Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030:

Giảm nghèo nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Sáng 28-5, Quốc hội nghe đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030. Đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, Chương trình MTTQ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN phát triển nhanh, bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ hơn một số bức xúc của người DTTS sinh sống ở vùng đồng bào DTTS&MN. Chương trình sẽ đạt được đa mục tiêu về kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh; đối ngoại; bảo vệ môi trường, sinh thái và đa dạng sinh học; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; là yếu tố đặc biệt quan trọng để củng cố và nâng cao niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước; tăng cường đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chương trình MTTQ này được thiết kế thành 10 dự án, tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025, tối thiểu 137.664,95 tỷ đồng. Mục tiêu tổng quát giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân vùng đồng bào DTTS&MN so với bình quân chung của cả nước; đảm bảo an sinh xã hội; bảo vệ an ninh tổ quốc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Cụ thể, đến năm 2025, chương trình sẽ đóng góp quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu được xác định trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng DTTS&MN hàng năm trên 3%; phát triển bền vững sinh kế, tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên hơn 2 lần so với năm 2020; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn đặc biệt khó khăn so với tiêu chí năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN hàng năm trên 3%.

Nhà nước sẽ sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 12.000 hộ DTTS chưa được ổn định thuộc diện di cư tự phát; định canh, định cư bền vững cho hơn 1.300 hộ; bố trí ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và khu vực nguy cơ cao về thiên tai cho hơn 51.200 hộ. Giải quyết nhu cầu cấp thiết của hộ DTTS; hỗ trợ, tạo điều kiện ăn trưa cho hơn 1,26 triệu em học sinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn học tập… Bên cạnh đó, phổ biến kiến thức, phát triển y tế, hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào DTTS&MN; dạy nghề cho hơn 3 triệu người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hơn 4 triệu hộ ở xã, thôn đặc biệt khó khăn…

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN. Ảnh: Viết Hà

Báo cáo thẩm tra, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thống nhất với sự cần thiết xây dựng Chương trình MTQG như Tờ trình của Chính phủ. Đây là một chương trình có tính đặc thù không chỉ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tích hợp thực hiện trên 100 chính sách dân tộc và thể chế hóa khoản 5 Điều 70 Hiến pháp 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của nhà nước”; thực hiện kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MT giai đoạn 2021-2030”, cơ bản phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý nợ công.

“Chính phủ cần ban hành bộ tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN, từ đó có quyết định phê duyệt chính thức xã, thôn cụ thể thuộc diện đầu tư của Chương trình MTQG. Chỉ đạo tổng kết Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đối chiếu với Chương trình MTQG đang xây dựng mới, xác định nội dung cụ thể cho từng chương trình nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, loại bỏ những nội dung trùng lặp, chồng chéo giữa Chương trình MTQG này với 2 Chương trình MTQG và 21 Chương trình mục tiêu đang thực hiện“ - đồng chí Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh.

Viết Hà

Bình luận

ZALO