Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:49 GMT+7

Giải quyết những điểm “nghẽn”, đưa miền núi phát triển

Biên phòng - Ngày 30-5, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

kr3lu7eqma-14910_f_jwafs65m0_a1
Đại biểu Bế Minh Đức. Ảnh: Minh Hải

Qua thảo luận các đại biểu đánh giá, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 rất ấn tượng, với 12 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu. Tốc độ tăng trưởng GDP đứng vào tốp tăng trưởng cao của thế giới, thu ngân sách vượt, dự trữ ngoại hối tăng, nợ công giảm. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, giữ vững ổn định chính trị, vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế.

Kết nối giao thông, thúc đấy phát triển

Về tình hình kinh tế - xã hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số, các đại biểu cho rằng, trong những năm qua Chính phủ đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nhìn chung đời sống đồng bào vẫn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu phát triển.

Theo đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng), Đảng, Nhà nước đã có sự quan tâm hỗ trợ các tỉnh miền núi, biên giới và vùng này đã có những bước phát triển đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, các tỉnh miền núi, biên giới vẫn là tỉnh nghèo, khó khăn, tồn tại nhiều điểm “nghẽn”, cản trở sự phát triển.

Đại biểu Bế Minh Đức cho rằng: Tỉnh Cao Bằng đứng trước những cơ hội rất lớn để phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch, cơ hội trở thành điểm kết nối quan trọng trên con đường vận tải quốc tế Á - Âu, từ cảng quốc tế Lạch Huyện - Hải Phòng qua cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Long Bang (Trung Quốc) đến các nước châu Âu, nhưng lợi thế này vẫn chưa được khai thác triệt để. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm bố trí nguồn vốn triển khai đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) nhằm giải quyết điểm “nghẽn”, đáp ứng nhu cầu kết nối mạng lưới giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình thoát nghèo của các tỉnh miền núi phía Bắc, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu; thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, phát triển giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Thiếu điện, đất sản xuất Chính phủ cần giải quyết

Về chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, các đại biểu cũng hết sức quan tâm, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đồng bào các dân tộc. Theo các đại biểu, từ năm 2013 Chính phủ đã phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 tại quyết định số 2081 ngày 8-1-2013; năm 2018, Chính phủ ban hành Quyết định số 1740 về phê duyệt chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 nhằm tạo động lực xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào miền núi, hải đảo.

Đại biểu Bế Minh Đức cho biết, Cao Bằng vẫn còn 271 xóm chưa có điện lưới quốc gia, trong khi, theo Quyết định Chính phủ tỉnh được phê duyệt tổng số vốn 819 tỷ đồng, đến nay đã sắp hết thời gian thực hiện, như tỉnh mới được cấp số vốn trên 77,6 tỷ đồng (đạt gần 9,5%). Việc chậm cấp vốn làm chậm tiến độ các công trình đưa điện lưới về cho người dân ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần, vật chất của người dân, ảnh hưởng đến công tác xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo”.

Đối với khu vực Tây Nguyên một số đại biểu cho rằng, đang tiềm ẩn thực trạng bức xúc trong việc chuyển đổi đất rừng sang trồng cây công nghiệp, thiếu đất sản xuất, đất ở... 

uj1qe9p28z-14910_f_jwafs6641_a2
Đại biểu Đinh Duy Vượt. Ảnh: Minh Hải

Theo đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai), Tây Nguyên góp phần quan trọng cung cấp năng lượng điện, nguồn nước, sinh quyển cho sự phát triển của Tây Nguyên, miền Trung, trong đó giữ rừng có vai trò quyết định. Nhưng trong những năm qua, Tây Nguyên đã hy sinh hàng ngàn ha rừng nghèo để trồng cao su và đã để lại hậu quả hàng ngàn ha đất đang sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích. Vì vậy, Chính phủ phải kiên quyết trồng trả lại rừng, bảo vệ, tăng độ che phủ rừng, để giải quyết được căn cơ, ứng phó hiệu quả với thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay” - Đại biểu Đinh Duy Vượt nhấn mạnh.

Nhiều năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư, làm thay đổi lớn trong đời sống các dân tộc. Hiện nay, còn 15.846 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, 32.000 hộ thiếu đất sản xuất có xu hướng ngày càng tăng, dễ bị thế lực phản động và kẻ xấu kích động, tiềm ẩn bất ổn về an ninh chính trị. “Chính phủ cần tiếp tục tập trung nguồn lực giải quyết căn cơ về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân có tư liệu sản xuất, giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống” - Đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị.

Viết Hà

Bình luận

ZALO