Biên phòng - Ủy ban Dân tộc (UBDT) vừa sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. Kết quả thực hiện đề án cho thấy, việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn khá gian nan.

Tảo hôn khá phổ biến ở vùng nông thôn miền núi
Ông Xa Trung Hưng, Vụ Dân tộc thiểu số (DTTS) cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng tảo hôn nhìn chung có giảm trên quy mô toàn quốc, nhưng vẫn diễn ra khá phổ biến ở vùng nông thôn miền núi, nơi có đông đồng bào các DTTS sinh sống. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2015, tỉ lệ tảo hôn chung của 53 DTTS là 26,6%. Các DTTS có tỉ lệ tảo hôn cao gấp 6 lần so với dân tộc Kinh và gấp gần 3,5 lần so với tỉ lệ chung của cả nước, như: Mông 59,7%; Xinh Mun 56,3%; La Ha 52,7%; Gia Rai 42%; Raglay 38,3%; Bru-Vân Kiều 38,9%... Có 40/53 DTTS tỉ lệ này từ trên 20%, trong đó có 13 DTTS có tỉ lệ tảo hôn từ 40-50% trở lên, 6 dân tộc có tỉ lệ tảo hôn từ 50-60%.
Xét theo địa bàn cư trú thì vùng trung du miền núi phía Bắc (đặc biệt là vùng Tây Bắc) và Tây Nguyên có tỉ lệ tảo hôn cao hơn so với các vùng khác: Miền núi phía Bắc 18,9%; Tây Nguyên 15,8%; đồng bằng sông Hồng 7,9% và Đông Nam bộ 8,1%. Xét theo giới tính và nhóm tuổi thì tỉ lệ tảo hôn, kết hôn sớm của cả nam giới và nữ giới ở nhóm 15-19 tuổi đều có xu hướng gia tăng từ 2,4% và 8,4% năm 2011 lên 3,1% và 11,2% năm 2013. Phụ nữ có xu hướng kết hôn sớm hơn. Ở nhóm tuổi dưới 15 và dưới 18 thì tỉ lệ tảo hôn ở nữ DTTS cao hơn gần 3 lần so với nam DTTS.
Cũng theo ông Hưng, kết hôn cận huyết thống tuy đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra ở một số dân tộc trong vùng DTTS, phổ biến là kết hôn giữa con cô với con cậu, con dì, con chú với con bác. Tỉ lệ hôn nhân cận huyết thống của 53 DTTS năm 2015 là 0,65%, trong đó, các DTTS có tỉ lệ hôn nhân cận huyết cao gồm: Mạ 4,41%, Mảng 4,36%, M,Nông 4,02%... Hôn nhân cận huyết thống xảy ra chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Theo kết quả khảo sát và báo cáo của các địa phương cho thấy, một số dân tộc như: Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê Đê, Chu Tu, Si La, Pu Péo, Mông, Rơ Măm, Brâu... có tỉ lệ hôn nhân cận huyết thống khá cao (10%).
Khó đạt mục tiêu đề ra
Hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là rất nặng nề và bao trùm lên nhiều mặt của xã hội. Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ DTTS cho biết, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, suy giảm nòi giống và chất lượng nguồn nhân lực, là một trong những lực cản đối với sự phát triển KT-XH và sự phát triển bền vững của vùng DTTS. Nó trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, làm mất đi cơ hội học tập, gia tăng sự nghèo đói... Đây cũng là rào cản đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết thực hiện với quốc tế.
Trước thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng nông thôn DTTS, UBDT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14-4-2015 phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. Mục tiêu đặt ra là giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với địa bàn DTTS có tỉ lệ cao. Đến năm 2025, cơ bản hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS.
Thực hiện đề án này, UBDT đã triển khai tổ chức các hoạt động truyền thông; phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ thôn, bản, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ... Theo báo cáo của UBDT tại hội nghị sơ kết, một trong những giải pháp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS là triển khai xây dựng mô hình can thiệp đối với một số DTTS ở khu vực miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, nơi có tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao.
Trên cơ sở đó, năm 2016, UBDT đã lựa chọn 15 tỉnh có tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao để xây dựng mô hình điểm. Năm 2017, mô hình điểm được triển khai thêm ở 7 tỉnh khác. Theo báo cáo của các địa phương, trước khi thực hiện mô hình, tình trạng tảo hôn thường xuyên xảy ra (trung bình hằng năm trên địa bàn xã có khoảng từ 2 đến 5 trường hợp tảo hôn). Tuy nhiên, từ sau khi thực hiện mô hình điểm số vụ tảo hôn giảm đi đáng kể, thậm chí năm 2018, trên địa bàn một số xã hầu như tình trạng tảo hôn không còn xảy ra.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBDT, trên bình diện chung khó thực hiện được mục tiêu của đề án, do phong tục, tập quán của một số nhóm DTTS còn lạc hậu, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa mạnh và thiếu quyết liệt. Trong khi kinh phí triển khai thực hiện đề án tại các địa phương rất hạn chế, thậm chí một số nơi không bố trí (hoặc không có) kinh phí để triển khai thực hiện.
Trước thực trạng này, UBDT đã đề nghị Chính phủ, Quốc hội bố trí đủ ngân sách để thực hiện các cơ chế chính sách, chương trình, dự án hiện hành về phát triển KT-XH, giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vùng DTTS. Trong đó, ưu tiên đầu tư, bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với những khu vực có tỉ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao, nhằm tạo điều kiện giúp đồng bào DTTS tăng cường khả năng tiếp cận, mở rộng giao thương, giao lưu với cộng đồng, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Xuân Hương