Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:03 GMT+7

Gian nan công tác chống buôn lậu ở Lạng Sơn

Biên phòng - Tết Mậu Tuất 2018 đã qua gần ba tháng, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh, BĐBP Lạng Sơn vẫn phải chia ca chốt trực trên biên giới 24/24 giờ để chống xuất nhập cảnh trái phép và vận chuyển hàng lậu qua biên giới.

5ade97fd22f7c706ed002d00
Hàng lậu vô chủ bị Đồn Biên phòng Tân Thanh thu giữ. Ảnh: CTV

Hàng lậu vẫn tìm cách “xé rào”

Có mặt tại khu vực Lọ Bon, thôn Nà Lầu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng “khá nổi tiếng” trong danh mục các “điểm đen” vận chuyển hàng lậu ở Lạng Sơn khi trời đã về chiều, chúng tôi không còn bắt gặp tình trạng từng nhóm người tụ tập ngoài đường hay hàng quán như trước đây.

Xóm Lọ Bon, nằm bên cánh gà cửa khẩu Tân Thanh, chỉ cách đường biên giới giáp với Trung Quốc chưa đầy 500m, nên chỉ độ mươi phút đi bộ là có thể sang bên kia biên giới vận chuyển hàng lậu từ các điểm tập kết hàng sát biên giới. Với giá 1.000 đồng /kg hàng hóa (chủ yếu là hàng tiêu dùng như quần áo, đồ gia dụng, giày dép...) nếu thuận lợi, mỗi cửu vạn một ngày cũng có thu nhập từ 300 đến 500 nghìn đồng.

Do vậy, địa điểm Lọ Bon luôn là “điểm hẹn” lý tưởng của dân vác hàng lậu, có thời điểm các nhà trọ, hàng quán ở đây mọc lên san sát phục vụ dòng người đổ về làm thuê. Tuy nhiên, kể từ khi lực lượng liên ngành gồm BĐBP, Hải quan, Quản lý thị trường chốt chặn chống buôn lậu quyết liệt, cộng với công tác tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, thì Lọ Bon cũng trở lên vắng vẻ hơn.

 Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ Đồn Biên phòng Tân Thanh đang trực tại tổ công tác liên ngành cho biết: Từ khi chốt liên ngành được dựng lên ở đầu xóm thì tình hình buôn lậu, vượt biên trái phép ở khu vực này giảm hẳn. Tuy nhiên, bên cạnh đường mòn Lọ Bon còn có một số đường mòn khác, mặc dù tổ công tác liên ngành trực 24/24 giờ, các đối tượng vẫn lợi dụng lén lút vận chuyển hàng lậu. Từ Tết Mậu Tuất đến giờ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh và lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường phải căng mình chống buôn lậu trên biên giới trực 24/24 giờ. Đơn vị hạn chế tối đa việc giải quyết nghỉ phép, nghỉ tranh thủ để ưu tiên nhiệm vụ chống buôn lậu.

Tất cả vì “mưu sinh”

 Những cụ già gập người cõng tải hàng trên vai, hay phụ nữ, thanh niên lầm lũi rảo bước ôm, vác hàng... là hình ảnh quen thuộc diễn ra hằng ngày ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Họ là những người đang tận dụng tối đa chính sách ưu đãi của Nhà nước cho phép sang Trung Quốc mua hàng hóa miễn thuế với trị giá tối đa 2 triệu đồng/ người/ ngày/ lượt và không quá 4 lượt/tháng. Khi sử dụng hết “quyền” được mua hàng miễn thuế thì không ít người trong số đó lại gia nhập vào đội quân chuyên vận chuyển hàng lậu, suốt ngày ẩn nấp ở những khe, hốc đá theo dõi lực lượng chức năng, hễ có sơ hở là nhanh chóng đai vác hàng lậu qua biên giới. Nếu gặp lực lượng chốt chặn của BĐBP thì họ vứt lại hàng, không thì xin xỏ hoặc huy động lực lượng cướp lại, nếu giá trị hàng hóa lớn. Đấy là trước kia, còn hiện giờ, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, tình hình buôn lậu đã “hạ nhiệt” rõ rệt, không còn cảnh từng nhóm người tụ tập hoặc hàng tốp xe máy lao trên đường chở theo bao tải hàng nặng trĩu như trước đây.

