Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 04:39 GMT+7

BĐBP Điện Biên:

Gian nan “cuộc chiến” phá, nhổ cây thuốc phiện

Biên phòng - Nhiều năm trở lại đây, lực lượng BĐBP và chính quyền các xã biên giới của tỉnh Điện Biên đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc ở miền biên viễn không trồng và tái trồng cây anh túc (thuốc phiện), cương quyết phá, nhổ những nương rẫy có trồng loài hoa độc này. Nhưng bà con người Mông ở các bản sát biên giới vẫn lén lút tái trồng và ngày càng mở rộng diện tích cây thuốc phiện. Mùa hoa anh túc đang đến gần, một cuộc chiến mới đối với các chiến sĩ Biên phòng lại bắt đầu.

1pvg_6-1.jpg
BĐBP Điện Biên vận động nhân dân không trồng cây anh túc.

Vào những năm 80 của thế kỷ 20, các huyện Mường Chà, Nậm Pồ và Mường Nhé của tỉnh Điện Biên được coi là thủ phủ cây thuốc phiện. Từ những đỉnh núi cao chót vót như Phu Luông, Sen Thượng, Nậm Nhừ, Phìn Hồ, A Pa Chải xuống đến tận những vùng trung tâm như thị trấn Mường Nhé, Mường Chà... đâu đâu cũng bắt gặp người dân trồng cây anh túc. Vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 hằng năm, cứ đến mùa anh túc trổ hoa, khắp núi rừng vùng cao biên giới Điện Biên lại rực rỡ đủ sắc màu quyến rũ.

Trên đường vào Đồn BP Na Hỳ để kiểm tra công tác phòng chống tội phạm ma túy (PCTPMT), Đại tá Phạm Đồng Tuyên, Chỉ huy trưởng BĐBP Điện Biên kể cho tôi nghe câu chuyện về loài hoa có sức quyến rũ đến mê hồn này. Chỉ huy trưởng Phạm Đồng Tuyên cho biết, đặc thù của loại cây anh túc chỉ sinh sôi, nảy nở ở những vùng đất có khí hậu trong lành, mát mẻ và ở những nơi có mây mù bao phủ quanh năm.

Chính vì thế, người Mông mới ví cây anh túc như một "nàng tiên" luôn ẩn mình giữa núi rừng trùng điệp. Mùa hoa anh túc cũng khá ngắn, bắt đầu gieo hạt từ tháng 10 năm nay đến tháng 2, tháng 3 năm sau là có thể thu hoạch.

Việc chăm sóc và thu hoạch cũng rất đơn giản. Chỉ cần chọn một khoảnh đất trống, vãi hạt xuống, chẳng cần bón phân và tưới nước, đến kỳ hoa nở rồi kết trái, họ dùng dao sắc khứa dọc theo những quả có bề ngoài giống quả sung để lấy nhựa đem về.

Nếu như người Thái chuyên trồng cây thuốc phiện ở ngay trong vườn, cạnh ngôi nhà sàn của mình, thì người Mông lại chọn các thung lũng, sườn núi cách xa bản làng, nơi có vùng đất mới để trồng cây anh túc. Thậm chí họ còn vượt biên giới sang xâm canh trái phép bên những ngọn núi xa tít tắp, hay trong những cánh rừng heo hút của nước bạn Lào. Mỗi mùa chỉ trồng khoảng 200-300m2 cây thuốc phiện có thể đem về cho một hộ người Mông vài chục triệu đồng - số tiền bằng khoảng chục năm làm nương rẫy hay trồng lúa nước của các thành viên trong gia đình cộng lại. Chính vì thế, bao đời nay, người Mông xem cây anh túc là cây chủ lực trong cuộc sống mưu sinh của mình.

Bên cạnh đó, nhiều người Mông còn kể rằng, cây thuốc phiện là một loại cây "thần dược" có thể chữa được nhiều bệnh. Với nhiều "công dụng" đầy sức quyến rũ như vậy, nên loài hoa anh túc như có một ma lực đẩy người Mông nơi đây vào sự đói nghèo luẩn quẩn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân dẫn đến việc bà con các dân tộc vùng cao biên giới vẫn lén lút trồng cây anh túc trong thời gian qua, chủ yếu là do đời sống người dân còn hết sức khó khăn, nhận thức về pháp luật, trình độ dân trí còn hạn chế. BĐBP Điện Biên đã có những sáng kiến như phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp bằng tiếng Mông trong các buổi họp bản, phát trên loa truyền thanh của thôn, bản... nhưng chỉ như "muối bỏ biển".

Việc tuyên truyền, vận động đã khó, việc kiểm tra, giám sát các địa bàn có nguy cơ tái trồng cây thuốc phiện cũng cực kỳ gian nan. Để đến được nơi trồng thuốc phiện, cán bộ, chiến sỹ BĐBP phải trèo đèo, lội suối, "ăn rừng, ngủ núi" cả mấy ngày trời, chưa kể mùa đông lạnh giá thường có sương mù dày đặc, tìm được lối đi đã khó, huống gì phát hiện những vạt thuốc phiện lúc chưa ra hoa trông chả khác đám rau cải giữa bạt ngàn rừng núi. Tìm được rồi, lại phải mất mấy ngày trời quay lại, phối hợp với chính quyền xã tổ chức lực lượng gồm đủ các thành phần như: Công an xã, dân quân, hội cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên... lên phá nhổ trước khi đối tượng kịp đến thu hoạch.

Bên cạnh nỗi vất vả, khó nhọc trong công tác phát hiện, triệt phá các nương, rẫy trồng cây anh túc, đã không ít lần các cán bộ Biên phòng khi đi tuyên truyền, vận động nhân dân hay tổ chức phá nhổ cây thuốc phiện, đã bị các đối tượng xấu hành hung, thậm chí dùng cả súng kíp bắn hăm dọa...

Việc xử lý sau khi phát hiện, phá nhổ cũng rất khó khăn, do hầu hết những nương thuốc phiện đều "vô chủ", kể cả khi gọi được người chủ đích thực đến, họ cũng chối bay chối biến. Và nếu như người dân trong bản có biết, cũng không ai dám báo cho cán bộ Biên phòng, vì sợ bị trả thù. 

Để hạn chế tình trạng tái trồng cây thuốc phiện và dần xóa bỏ được loài hoa độc này khỏi đời sống xã hội, Đại tá Phạm Đồng Tuyên cho biết, sẽ giao cho Phòng PCTPMT, các đồn BP xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức nắm chắc tình hình địa bàn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương khu vực biên giới, tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân về hậu quả và tác hại của việc trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.

Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, giám sát việc trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy, tổ chức cho nhân dân các bản ký cam kết không trồng cây thuốc phiện.

Mặt khác, tiếp tục giúp đỡ chính quyền và nhân dân các địa phương, xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, miền và phù hợp với quy hoạch nông thôn mới trên địa bàn, nhằm từng bước nâng cao đời sống cho người dân...
Trần Hoàng Anh

Bình luận

ZALO