Biên phòng - Bước vào mùa khai thác ốc gạo, tình trạng tranh chấp ngư trường của ngư dân 2 xã Đức Lợi và Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi diễn ra rất phức tạp. Đã có hiện tượng người dân dùng hung khí rượt đuổi, đánh nhau gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Trước thực trạng này, Đồn Biên phòng Đức Minh, BĐBP Quảng Ngãi đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng triển khai các phương án giải quyết.
Từ trước đến nay, khu vực bãi ngang ven biển thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi là ngư trường khai thác hải sản gần bờ của ngư dân các xã trong vùng. Trong đó, có một số hải sản mang lại hiệu quả kinh tế cao như ốc gạo, mực, cá trích... giúp người dân có thu nhập ổn định. Chính vì vậy, ngư dân trong vùng tích cực bảo vệ ngư trường gần bờ, họ không sử dụng những hình thức khai thác tận diệt, hủy hoại môi trường.
Thế nhưng, vào vụ khai thác ốc gạo năm 2021 (kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5) trên địa bàn huyện Mộ Đức đã xuất hiện tình trạng tranh chấp ngư trường giữa ngư dân các xã. Cụ thể, thời gian qua, ngư dân xã Đức Minh không cho các chủ phương tiện ở xã Đức Lợi vào khai thác hải sản ở vùng biển gần bờ thuộc địa phận của xã mình. Nghiêm trọng hơn, ngư dân xã Đức Minh còn sử dụng hung khí đe dọa, tấn công ngư dân xã bạn.
Theo phản ánh của ngư dân xã Đức Lợi, ngày 26 và ngày 27-2, trong lúc họ đang khai thác ốc gạo tại vùng biển thuộc địa bàn xã Đức Minh thì xuất hiện khoảng 60 người ở địa phương này đi trên 13 phương tiện đến ngăn cản. Đặc biệt, có một số người còn sử dụng hung khí truy đuổi, uy hiếp và buộc ngư dân xã Đức Lợi phải rời khỏi ngư trường.
Ông Nguyễn Văn Hết, ngư dân xã Đức Lợi bàng hoàng kể lại sự việc: “Bước vào mùa khai thác ốc gạo, ngư dân địa phương thường di chuyển phương tiện đến vùng biển bãi ngang xã Đức Minh để khai thác. Ngày 26-2, khi đang hành nghề thì có 5 chiếc thuyền chở theo 25 người dân sử dụng vỏ chai tấn công buộc chúng tôi phải trở về. Một ngày sau, chúng tôi tiếp tục đến khu vực này khai thác ốc gạo thì xuất hiện 15 thuyền, mỗi thuyền chở theo 5-6 người mang theo dao, rựa, xà beng và nhiều hung khí khác... truy đuổi chúng tôi rất quyết liệt”.
Nói rõ về vụ việc trên, ngư dân Võ Văn Sơn, ở xã Đức Lợi bức xúc trình bày: “Hôm đó, tôi bị 6 chiếc thuyền của ngư dân xã Đức Minh đuổi, sau đó có 2 người nhảy lên thuyền của tôi, cầm theo 1 xà beng, 1 dao kề vào cổ tôi, yêu cầu tôi phải rút ra khỏi vùng biển này, không sẽ bị đánh”.
Bị đe dọa đến tính mạng, ngư dân xã Đức Lợi vô cùng hoang mang, bức xúc gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng địa phương và BĐBP. Nhận được thông tin, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Đức Minh (đơn vị phụ trách địa bàn) vào cuộc xác minh nguyên nhân tranh chấp ngư trường và tìm biện pháp giải quyết.
Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Đồn Biên phòng Đức Minh đã nhanh chóng cử cán bộ bám địa bàn thu thập thông tin, xác minh nguyên nhân của việc tranh chấp ngư trường. Theo đó, ngư dân xã Đức Minh cho rằng, họ khai thác ốc gạo theo hình thức thủ công, trong khi đó, ngư dân xã Đức Lợi dùng thuyền gắn động cơ khai thác nên đạt sản lượng cao hơn, giá bán thấp hơn, gây khó khăn cho ngư dân xã Đức Minh, dẫn đến mâu thuẫn.
Nói về vấn đề này, Trung tá Cao Chánh Vỹ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đức Minh cho biết: “Hành vi khai thác bằng thuyền máy công suất nhỏ của ngư dân xã Đức Lợi là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật. Mâu thuẫn trên bắt nguồn từ việc chênh lệch sản lượng khai thác hải sản của ngư dân 2 địa phương. Chúng tôi đã mời nhân dân, đại diện chính quyền 2 xã đến làm việc và tổ chức hòa giải. Đồng thời, cho họ viết cam kết khai thác an toàn, đảm bảo an ninh, trật tự trên biển. Đại đa số bà con đồng thuận, nhưng còn một số ngư dân xã Đức Minh chưa thống nhất cao nên chúng tôi phải cố gắng vận động thuyết phục để làm sao bà con ổn định sản xuất, cùng nhau khai thác đánh bắt hợp pháp, góp phần phát triển kinh tế”.
Được biết, mùa khai thác ốc gạo của ngư dân Quảng Ngãi đang ở thời kỳ đầu vụ, trung bình mỗi ngày, ngư dân khai thác từ 3-4 thùng (loại 20 lít) ốc gạo và mỗi thùng có giá từ 600.000-700.000 đồng. Nguồn thu này góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống cho ngư dân vùng bãi ngang ven biển. Việc tranh chấp ngư trường của ngư dân 2 địa phương đã làm cho nhiều người mất đi nguồn sinh kế từ thiên nhiên.
Ngư dân Ngô Dũng, ở xã Đức Lợi than thở: “Tất cả nguồn thu của gia đình chúng tôi đều trông chờ vào biển, nhưng việc tranh chấp ngư trường khiến chúng tôi chưa thể hành nghề. Mong rằng, cơ quan chức năng quyết liệt giải quyết mâu thuẫn để bà con yên tâm khai thác hải sản tăng thêm thu nhập”.
Được biết, việc lập “cát cứ” trên biển để hưởng lợi dẫn đến tranh chấp ngư trường diễn ra phổ biến ở các tỉnh, thành phố ven biển. Vùng biển ven bờ huyện Mộ Đức đã từng xảy ra tình trạng tranh chấp ngư trường, khiến 3 ngư dân phải rơi vào vòng lao lý. Vụ việc mâu thuẫn ở vùng biển xã Đức Minh cần được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, không để ngư dân ở 2 địa phương đẩy sự việc đi quá xa.
Văn Tánh