Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:54 GMT+7

Giảm gánh nặng chi phí điều trị HIV thông qua Quỹ bảo hiểm y tế

Biên phòng - Ngày 15/11/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg quy định việc thanh toán thuốc kháng virus HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia từ nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, từ ngày 8/3/2019, bệnh nhân HIV/AIDS trên toàn quốc chính thức sử dụng thuốc ARV trong điều trị từ Quỹ BHYT. Qua triển khai thực hiện, Quỹ BHYT đã thực sự là chỗ dựa cho người nhiễm HIV/AIDS.

Tuổi trẻ Việt Nam xung kích, đi đầu hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2022. Ảnh: Hải Huệ

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, Quỹ BHYT là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với 95% người nhiễm HIV tham gia BHYT, tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm qua.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến tháng 10/2022, cả nước có 220.580 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong. Từ năm 2020 đến nay, dịch HIV đã có xu hướng gia tăng. Nếu như giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019, mỗi năm chúng ta phát hiện được hơn 10.000 trường hợp nhiễm HIV thì 2 năm qua, mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc xét nghiệm HIV, nhưng mỗi năm Việt Nam có hơn 13.000 trường hợp nhiễm HIV được báo cáo.

Đến nay, công tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh, thành phố với 204 phòng xét nghiệm. Xét nghiệm khẳng định HIV cũng được mở rộng xuống tuyến huyện với 97 phòng xét nghiệm, đồng thời, triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, có 499 cơ sở điều trị, trong đó, 362 cơ sở đang điều trị thuốc ARV do BHYT chi trả cho hơn 167.000 bệnh nhân. Được biết, ARV là loại thuốc kháng virus nhằm làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể. Thuốc ARV được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp kiểm soát sự bùng phát của đại dịch. Khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục sống, học tập và lao động, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng. Tại Việt Nam, thuốc ARV được sử dụng rộng rãi từ năm 2004.

Các chuyên gia y tế cho biết, người nhiễm HIV có nguy cơ ốm đau nhiều hơn người khác và điều trị bằng thuốc ARV là liên tục và suốt đời. Nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV rất khó có đủ khả năng chi trả chi phí điều trị. Do đó, người nhiễm HIV/AIDS cần tham gia BHYT để được hỗ trợ điều trị ARV. Khi tham gia BHYT, bệnh nhân sẽ được cung cấp thuốc ARV định kỳ theo chỉ định chuyên môn và theo tình trạng sức khỏe. Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số được BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%.

Thực hiện tự chủ tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã chuyển đổi điều trị ARV từ nguồn viện trợ sang nguồn BHYT từ năm 2019. Việt Nam đang là nước duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua BHYT để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với BHYT. Nhờ vậy, số người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT tăng theo từng năm. Nhiều tỉnh, thành phố đạt độ bao phủ BHYT cho 100% người nhiễm HIV/AIDS. Từ năm 2020, Việt Nam đã thực hiện phác đồ ARV tối ưu theo khuyến cáo của WHO. Hiện nay, có gần 80% bệnh nhân sử dụng phác đồ tối ưu này, bao gồm cả điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Phác đồ này cũng đã được BHYT chi trả.

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, đến nay, Quỹ BHYT trung bình chi trả 400 tỷ đồng/năm cho bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó, khoảng 200 tỷ đồng cho dịch vụ khám chữa bệnh BHYT và 200 tỷ đồng cho thuốc ARV nguồn Quỹ BHYT, nâng tỷ trọng của Quỹ BHYT trong tổng chi cho HIV/AIDS tăng từ 4% lên tới 9%, chiếm tới 25% nguồn lực trong nước cho HIV.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều trị HIV/AIDS do Quỹ BHYT chi trả hiện đang gặp một số khó khăn nhất định. Tác động của các chính sách phòng, chống dịch Covid-19, bệnh nhân bị thất nhiệp làm gián đoạn thẻ BHYT đã tác động đến việc duy trì việc điều trị ARV và các xét nghiệm hỗ trợ điều trị thanh toán qua BHYT. Trong khi đó, công tác mua sắm, đấu thầu thuốc BHYT, nguồn viện trợ hoặc nguồn ngân sách Nhà nước có nhiều khó khăn, phức tạp dẫn đến không mua được một số loại thuốc trong phác đồ, hoặc cung ứng chậm, không đứng tiến độ làm cho việc điều phối các nguồn thuốc trở lên phức tạp. Tuy nhiên, ngành y tế chưa để xảy ra tình trạng thiếu thuốc của bệnh nhân.

Để khắc phục tình trạng này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương cho biết, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đưa ra một số giải pháp, như phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hiện các kế hoạch mua sắm bổ sung thuốc ARV; điều tiết thuốc ARV từ các nguồn để hỗ trợ các cơ sở chưa có thuốc. Đồng thời, làm việc với các tổ chức quốc tế để đề nghị hỗ trợ thuốc ARV đối với các thuốc do BHYT và nguồn ngân sách Nhà nước chi trả nhưng không mua được…

Xuân Hương

Bình luận

ZALO