Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

Giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Biên phòng - Những năm gần đây, tình trạng tàu cá của ngư dân tỉnh Bến Tre vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình hành nghề trên biển diễn ra khá phổ biến. Có không ít phương tiện cùng ngư dân địa phương bị lực lượng chấp pháp nước ngoài bắt giữ. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của chính ngư dân và uy tín ngành thủy sản nước ta. Trước thực trạng này, BĐBP Bến Tre tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương đề ra nhiều giải pháp cấp bách, quyết liệt nhằm ngăn chặn, chấm dứt việc tàu cá trên địa bàn khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.

25zu_7a
Cán bộ, chiến sỹ BĐBP Bến Tre kiểm tra phương tiện hành nghề trên biển. Ảnh: Phương Khánh 

Tỉnh Bến Tre hiện có trên 2.000 tàu cá đánh bắt xa bờ với nghề chính là lưới cào, hoạt động chủ yếu ở ngư trường Trường Sa đến mũi Cà Mau. Nhìn chung, ngư dân địa phương chấp hành tốt pháp luật trong quá trình hành nghề. 

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận ngư dân vì lợi ích trước mắt mà có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình đánh bắt trên biển. Đáng chú ý là việc đánh bắt sai tuyến, vi phạm vùng biển nước ngoài. Cá biệt, một số chủ phương tiện, thuyền trưởng cố tình vi phạm, tái phạm, dẫn đến thiệt hại không nhỏ về kinh tế, tài sản của ngư dân khi bị lực lượng chấp pháp nước ngoài bắt giữ. Điều này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC)... 

Trong thời gian qua, BĐBP Bến Tre đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân địa phương vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình hành nghề. Đó là việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, cụ thể như nội dung Nghị định 42 của Chính phủ ban hành ngày 16-5-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực từ ngày 5-7-2019. Trong đó, Khoản 3, Điều 20, Mục 5 quy định: “Phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng đối với chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng hoặc tổ chức cá nhân có hành vi môi giới, đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển quốc gia hoặc lãnh thổ khác”.

Theo Nghị định 42, hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, kèm theo hình phạt bổ sung là tước bằng thuyền trưởng, tước giấy phép khai thác từ 6 đến 12 tháng, bồi thường hoàn toàn chi phí đưa công dân về nước nếu bị nước ngoài bắt giữ... BĐBP tỉnh cũng cung cấp thông tin để bà con hiểu rằng, các nước trong khu vực đang có mức phạt rất nặng đối với tàu cá nước ngoài có hành vi vi phạm vùng biển của họ.

Bên cạnh đó, BĐBP Bến Tre cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Bến Tre ký kết quy chế phối hợp với 7 tỉnh ven biển gồm Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, nhằm nỗ lực tìm các giải pháp ngăn chặn tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát xử phạt các phương tiện vi phạm.

Tính từ năm 2017 đến nay, BĐBP Bến Tre đã tiến hành xử phạt 54 trường hợp khai thác thủy, hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài với tổng số tiền trên 1,9 tỉ đồng. Đặc biệt như trường hợp ông Nguyễn Văn Lai, chủ phương tiện tại xã An Thủy, huyện Ba Tri đã bị UBND tỉnh Bến Tre xử phạt vi phạm hành chính số tiền 800 triệu đồng và phải chi trả toàn bộ chi phí đưa thuyền viên bị bắt giữ tại Malaysia về nước, đồng thời đưa ra kiểm điểm trước dân về hành vi sai phạm trên.

Theo Bộ Chỉ huy BĐBP Bến Tre, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương, các ban, ngành cùng vào cuộc để ngăn chặn tàu cá và ngư dân Bến Tre vi phạm vùng biển nước ngoài. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện trước khi làm thủ tục đăng ký ra khơi và khi cập bến. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các trạm kiểm soát Biên phòng, tàu tuần tra của Hải đội 2, BĐBP tỉnh và lực lượng Kiểm ngư thường xuyên tổ chức tuyên truyền tập trung cho ngư dân các nội dung như: Ghi chép nhật ký khai thác thủy sản, gắn thiết bị giám sát hành trình, mở máy định vị 24/24 giờ và tuyệt đối không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Phương tiện nào vi phạm thì chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiên quyết đưa chủ tàu vi phạm ra khỏi danh sách đăng ký hoạt động trên vùng biển xa bờ và xóa tên chủ tàu vi phạm trong danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá.

Để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn ở khu vực biên giới biển và trên biển, ngoài việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân, chính quyền các địa phương kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục đàm phán với các nước lân cận có vùng biển chồng lấn, nhằm đạt thỏa thuận ranh giới trên biển khi khai thác thủy sản. Đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân đối với các trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Ngoài ra, cần đảm bảo an toàn cho ngư dân khi khai thác thủy sản trên biển theo đúng quy định pháp luật, vừa giúp ngư dân an tâm bám biển phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phương Khánh

Bình luận

ZALO