Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:43 GMT+7

Gian nan “cuộc chiến” tái di cư tự do

Biên phòng - Thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào, giữa UBND tỉnh Nghệ An và Ủy ban chính quyền 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bô Ly Khăm Xay (Lào) về giải quyết vấn đề người di cư và kết hôn không giá thú, thời gian qua, đã có nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở Việt Nam di cư sang Lào được trao trả trở về. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, chỉ sau một thời gian ngắn trở về quê hương, phần lớn số người được trao trả lại nhấp nhổm tìm cách tái di cư bất hợp pháp.

uyef_19b
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Càn giúp dân lao động sản xuất. Ảnh: Hùng Phong

Thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ của hai nước Việt Nam và Lào, ngày 23-8-2019, cơ quan chức năng tỉnh Bô Ly Khăm Xay đã tiến hành trao trả 21 người (trong tổng số 42 người/8 hộ không đủ điều kiện ở lại nước sở tại theo quy định) để cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An tiếp nhận, quản lý. Thế nhưng đến nay, đã có 18/21 người đã tái di cư. Chỉ còn duy nhất 3 khẩu của gia đình bà Vừ Y Và, sinh năm 1963, ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn là đang ở lại quê nhà. Trước khi di cư sang Lào, bà Và đã bán toàn bộ tài sản, nay hồi hương buộc phải ở nhờ trong nhà của con gái nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. 

Nói về điều này, bà Vừ Y Và than thở: “Khi đi, chúng tôi phải bán hết tài sản nên trở về trắng tay. Chúng tôi cũng chán cuộc sống di cư rồi, nhưng giờ không còn nhà, còn đất sản xuất thì biết phải làm sao...”. Theo ông Moong Phò Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn: “Do địa phương còn gặp nhiều khó khăn nên việc giúp đỡ các hộ dân hồi cư trở về rất hạn chế. Chúng tôi cũng tạo nguồn kinh phí, tuy không nhiều để giúp đỡ phần nào các gia đình quá khó khăn như xoong nồi và gạo để họ ổn định cuộc sống. Thế nhưng họ vẫn tái di cư”.

Ngày 23-8, chính quyền xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn tiếp nhận 2 hộ/5 khẩu được phía Lào trao trả. Cũng như nhiều trường hợp khác, 2 gia đình tại xã biên giới này trở về trong điều kiện trắng tay. Khi trở về, Đồn Biên phòng Na Ngoi, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với chính quyền địa phương gặp gỡ định hướng, tổ chức làm nhà tạm để người dân vượt qua khó khăn trước mắt. Thượng tá Nguyễn Văn Đại, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Ngoi cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến họ tái di cư, trong đó, việc thực hiện thỏa thuận 2 bên còn nhiều bất cập, như việc trao trả theo nhân khẩu khiến nhiều gia đình bị chia cắt theo dạng kẻ ở lại, người về nên việc họ tái di cư là rất cao. Nhiều gia đình trở về trong điều kiện trắng tay, gặp khó khăn trong ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế lâu dài”.

Trong thời gian qua, BĐBP Nghệ An và cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng di cư và tái di cư. Nhờ vậy, đã có không ít gia đình từng tham gia di cư qua biên giới trở về ổn định cuộc sống. Vào thời điểm tháng 2-2018, gia đình anh Lầu Bá Gô và chị Mùa Y Chò, ở bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn mang theo 2 con nhỏ di cư sang tỉnh Bô Ly Khăm Xay, mong muốn tìm cuộc sống tốt hơn.

Thế nhưng trên đất Lào, họ không có đất canh tác, không có việc làm, cuộc sống vô cùng khó khăn nên đến tháng 3-2019, gia đình anh đã quyết định hồi hương. Trở về quê cũ, được sự quan tâm của địa phương, Đồn Biên phòng Nậm Càn, BĐBP Nghệ An, đến nay, gia đình anh Lầu Bá Gô và chị Mùa Y Chò đã có cuộc sống tương đối ổn định. Hằng ngày, anh lên rẫy, còn chị khai thác cây dược liệu từ tự nhiên, chăn nuôi thêm gia súc, con cái được đến trường đi học.

Vừa chặt cây dược liệu khai thác trên rừng về để chuẩn bị bán cho thương lái, chị Mùa Y Chò cho biết: “Nghe người ta tuyên truyền đi bên Lào thì tốt hơn ở đây, nhưng khi chúng tôi sang đến nơi thì gặp rất nhiều khó khăn. Ở “chui” nên gia đình và con cái không được hưởng bất kỳ chính sách gì. Từ đó, gia đình tôi quyết tâm quay trở về quê hương và được anh em trong xã, bản, cán bộ đồn Biên phòng giúp đỡ nên gia đình tôi đã có nhà cửa, ruộng vườn, cuộc sống ngày càng ổn định”.

n6zl_19a
Từ khi hồi cư về địa phương, nhờ sự giúp đỡ của BĐBP và chính quyền địa phương, gia đình chị Mùa Y Chò đã dần ổn định cuộc sống. Ảnh: Hùng Phong 

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, tại xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn đã có 4 hộ/20 khẩu hồi cư trở về sống ổn định tại địa phương. Cùng với cấp ủy, chính quyền xã Nậm Càn, lực lượng BĐBP đứng chân trên địa bàn thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, động viên, tuyên truyền, vận động các hộ hồi cư, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Trung tá Hồ Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Càn, chia sẻ: “Chúng tôi thống nhất với địa phương bàn bạc có các chủ trương, giải pháp cụ thể như: Bố trí đất sản xuất để các hộ canh tác lâu dài, hỗ trợ về ngày công dựng nhà giúp người dân an cư, lạc nghiệp. Cùng với đó, đồn phối hợp với nhà trường tạo điều kiện cho con em của các hộ hồi cư được đến lớp, đến trường theo đúng độ tuổi”.

Có thể khẳng định, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành chức năng đã giúp các hộ dân hồi cư từ Lào trở về nhanh chóng ổn định cuộc sống và không còn ý định di cư, qua đó, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, xây dựng cuộc sống bình yên trên địa bàn biên giới.

Hùng Phong

Bình luận

ZALO