Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 21/03/2023 11:54 GMT+7

Giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đang đi vào thực chất

Biên phòng - Trước thềm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Hàn Quốc và Triều Tiên diễn ra vào ngày 27-4 tới, Bình Nhưỡng đã có động thái tích cực khi tuyên bố quyết định ngừng thử hại nhân và tên lửa đồng thời đóng cửa một cơ sở thử hạt nhân, thay vào đó theo đuổi phát triển kinh tế và hòa bình.

5ade7e2c22f7c7eff400045f
Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa cũng như đóng cửa bãi thử hạt nhân. Ảnh: AP

Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), phát biểu trong một cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên ngày 21-4, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa cũng như đóng cửa bãi thử hạt nhân.

“Khi việc trang bị vũ khí hạt nhân đã được thực hiện, Bình Nhưỡng không cần phải tiến hành thêm bất kỳ vụ thử hạt nhân hoặc phóng thử tên lửa tầm trung, tầm xa cũng như tên lửa đạn đạo nào khác”, ông Kim Jong-un khẳng định. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nhấn mạnh, nước này sẽ không chuyển giao vũ khí hạt nhân và công nghệ hạt nhân cho các nước khác, đồng thời sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân nếu không có các hành động khiêu khích và mối đe dọa hạt nhân chống lại Triều Tiên.

“Triều Tiên sẽ tập trung mọi nỗ lực để xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vững mạnh, huy động các nguồn nhân lực, vật lực để nhanh chóng nâng cao đời sống nhân dân”, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho hay.

Hàn Quốc đã lên tiếng hoan nghênh quyết định trên của Triều Tiên, gọi đây là một bước tiến bộ đối với tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên mà thế giới vẫn mong muốn, đồng thời việc này sẽ tạo ra một môi trường rất tích cực cho thành công của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Triều - Mỹ sắp tới.

Để đáp lại thiện chí từ phía Bình Nhưỡng, ngày 23-4, Hàn Quốc thông báo đã ngừng các chương trình phát thanh tuyên truyền dọc biên giới với Triều Tiên. Việc ngừng phát thanh tuyên truyền nhằm "giảm căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên và tạo bầu không khí cho đối thoại hòa bình" nhân dịp cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.

9yrzduc6ns-75199_ea8260bc-eb2b-4899-2597-642d7fe575a7@yahoo.com_a2
Hàn Quốc đã ngừng các chương trình phát thanh tuyên truyền dọc biên giới với Triều Tiên từ ngày 23-4. Ảnh: koreaherald.com

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng hoan nghênh quyết định trên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, gọi đây là tiến bộ lớn và bày tỏ hy vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên còn "một chặng đường dài", ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh. Về phần mình, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini đã gọi quyết định ngừng các cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên là một bước đi tích cực, đồng thời kêu gọi quốc gia châu Á này tiến hành "phi hạt nhân hóa không thể đảo ngược".

Quyết định ngừng các cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 23-4 tiến hành đối thoại cấp chuyên viên lần thứ ba nhằm thảo luận về các vấn đề an ninh, nghi thức ngoại giao và hình thức đưa tin, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liền Triều lịch sử dự kiến diễn ra cuối tuần tới. Cuộc đối thoại diễn ra tại Tongilgak, tòa nhà hành chính của Triều Tiên ở làng đình chiến Panmunjom.

Cuộc họp trù bị trên tập trung thảo luận về các chi tiết cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra vào ngày 27-4 tới. Các nội dung thảo luận tập trung vào vấn đề chi tiết như thời gian chính xác tổ chức cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, phương tiện nhà lãnh đạo Triều Tiên sử dụng để di chuyển sang phía bên kia làng đình chiến và liệu hai bên có tiến hành cuộc họp báo chung sau cuộc gặp hay không.

Giới phân tích nhận định, so với cách hành xử của Triều Tiên từ trước đến nay, tuyên bố lần này của Bình Nhưỡng đánh dấu một bước tiến bộ lớn, cho thấy giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đang đi vào thực chất. Dù còn có những nghi ngại, song bước tiến bộ này cũng thắp thêm hy vọng về khả năng giải quyết bằng ngoại giao cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, vốn bế tắc nhiều năm qua.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO