Biên phòng - Thừa nhận trước Quốc hội và cử tri về hiệu quả cai nghiện thấp, trước thực tế 90% người tái nghiện sau cai nghiện, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc giảm cung, giảm cầu ma túy là biện pháp trước hết, sau mới tới giảm tác hại. Phải ngăn chặn người mắc nghiện mới chứ đã nghiện thì tỷ lệ tái nghiện rất cao.

Chúng ta cần ghi nhận những nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác cai nghiện và giảm tác hại ma túy, trong bối cảnh số người nghiện tại Việt Nam đã tăng lên 250.000 người, trong đó, 43% số người cai nghiện là đối tượng có tiền án, tiền sự... Các cơ sở cai nghiện thời gian qua đã được quản lý tốt hơn, nhất là trong việc tiếp nhận, phân loại, cắt cơn, lao động trị liệu, đào tạo việc làm, hỗ trợ sau cai nghiện.
Tuy nhiên, công tác cai nghiện đang gặp khó khăn khi cả nước có 120 cơ sở cai nghiện ma túy, với số người đang cai nghiện xấp xỉ 40.000 người. Tuy quy mô thiết kế các cơ sở cai nghiện đảm bảo cho 54.000 người, nhưng trên thực tế, hầu hết các cơ sở đều quá tải, trung bình gấp 2 lần, có nơi cao hơn 4 lần.
Bên cạnh đó, người nghiện hiện nay sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy tổng hợp dạng ATS, ma túy đá (methamphetamine), các chất hướng thần gây nghiện, gây rối loạn tâm thần (hiện có hơn 500 loại)..., khiến công tác phát hiện, điều trị gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở cai nghiện thiếu phác đồ điều trị, bởi mỗi đối tượng nghiện khác nhau đòi hỏi phác đồ khác nhau. Trong khi, các cơ sở hiện thiếu trầm trọng bác sĩ hay người có chuyên môn sâu về nghề y.
Công tác cai nghiện càng khó hơn trong việc xác định tình trạng nghiện để đưa người nghiện đi cai nghiện. Quy định hiện hành chỉ cho phép lưu giữ đối tượng nghi nghiện ma túy trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, muốn xác định chắc chắn một người nghiện ma túy, phải mất cả tuần, cả tháng; có loại ma túy phải mất thời gian cả năm... Thế nên, còn một lượng lớn người nghiện ma túy nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan chức năng và không tham gia cai nghiện, thực sự là mối hiểm họa tiềm tàng đối với cộng đồng và xã hội.
Theo các đại biểu Quốc hội, nếu không chặn đứng được dòng cung ma túy được vận chuyển vào nước ta đã lên tới hàng tấn mỗi năm thì còn hàng vạn thanh thiếu niên sẽ vướng vào ma túy và hàng nghìn gia đình đứng trước thảm họa của ma túy. Trong khi đó, việc chỉ xử lý người nghiện theo hướng hành chính mà không xử lý hình sự khiến vấn nạn này càng phức tạp.
Rõ ràng ngăn chặn, đẩy lùi thảm họa ma túy phải được giải quyết từ công tác đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy, kiên quyết không để tội phạm buôn bán ma túy lộng hành trong nước và không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy của thế giới. Hiệu quả công tác phòng chống ma túy sẽ được nâng lên ngoài quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân thì việc sửa đổi Luật Phòng chống ma túy và khôi phục lại Điều 199 của Bộ luật Hình sự là rất cần thiết.
Theo đó, người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Tái phạm tội này thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.
Đối với công tác cai nghiện, biện pháp cai nghiện bắt buộc là giải pháp cuối cùng, chỉ áp dụng khi các biện pháp cai nghiện gia đình, cai nghiện tại cộng đồng không còn hiệu quả. Quan trọng nhất là các biện pháp giáo dục tại gia đình, sự quản lý chặt chẽ của cộng đồng, xã hội để con em mình không mắc nghiện, vì nghiện rồi thì rất dễ tái nghiện.
Thanh Thảo