Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 07:39 GMT+7

Giải tỏa căng thẳng trên biên giới Ấn-Trung

Biên phòng - Sau hơn hai tháng căng thẳng, khu vực biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm nhiệt sau khi hai nước nhất trí rút quân khỏi khu vực cao nguyên Doklam mà Bắc Kinh gọi là Đông Lãng.

jabigmrd2w-66104_7300862211374567986_Anh_bai_chinh_BP_69
Quốc kỳ Ấn Độ (trái) bên cạnh Quốc kỳ Trung Quốc. Ảnh: India.com

Tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 28-8 cho biết, trong những tuần qua, Ấn Độ và Trung Quốc đã duy trì các kênh trao đổi ngoại giao liên quan tới tình hình căng thẳng tại Doklam. Trên cơ sở này, hai bên đã nhất trí "rút ngay lập tức binh lính triển khai tại đây và công tác này đã bắt đầu được triển khai".

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng xác nhận binh sĩ Ấn Độ đã bắt đầu rút khỏi khu vực biên giới tranh chấp. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn bộ này, bà Hoa Xuân Oánh đánh giá cao diễn biến tích cực trên, đồng thời cho hay binh lính Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tuần tra tại khu vực trên.

Trung Quốc và Ấn Độ đã mắc kẹt trong một cuộc đối đầu căng thẳng ở Doklam/Đông Lãng, một điểm giao cắt 3 nước Ấn Độ-Trung Quốc-Bhutan đồng thời là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan. Cuộc tranh chấp ở khu vực này đã kéo dài nhiều thập kỷ nhưng nó bắt đầu leo thang lần mới nhất là kể từ ngày 16-6 vừa qua sau khi các lực lượng Trung Quốc bắt đầu tiến hành xây dựng một con đường ở Doklam. Phản ứng trước bước đi mới nhất của Trung Quốc ở khu vực Doklam, Bhutan đã kêu gọi sự giúp đỡ của Ấn Độ và New Delhi đã ngay lập tức phái quân đến khu vực biên giới. Kết quả là lực lượng hai nước Trung-Ấn đã đối đầu nảy lửa với nhau ở khu vực biên giới tranh chấp trong nhiều tuần trở lại đây.

New Delhi cho rằng, hành động của Bắc Kinh là xâm phạm chủ quyền của Bhutan, một quốc gia đồng minh của họ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này. Thậm chí, Trung Quốc nhiều lần đơn phương yêu cầu Ấn Độ rút quân khỏi khu vực nói trên, nhưng New Delhi bác bỏ yêu cầu và tuyên bố chỉ rút quân khi hai bên cùng thực hiện. Lý do khiến Ấn Độ bảo vệ quan điểm của mình một phần vì New Delhi lo ngại con đường mà Trung Quốc đang xây dựng ở Cao nguyên Doklam sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Ấn Độ bởi con đường đó sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với “Cổ Gà”, một dải đất hẹp chiến lược nối 7 bang đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của nước này.

Căng thẳng giữa 2 bên sau đó tiếp tục dâng cao sau vụ ẩu đả bằng đất đá và gậy gộc tại khu vực Ladakh, làm nhiều binh sĩ bị thương. Truyền thông Trung Quốc còn cảnh báo Ấn Độ sẽ phải đối mặt với thất bại tồi tệ hơn so với cuộc chiến biên giới năm 1962. Rất may là “ngòi nổ” này đã được “tháo gỡ” kịp thời bằng thỏa thuận rút quân của cả hai bên.

Động thái hòa hoãn trên được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) sẽ diễn ra tại Trung Quốc trong tháng tới và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ tham dự sự kiện này.

Giới phân tích nhận định, Ấn Độ và Trung Quốc đều là thành viên của BRICS, tổ chức vừa thành lập Ngân hàng phát triển ở Thượng Hải, trong đó Chủ tịch ngân hàng là một người Ấn Độ. Ấn Độ cũng là thành viên Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở tại Trung Quốc. Do vậy, việc duy trì căng thẳng trên biên giới sẽ bất lợi cho cả hai nước, cả về mặt an ninh, chính trị lẫn kinh tế, đồng thời gây bất ổn trong khu vực và trên thế giới. Do đó, giảm nhiệt căng thẳng trên biên giới là điều cần thiết hai nước cần làm vào lúc này.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO