Biên phòng - Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị đang gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ bởi ảnh hưởng dịch Covid-19, mưa lũ kéo dài, mà còn vì đất sản xuất bị vùi lấp, sạt lở. Rất nhiều nơi, khu vực đất sản xuất của người dân bị vùi sâu dưới lớp đất đá đến nửa mét, rất khó có thể phục hồi để tiếp tục canh tác. Vậy đâu là lời giải cho bài toán ổn định cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, khi đất canh tác vốn ít ỏi nay lại bị thu hẹp bởi thiên tai?

Chồng chất khó khăn
2 xã vùng cao biên giới xa xôi nhất của tỉnh Quảng Trị hiện nay là Hướng Việt và Hướng Lập (huyện Hướng Hóa). Nếu như trước đây, xã Hướng Lập là địa phương có diện tích lúa nước lớn nhất của vùng cao phía Bắc tỉnh Quảng Trị, người dân có thể tự chủ một phần lương thực, thì nay người dân lại đứng trước nguy cơ thiếu ăn do đợt mưa lũ vừa qua, nước từ các khe, suối trên núi đổ về mang theo đất đá khiến ruộng bị vùi lấp và cuốn trôi, diện tích chỉ còn chưa tới một nửa. Đối với xã Hướng Việt, diện tích lúa nước vốn ít ỏi thì nay gần như bị xóa sổ. Diện tích trồng lúa rẫy, sắn, ngô của cả 2 xã cũng bị thu hẹp vì sạt lở do mưa lũ kéo dài.
Vài năm trở lại đây, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số các xã Ba Tầng, A Dơi, Thanh, Thuận (huyện Hướng Hóa) được cải thiện nhờ việc mở rộng diện tích trồng sắn cao sản và hợp tác trồng chuối tại các bản người Lào phía đối diện.
Thế nhưng, kể từ khi Chính phủ Lào đóng cửa khẩu để phòng, chống dịch Covid-19, người dân không được qua lại biên giới thu hoạch chuối, sắn, vì thế, thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, đợt mưa lũ vừa qua khiến nhiều nơi bị sạt lở, trong đó có diện tích đất trồng sắn, chuối, ruộng canh tác lúa nước thì bị vùi lấp sâu dưới đất đá.
Trung tá Nguyễn Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị cho biết: “Chưa có thống kê cụ thể, nhưng qua khảo sát, nắm thông tin ban đầu, thì diện tích đất sản xuất ở các xã A Dơi, Ba Tầng bị vùi lấp khoảng 70-80%. Nhiều hộ dân chỉ trông chờ vào việc thu hoạch sắn, chuối, nay mưa lũ khiến sắn bị hỏng, không thể thu hoạch, người dân không những không có thu nhập để duy trì cuộc sống, mà còn không thể trả nợ những khoản vay trước đó để đầu tư cho sản xuất”.
Huyện biên giới Đakrông cũng chịu cảnh tương tự khi mưa to, lũ lớn kéo dài khiến diện tích sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số vốn không nhiều, nay lại bị thu hẹp thêm. Điều đó đồng nghĩa với việc bài toán sinh kế cho đồng bào sẽ lại càng khó khăn, người dân sẽ còn phải phụ thuộc nhiều vào việc cứu trợ khi không thể sản xuất, tự chủ được lương thực. Hiện nay, mưa lớn ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị vẫn tiếp tục, bởi vậy mà tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở và vùi lấp đất ở cũng như đất sản xuất của người dân.
Nỗ lực khắc phục
Thiếu tá Nguyễn Duy Thánh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị cho biết: Do 2 xã Hướng Lập, Hướng Việt bị thiệt hại rất nặng nề do mưa lũ, cát, sỏi, đá không chỉ xâm lấn đất canh tác mà còn vào khu vực nhà ở, vậy nên trước mắt, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương giúp các trường học, người dân khắc phục chỗ ở, việc khôi phục đất sản xuất được UBND huyện Hướng Hóa giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Diện tích lúa nước ở xã Hướng Lập còn khoảng được 1 nửa nên nếu chưa kịp khắc phục, người dân có thể tận dụng canh tác lại.
Tuy nhiên, ở xã Hướng Việt, rất nhiều nơi bị vùi lấp ở độ sâu đến cả nửa mét, rất khó phục hồi. Chúng tôi cũng rất lo lắng vì dịch bệnh kéo dài, thiên tai liên tục khiến cuộc sống của người dân vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mặc dù đã được Nhà nước, các mạnh thường quân hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm nhưng cũng chỉ đủ trong 1-2 tháng tới. Và hơn cả là về lâu dài, cuộc sống của bà con sẽ thế nào nếu đất canh tác không kịp phục hồi phục vụ cho sản xuất.
Chỉ còn nửa tháng nữa là tới kỳ làm đất, gieo mạ cho vụ Đông Xuân, thế nhưng, người dân xã Ba Nang (huyện Đakrông) gần như chưa thể làm gì bởi vẫn đang phải lo ổn định nơi ở rồi đảm bảo lương thực, thực phẩm sau mưa lũ. Đường sá sạt lở, chia cắt, nông sản làm ra không có ai mua hoặc không thu hoạch được khiến cuộc sống của người dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào đồ cứu trợ. Hơn 100ha sắn cũng gần như mất trắng vì chưa đến kỳ thu hoạch đã bị gió bẻ gẫy hoặc đến kỳ thu hoạch củ cũng bị thối do ngập nước lâu ngày. Diện tích lúa nước, lúa nương sau đợt bão lũ vừa qua, hơn nửa đã bị vùi lấp.
Hiện, chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Ba Nang đã vận động nhân dân chủ động tự khắc phục, một số hộ có điều kiện và ruộng ở vị trí thuận lợi đã thuê xe cơ giới về múc đất đá. UBND huyện Đakrông cũng hỗ trợ cho người dân một số hạt giống loại ngắn ngày như ngô nếp, rau cải, đậu.
Ngoài ra, UBND xã Ba Nang tổ chức rà soát, lên danh sách các hộ bị thiệt hại để đề nghị hỗ trợ theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017-2020.
Khi được hỏi, rất nhiều người dân bày tỏ nỗi lo về vấn đề đất sản xuất bị vùi lấp, sạt lở. Ông Hồ Văn Cơn, thôn Prin, xã Ba Tầng cho biết: “Nhận được gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ, chúng tôi rất vui. Thế nhưng, trong những ngày tới, bà con rất mong Nhà nước, các mạnh thường quân sẽ hỗ trợ cho cây giống, con giống hoặc kinh phí để có thể khôi phục lại việc sản xuất, ổn định cuộc sống”.
Trúc Hà