Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 08:10 GMT+7

Gian nan trong ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã Trọng Hóa

Biên phòng - Nằm phía Tây Bắc của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, Trọng Hóa là xã vùng cao biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 17 bản với 1.014 hộ/4.672 nhân khẩu; trong đó 97,23% là đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Chứt và Bru - Vân Kiều. Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương phối hợp chặt chẽ Đồn Biên phòng Ra Mai, BĐBP Quảng Bình trong công tác tuyên truyền pháp luật song tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã Trọng Hóa vẫn còn xảy ra.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai tuyên truyền, vận động bà con trên địa bàn chủ động phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Thành Phú

Bản làng vẳng tiếng ru buồn

Qua sự chỉ dẫn của Thiếu tá Cao Xuân Hoành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ra Mai, tôi có mặt tại bản tại bản Dộ-Tà Vờng, xã Trọng Hóa vào một chiều sắc trời đông lạnh giá nơi miền núi cao biên giới. Cũng như bao bản làng vùng cao khác, bản Dộ-Tà Vờng nằm khép mình dưới chân ngọn núi đá vôi trong hệ thống dãy Trường Sơn hùng vĩ. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như tôi không nhìn thấy cảnh những phụ nữ còn rất trẻ nhưng đã tay bồng, tay bế những đứa trẻ với sắc thái luôn mặt mệt mỏi và buồn như cảnh chiều đông nơi góc núi.

Ngôi nhà đơn sơ đến mức tuyềnh toàng của chị Hồ Thị Thủy, 23 tuổi là địa điểm mà tôi cùng với các cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai tiếp cận để tìm hiểu về cuộc sống cặp vợ chồng tảo hôn này. Nếu như không có sự giới thiệu của mọi người thì chắc chắn rằng tôi sẽ chẳng thể tin nổi người phụ nữ đang ngồi đối diện với mình hiện ở độ tuổi 23 bởi nét khắc khổ, già nua hằn sâu trên khuôn mặt mà sự vất vả, nhọc nhằn đã bám chặt lấy thân phận làm vợ sớm của người phụ nữ Vân Kiều này.

Kết hôn khi chưa tròn 16 tuổi cùng người chồng cũng chỉ hơn mình đúng một tuổi ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, đôi vợ chồng trẻ con ngày ngày còn thích vui chơi với bạn bè hơn đi lao động, vì thế, sự “khánh kiệt” về kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Thế rồi liên tiếp 4 đứa con ra đời trong đói khổ, thiếu thốn trăm bề đã làm cho cô bé Thủy mất hết đi sự nhí nhảnh, vô tư của tuổi thơ.

Lam lũ trong đói khổ, cặp vợ chồng trẻ con này làm mãi mà vẫn không đủ trang trải cho nhu cầu tối thiểu của gia đình. Ngay như ngôi nhà mà vợ chồng Thủy đang sở hữu hiện nay cũng vậy, trong nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá, cái thường xuyên tồn tại chính là bừa bộn do con trẻ nghịch ngợm bày ra nhưng bố mẹ chúng vì công việc nương rẫy mệt mỏi cho nên chẳng còn tâm trí để dọn dẹp.

Hồ Thị Thủy chia sẻ: “Mình lấy chồng sớm nên khổ quá, cuộc sống kinh tế gia đình chẳng được như mọi người, con đông lại càng vất vả, khó khăn hơn. Trong bản có mấy người cùng tuổi với mình nhưng họ không lấy chồng sớm vì thế mà được ra huyện, về tỉnh học, còn mình thì chỉ biết làm nương, làm rẫy, nuôi con, cả năm không bước chân ra khỏi bản. Mình buồn lắm nhưng giờ thì đã muộn rồi”.

Lời chia sẻ của Thủy cũng chính là lời nhắn gửi đến những gia đình đang có ý định gả vợ, dựng chồng sớm cho con cái hay những bé gái phải lấy chồng khi chưa đủ tuổi pháp luật quy định để cho bản làng không còn vẳng lên những lời ru buồn.

Kiên quyết đẩy lùi nạn tảo hôn

Tại thời điểm này của năm 2022, trên địa bàn xã Trọng Hóa đã có 12 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tựu trung lại vẫn là do địa hình phức tạp, người dân sống thưa thớt nên việc nắm bắt thông tin, phát hiện ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có lúc, có nơi chưa kịp thời. Bên cạnh đó, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn bị ảnh hưởng bởi những quan niệm, tập quán lạc hậu đã tồn tại qua nhiều thế hệ nên chưa thấy, chưa hiểu được những hệ lụy do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra.

Thông qua các buổi tuyên truyền, cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai đã giúp người dân hiểu được những hệ lụy của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Thành Phú

Dù còn nhiều gian nan trong “cuộc chiến” chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhưng xã Trọng Hóa vẫn nỗ lực triển khai các giải pháp với tinh thần quyết liệt để giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng này, bởi đẩy lùi được hủ tục này cũng đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số Chứt, Bru-Vân Kiều.

Bà Hồ Thị Toàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trọng Hóa cho biết: “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nhiệm vụ quan trọng và còn nhiều gian nan của địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để nâng cao nhân thức cho người dân”.

Sát cánh cùng với địa phương trong công tác này là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai, BĐBP Quảng Bình, bởi thời gian qua, các anh đã tổ chức được 12 buổi tuyên truyền trực tiếp cho 1.215 lượt người và tích cực tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh và mô hình “Tiếng loa Biên phòng”; in và phát 450 tờ rơi, tờ gấp... với các nội dung về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới... Cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, các anh luôn thường xuyên có mặt tại địa bàn để khi nhận được thông tin về các cặp có ý định tảo hôn là ngay lập tức đến gặp gỡ, vận động họ cũng như 2 gia đình dừng tổ chức đám cưới đợi đến khi đủ tuổi theo quy định của pháp luật thì mới cho các con kết hôn.

Thiếu tá Cao Xuân Hoành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ra Mai cho biết: “Việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã Trọng Hóa không thể đạt được kết quả mỹ mãn trong một sớm, một chiều mà đòi hỏi phải kiên trì tuyên truyền, vận động người dân. Song để rút ngắn về thời gian thì ngoài việc tuyên truyền, vận động, cần phải xử lý nghiêm các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhất là đối với cán bộ, đảng viên; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước thôn, bản”.

Để giúp bà con các dân tộc trên địa bàn có cuộc sống ấm no thì không chỉ quan tâm phát triển các dự án, mô hình kinh tế mà cần giải quyết vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bởi đây là một trong những nguyên nhân gây nên đói nghèo. Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền các xã, sự chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, trong thời gian tới, xã Trọng Hóa sẽ không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Nguyễn Thành Phú

Bình luận

ZALO