Nguyên nhân của sự “hạ nhiệt” đó là do thời gian qua, Đồn Biên phòng Tân Thanh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho buôn lậu, không xuất nhập cảnh trái phép, tăng cường kiểm tra tạm trú, xử lý những trường hợp vi phạm... Đồn Biên phòng Tân Thanh đã phối hợp với chính quyền hai xã Tân Thanh, Tân Mỹ tổ chức tuyên truyền được 27 lần với 892 lượt dân về Luật Phòng, chống ma túy; tác hại của ma túy; quy định không buôn bán, vận chuyển, đốt pháo nổ, không buôn lậu và tiếp tay cho buôn lậu, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm phát luật Nhà nước.

Thiếu tá Nguyễn Đức Cường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết: Hàng hóa từ Trung Quốc vào địa bàn khu vực cửa khẩu chủ yếu do cư dân biên giới được ưu tiên vận chuyển qua cửa khẩu Tân Thanh theo Nghị định số 14/2018/NĐ-CP, ngày 23-1-2018 của Chính phủ. Một số mặt hàng khác không được vận chuyển qua cửa khẩu theo quyết định trên thì được nhập lậu qua các đường mòn, đường tắt trên biên giới. Phương thức, thủ đoạn của các chủ đầu nậu vẫn là xé lẻ hàng hóa thuê người địa phương, chủ yếu là người già, phụ nữ để vận chuyển hàng lậu.

Đặc biệt, trong quá trình vận chuyển, chúng hình thành những đường dây có tổ chức, trang bị các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại gây khó khăn cho BĐBP trong quá trình tổ chức bắt giữ. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Đồn Biên phòng Tân Thanh đã bắt 12 vụ với 13 đối tượng phạm pháp hình sự, thu giữ 3.440,686g hê-rô-in; 1,3459g ma túy đá, 828kg pháo nổ các loại; 928 triệu đồng tiền giả; bắt 50 vụ hàng hóa vô chủ gồm: Vải cây, nồi cơm điện, giày thể thao... trị giá khoảng 168 triệu đồng. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2018, Đồn Biên phòng Tân Thanh đã bắt 4 vụ với 4 đối tượng phạm pháp hình sự, tang vật thu giữ gồm: 56kg pháo; 4,901g hê-rô-in; 23 vụ hàng hóa vô chủ gồm: Váy trẻ em, nồi hấp, ổ cắm đây điện, bếp nước, quần tất trẻ con... trị giá khoảng 110 triệu đồng.

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Đức Cường: Diện tích đất canh tác của người dân còn ít, trình độ văn hóa thấp, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, lợi dụng điều này, các đầu nậu đã tìm mọi cách vận động bà con trở thành những “mắt xích” vận chuyển hàng lậu với giao kèo chặt chẽ “mất hàng phải đền”. Và chính cuộc sống mưu sinh đã khiến nhiều người dân lương thiện tham gia vận chuyển hàng lậu. Họ tìm mọi cách qua mặt lực lượng chức năng, khi bị phát hiện thì chống trả quyết liệt.

Có những câu chuyện “cười ra nước mắt” mà cán bộ, chiến sĩ tham gia chống buôn lậu ở Lạng Sơn kể lại: Có người, khi bị bắt hàng lậu, họ đã không tiếc lời chửi bới cán bộ, chiến sĩ. Vậy mà nhiều năm sau gặp lại, người phụ nữ vận chuyển hàng lậu ngày đó lại xin lỗi rồi bảo: “Tại ngày xưa khổ quá phải đi kiếm miếng ăn nuôi con, nên làm liều...”. Đó chỉ là một trong vô vàn câu chuyện buồn, những góc khuất trong khi thực hiện công tác chống buôn lậu trên biên giới Lạng Sơn của BĐBP mà thôi.

Những gì kể trên cho thấy, chỉ khi cuộc sống người địa phương thực sự ấm no cùng với sự vào cuộc chống buôn lậu quyết liệt từ nội địa đến đường biên của các lực lượng chức năng thì vận chuyển hàng lậu trên biên giới mới có thể chấm dứt!

Hoa Hạ

Bình luận

ZALO