Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại huyện M’Đrắk

Biên phòng - Huyện M’Đrắk là một trong những địa phương có tỷ lệ về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao của tỉnh Đắk Lắk. Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk triển khai mô hình điểm tại huyện M’Đrắk với nhiều hoạt động thiết thực, hữu ích, bước đầu đã mang lại kết quả tích cực.

Một buổi tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Krông Jing, huyện M’Đrăk. Ảnh: Ngọc Lân

Huyện M’Đrắk có 46% đồng bào DTTS sinh sống, chủ yếu bằng nghề nông, tập quán lạc hậu và còn tồn tại nhiều hủ tục. Những năm qua, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Theo kết quả điều tra năm 2019, huyện M’Đrăk có trên 1.000 trường hợp tảo hôn, trong đó đồng bào dân tộc Mông và Ê Đê có tỉ lệ tảo hôn cao nhất huyện. Về tình trạng hôn nhân cận huyết thống, toàn huyện có 169 trường hợp tập trung chủ yếu ở đồng bào Ê Đê.

Năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk chọn huyện M’Đrắk để tổ chức thực hiện mô hình điểm “Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” tại 5 xã trên địa bàn huyện. Nội dung trọng tâm là khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS”; tổ chức hội nghị tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong vùng đồng bào DTTS; tổ chức tuyên truyền lưu động nhằm cung cấp thông tin, hình ảnh về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; cung cấp hàng trăm bộ tài liệu, sản phẩm tuyên truyền bằng tiếng phổ thông và tiếng DTTS về hôn nhân, gia đình trong cộng đồng, những hệ lụy, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức các hội nghị tập huấn triển khai Đề án tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS.

Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cùng với huyện M’Đrắk thành lập 5 Tổ tư vấn tại 5 xã mô hình. Thành viên tổ tư vấn có nhiệm vụ tuyên truyền trực tiếp, thu thập thông tin và phát tờ rơi, sổ tay tuyên truyền. Năm 2020, các tổ tư vấn đã cấp phát cho mỗi xã 1.300 tờ rơi, 660 sổ tay hỏi - đáp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngoài tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, mô hình còn chú trọng tuyên truyền lưu động thông qua hệ thống loa phát thanh của xã bằng tiếng phổ thông và tiếng DTTS (Ê Đê và Mông) với 4 lượt/ngày, phát liên tục trong 1 tháng.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị tập huấn tuyên truyền về Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” tại các xã triển khai mô hình điểm, trong đó lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh trực tiếp trao đổi hỗ trợ nghiệp vụ cho các tổ tư vấn và trực tiếp tuyên truyền đến người dân.

Theo ông Nguyễn Hữu Quỳ, Trưởng phòng Dân tộc huyện M’Đrắk, muốn giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thì phải có thời gian, quá trình lâu dài. Bởi nguyên nhân chính là do tư tập quán của đồng bào DTTS không thể thay đổi ngày một ngày hai được, đặc biệt là đồng bào DTTS phía Bắc di cư vào. Từ khi triển khai mô hình điểm này thì tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có chuyển biến tích cực.

Nhiều trẻ em ở buôn làng vùng sâu, vùng xa không được quan tâm chăm sóc đầy đủ do bố mẹ các em kết hôn sớm, thiếu các kỹ năng nuôi dạy trẻ. Ảnh: Ngọc Lân

Ông Lê Ngọc Vinh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống kéo dài dai dẳng là do việc xử phạt đối với các trường hợp vi phạm còn mang tính hình thức, chiếu lệ, chưa đủ sức răn đe… Bằng nhiều biện pháp được triển khai gần đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã và đang giảm dần. Mới đây, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cùng một số sở, ngành khác đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, khảo sát tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã triển khai mô hình điểm. Điều đáng mừng là các xã đều thông tin rằng, tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đều giảm, nhận thức, ý thức chấp hành Luật Hôn nhân và gia đình của người dân có chuyển biến tốt hơn.

Giai đoạn 2015-2020, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” và đạt được hiệu quả nhất định. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và người dân nên nhận thức của nhân dân được nâng lên. So với thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án thì hiện tại, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS đã giảm đáng kể. Trong giai đoạn 2021-2025, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Năng, Ea H’leo…

Nguyễn Ngọc Lân

Bình luận

ZALO