Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

Giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số: Tìm mô hình hiệu quả

Biên phòng - Nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 14,6 triệu người, chiếm hơn 14% dân số cả nước. Địa bàn cư trú của đồng bào DTTS chủ yếu ở miền núi, biên giới, xen cư với nhau. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đầu tư phát triển vùng DTTS, trong đó có Chương trình 135. Tuy đạt được một số kết quả đáng trân trọng, nhưng hiện nay, ở vùng DTTS và miền núi, tình trạng thiếu việc làm, đói nghèo, thiên tai, bệnh tật vẫn đang là những thách thức lớn.

089n_15
Người dân xã Tả Ván, Quản Bạ, Hà Giang làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách để phát triển chăn nuôi. Ảnh: Bích Nguyên

Thực tế, quá trình phát triển vùng DTTS đang gặp phải những “hòn đá tảng” lớn cần giải quyết, nhất là tình trạng đói nghèo. Nếu như năm 2010, gần 50% người nghèo trên cả nước là người DTTS, thì đến năm 2016, trên 70% người nghèo là người DTTS, trong khi người DTTS chỉ chiếm hơn 14% tổng dân số cả nước. Đến năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo DTTS được cải thiện hơn, ở mức 52,7% số hộ nghèo của cả nước (cao gấp 4 lần so với mức bình quân chung của cả nước). Thu nhập bình quân của hộ DTTS nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực.

Đáng lưu ý là một bộ phận người DTTS còn thiếu đói kỳ giáp hạt, tình trạng dinh dưỡng của một bộ phận lớn trẻ em chưa đảm bảo. Trong khi đó, hiện vẫn còn hơn 54.000 hộ dân thiếu đất sản xuất, hơn 58.000 hộ thiếu đất ở, hơn 223.000 hộ thiếu nước sinh hoạt cần được hỗ trợ chưa được giải quyết thấu đáo. Cùng với tình trạng đói nghèo là sự tụt hậu ở vùng DTTS và miền núi so với các vùng khác của cả nước, khi vẫn còn khoảng 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt.

Nhìn lại những thành tựu thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn qua, có thể thấy rằng: Chương trình 135 đã mang lại những kết quả rất ấn tượng, giúp thay đổi lớn diện mạo vùng DTTS. Tuy nhiên, những bước đột phá trong Chương trình 135 trong 20 năm qua, nếu không đổi mới mạnh mẽ, có thể trở thành điểm yếu, không giúp vượt qua những thách thức lớn đã chỉ ra ở trên.

Bàn về các giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo và phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi trong thời gian tới, rất nhiều chuyên gia, cán bộ làm chính sách cho rằng cần tích hợp chính sách, tập trung nguồn lực, lấy thôn bản làm trung tâm để tập trung hỗ trợ mạnh hơn cho các địa bàn khó khăn nhất ở vùng DTTS. Chính sách nên xây dựng theo hướng mở, để địa phương, cộng đồng tự quyết định cho phù hợp với từng vùng miền, từng dân tộc, từng thôn bản. Bên cạnh đó, việc đo lường các khía cạnh bất bình đẳng cần gắn với các khía cạnh đa chiều của tiêu chí nghèo làm căn cứ xác định địa bàn, đối tượng ưu tiên hỗ trợ.

Về công tác xây dựng chính sách, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục thể chế hóa và xây dựng những chính sách ưu tiên thúc đẩy việc làm đối với nhóm lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt là đối với lao động là người DTTS ở khu vực nông thôn, lao động tự do nhằm tăng cường tính bền vững đối với việc làm ở các khu vực này, vì đây là khu vực chịu nhiều rủi ro về điều kiện môi trường làm việc, thu nhập và thiếu tính ổn định hơn so với khu vực chính thức.  

Đặc biệt, cần ưu tiên hỗ trợ hơn cho các thôn, bản khó khăn nhất theo hướng giảm phạm vi địa bàn để tăng nguồn lực hỗ trợ cho từng thôn, bản, nhất là nguồn lực phát triển sinh kế, ứng phó với rủi ro, nguồn lực hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng theo cách “vừa học, vừa làm”, “gắn với từng công trình, dự án, tổ nhóm cụ thể”.

Đồng thời, thực hiện cơ chế phân cấp – trao quyền. Theo đó, nên áp dụng cách tiếp cận “phát triển cộng đồng dựa vào nội lực”, thực hiện cơ chế hỗ trợ tài chính trọn gói, giao cho thôn bản tự quản dưới dạng “Quỹ phát triển cộng đồng”. Ngoài ra, tập trung phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hình thành các mô hình quan hệ sản xuất mới, phát triển doanh nghiệp xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững, tăng dần mức thu nhập cho người dân.

Về vấn đề tạo việc làm, theo Nhóm công tác về DTTS (EMWG), Chương trình giảm nghèo ở vùng DTTS cần bổ sung một hợp phần trang bị các kỹ năng cần thiết cho người lao động (trong đó, chú trọng các kỹ năng mềm), hỗ trợ thông tin, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ mạng lưới đồng bào đi làm ăn xa. 

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO