờ học lịch sử bổ ích. Ảnh trong Nhà lưu niệm được bố trí thành các cụm chủ đề: Tổ tiên, truyền thống, họ tộc; Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang; Cục trưởng Cục Bảo vệ; Chiến trường miền Bắc, Chiến thắng Điện Biên Phủ...

Nơi giáo dục truyền thống

Từ năm 2012, bàn thờ đặt giữa Nhà lưu niệm được ghép thêm chiếc bàn để đặt tấm bằng truy tặng Trung tướng Phạm Kiệt danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp. Công trạng của ông được ghi là “Nguyên Đội trưởng Đội du kích Ba Tơ; đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”.

Ông Trần Hồng Hải, cựu chiến binh, đi từ làng chài Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi lên thăm và thắp hương viếng Trung tướng Phạm Kiệt. Ông Hải dừng lại thật lâu để đọc dòng chữ được in trên tấm bảng, đặt ngay trước cửa ra vào, nội dung thuật lại lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ca ngợi Trung tướng Phạm Kiệt: “Tôi gặp anh lần đầu tại Ninh Hòa (Khánh Hòa) trong chuyến được Bác Hồ phái vào mặt trận miền Nam. Lúc bấy giờ, anh Kiệt đang chỉ huy đánh địch từ phía Madrak. Ở mặt trận, anh tỏ ra là một người chỉ huy kiên quyết và dũng cảm”.

Cứ dịp cuối năm, gia đình Trung tướng Phạm Nam Tào lại chở về quê hương 1 tấn gạo và quà để san sẻ cho bà con và nói chuyện với cán bộ địa phương tại khuôn viên Nhà lưu niệm. Ông nói rằng, “phải làm sao để Nhà lưu niệm trở thành trung tâm giáo dục truyền thống, ý chí vươn lên trong cuộc sống cho thế hệ thanh niên trẻ; ngày trước, cha ông đi chiến đấu, thế hệ thanh niên trẻ bây giờ thì lấy niềm tự hào đó để phấn đấu trên mặt trận kinh tế, vừa làm giàu cho gia đình, vừa góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.

Có nhiều đoàn công tác đã để lại bút tích trong sổ lưu niệm. Ông Bùi Chương viết: “Chúng tôi là Bùi Chương, Bùi Chuẩn, con của Trung tướng Trần Quý Hai, người bạn chiến đấu của Trung tướng Phạm Kiệt từ thời du kích Ba Tơ. Chúng tôi vô cùng xúc động đến thăm và tưởng niệm Trung tướng Phạm Kiệt, một người con ưu tú của quê hương Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, đồng thời cũng rất tự hào là con cháu của các thế hệ anh hùng như tướng Kiệt và cha tôi...”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO