Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

Giải pháp “vàng” cho người nghiện ma túy ở miền Tây Nghệ An (bài 2)

Biên phòng - Với nhiều nguyên nhân khác nhau, một số huyện miền núi ở miền Tây Nghệ An đang có tỉ lệ người nghiện ma túy rất cao. Thực trạng đó đang tác động tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như quá trình phát triển kinh tế tại các địa phương. Giải pháp kiềm chế, kéo giảm số người nghiện ma túy ở Tây Nghệ An vẫn đang là một thách thức không nhỏ đối với các cấp chính quyền địa phương trong nhiều năm qua.

Bài 1: Bản làng tiêu điều vì ma túy

Bài 2: Khát khao làm lại cuộc đời

Hầu hết những người nghiện ma túy ở các bản làng vùng sâu, vùng xa phía Tây Nghệ An đều rất nghèo, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế. Khi nhận ra sự tàn phá ghê gớm của ma túy đối với bản thân, gia đình, làng bản, họ “vùng vẫy” tìm cách thoát nghiện để làm lại cuộc đời. Có những người đã từ bỏ bản làng để “lánh” ma túy, nhiều người ở lại vẫn loay hoay tìm lối thoát tại chính mảnh đất mình sinh ra.

5b864d6622f7c7a81f000020
Anh Lương Văn Như (bên trái) kể lại quá trình “đoạn tuyệt” với ma túy. Ảnh: Lam Giang 

Rời quê hương đi “lánh” ma túy

Trước đây, cuộc sống của 67 hộ dân với 338 nhân khẩu đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Huồi Bắc, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn tuy chưa giàu có nhưng khá bình yên. Nhân dân trong bản đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất. Thế nhưng kể từ ngày bản làng bị những kẻ xấu gieo rắc “cái chết trắng” vào cộng đồng, mọi thứ đã bị đảo lộn. Nhiều gia đình có người thân nghiện ngập, thậm chí có gia đình cả vợ chồng đều dính vào ma túy để con cái sống trong cảnh nheo nhóc. Bản làng cũng từ đó mà xuất hiện nạn trộm cắp, mất tình đoàn kết.

Anh Moong Văn Bảy, Bí thư chi bộ bản Huồi Bắc chia sẻ câu chuyện buồn của bản làng: “Toàn bản hiện nay có khoảng 40 người nghiện ma túy. Nhiều gia đình có 3-4 người nghiện, cả vợ chồng đều nghiện. Giờ đây, nhiều người muốn làm lại cuộc đời đã chọn cách rời bản làng tìm môi trường làm ăn mới để “lánh” ma túy. Hiện nay, Huồi Bắc có khoảng 20 người nghiện ma túy phải đi làm ăn xa, mỗi năm họ chỉ về nhà 5-7 ngày vào dịp Tết cổ truyền”.

Nói rồi, Bí thư chi bộ bản Huồi Bắc kể câu chuyện đau buồn của chính gia đình mình đang phải gánh chịu, nguyên nhân cũng do ma túy gây ra. Moong Phò Sơn (anh trai của Mong Văn Bảy) với bản tính hiền lành, chịu khó, chịu khổ bám nương, vườn làm ăn. Đến tuổi trưởng thành, Moong Phò Sơn kết hôn với chị Moong Mẻ Sơn. Đôi vợ chồng trẻ sớm có được 2 người con (một trai, một gái) khỏe mạnh, chăm ngoan. Gia đình họ tuy chưa khá giả về kinh tế, nhưng cuộc sống khá hạnh phúc. Thế rồi tất cả đã đổ vỡ khi anh Sơn bị kẻ xấu lôi kéo sử dụng rồi nghiện ma túy từ lúc nào không hay. Dù cho vợ con, anh em khuyên ngăn, tìm mọi cách cứu anh, nhưng anh không thể nào dứt bỏ được ma túy.

Để có sức làm nương rẫy, anh chấp nhận sống chung với “cái chết trắng”. Có nhiều lần giữa núi rừng anh Moong Phò Sơn thèm thuốc, lên cơn co giật, vật vã chỉ muốn chết đi. Thương chồng, lo chồng gặp chuyện không hay, chị Moong Mẻ Sơn lại trở thành người “đốt” heroin cho chồng sử dụng. Nhiều lần tiếp xúc với làn “khói trắng”, cái mùi chết người đó cứ ngấm dần, khiến người vợ trẻ gục ngã. Chị bị nghiện ma túy theo cách không ai ngờ đến.

Kể từ ngày cả hai vợ chồng dính vào ma túy, trâu, bò chăn nuôi được trước đó đều bị bán sạch, nương rẫy bỏ hoang, con cái nheo nhóc. Những khi tỉnh táo, họ lại tìm đến em trai bày tỏ khát khao từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời. Vừa giận, vừa thương, Bí thư chi bộ Moong Văn Bảy đón 2 cháu (con vợ chồng Sơn) về nuôi, cho ăn học, rồi động viên anh trai, chị dâu rời bản đi làm ăn xa để lánh ma túy. “Anh, chị ấy vào Lâm Đồng làm rẫy cà phê giúp người ta được 2 năm nay rồi. Ở môi trường mới, cả hai đã đoạn tuyệt được với ma túy, hằng tháng đều gửi tiền về để tôi lo cho 2 con ăn học. Mỗi năm anh, chị chỉ về thăm gia đình và các con 5-7 ngày vào dịp Tết, rồi lại đi chứ không dám ở lâu, vì sợ bị rủ rê tái nghiện. Không chỉ có anh trai, chị dâu tôi mà còn nhiều cặp vợ chồng khác trong bản và ở các bản khác cũng để con cháu ở nhà cho người thân để đi làm ăn xa, với quyết tâm từ bỏ ma túy” - Anh Moong Văn Bảy khẳng định.

Câu chuyện của Bí thư chi bộ bản Huồi Bắc cho thấy một thực trạng rằng, trong số đông người rời các bản làng vùng cao ở phía Tây Nghệ An đi làm ăn xa, không phải tất cả vì mưu sinh, mà còn để “lánh” ma túy, làm lại cuộc đời. Chắc chắn họ rất mong được chính quyền, các đoàn thể nơi làm việc giúp đỡ để họ lại được trở về với chính mình.        

Loay hoay tìm lối thoát

Nhiều người nghiện ma túy ở Tây Nghệ An đã rời bản làng tìm môi trường làm ăn mới với khát khao được làm lại cuộc đời. Thế nhưng, có những người vì tuổi tác, hoàn cảnh họ không đi xa được mà đang loay hoay phải tìm lối thoát ma túy ở chính nơi mình sống. Trong lúc tỉnh táo nhất, ông Lương Văn Sang, 74 tuổi, ở bản Na Bón, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An kể lại câu chuyện cuộc đời mình. Ông nghiện ma túy từ khi còn là một chàng trai trẻ, đến nay đã 37 năm “sống chung” với ma túy.

Khi cây thuốc phiện còn nhiều ở huyện biên giới thì rất nhiều thanh niên thế hệ của ông sử dụng nó như một loại thần dược mà không hề biết tới tác hại chết người của nó. Thế rồi, khi cây thuốc phiện bị triệt phá triệt để, nguồn “thuốc đen” trở nên khan hiếm, heroin xâm nhập bản làng, ông chuyển sang sử dụng loại ma túy này. Cũng từ đó, cuộc đời người đàn ông này là những ngày khổ ải, dằn vặt. Bao nhiêu tiền bạc làm ra được, đều bị ông “đốt” sạch để thỏa mãn cơn nghiện. Cuộc sống của gia đình, vợ con ông cũng từ đó mà trở nên thiếu thốn, túng quẫn.

w9v7_10b
Ở tuổi 74 ông Lương Văn Sang vẫn tìm cách thoát khỏi ma túy. Ảnh: Viết Lam

Chìm đắm trong những cơn phê thuốc, thế nhưng khi tỉnh táo ông Lương Văn Sang lại dày vò bản thân, rồi quyết tâm đi cai nghiện ma túy để có những ngày được sống thanh thản. Đã nhiều lần ông đăng ký cai nghiện tại cộng đồng nhưng chỉ cắt cơn được thời gian ngắn rồi lại tái nghiện. Giờ đây, khi tuổi đã lớn, ông Sang không còn sức để lao động, không tự kiếm được tiền để thỏa mãn cơn nghiện. Những khi ông thèm thuốc, lên cơn vật vã, các con ông lại phải làm mọi cách có tiền để “cứu cha”. “Khi tỉnh táo thấy mình nghiện ngập làm khổ con, cháu nhiều quá, tôi đã treo dây thừng lên xà nhà để kết liễu cuộc đời. Thế nhưng chúng nó lại tìm mọi cách ngăn cản, động viên tôi từ bỏ ý định tìm cái đến chết để giải thoát. Tôi cũng chỉ mong những năm tháng cuối đời có thể rời xa được ma túy, sống vui vẻ cùng con cháu” - Ông Lương Văn Sang chia sẻ.

Mặc dù nghiện ma túy nhưng anh Lương Văn Như, 33 tuổi, ở bản Hồng Tiến 1, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An vẫn cho rằng mình còn khá may mắn vì được sống, đang có cơ hội làm lại cuộc đời. Bởi bạn bè cùng trang lứa với anh ở trong vùng có nhiều người chết vì sốc thuốc, vì lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy. Anh Như kể lại, do thiếu hiểu biết nên anh đã sử dụng ma túy khi mới 15-16 tuổi. Ma túy đã bám riết, làm khổ anh hàng chục năm trời. Chỉ khi chứng kiến bạn bè cùng trang lứa lần lượt qua đời vì sốc thuốc, vì nhiễm HIV, anh Như mới bừng tỉnh.

Đặc biệt, khi biết mình may mắn không mang trong mình căn bệnh HIV, lại được một người con gái trong bản thương yêu, đồng ý lập gia đình, Như càng khát khao làm lại cuộc đời. Anh quyết tâm đi cai nghiện, thế nhưng khi trở về với cộng đồng, không có công ăn việc làm, anh tái nghiện. Cái vòng luẩn quẩn ấy sẽ bóp nghẹt cuộc đời người đàn ông trẻ tuổi này nếu như không có một điều kỳ diệu mang tên Methadone. Đây thực sự là “phép hồi sinh” cho ông An, anh Như và rất nhiều người nữa đang loay hoay tìm lối thoát khỏi ma túy ở ngay chính bản làng mình. Phương pháp điều trị ma túy này đầu tiên được xuất hiện tại Quỳ Châu và nay đang được triển triển khai rộng rãi ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An, thực sự trở thành “điểm tựa” để những người lầm lỡ hồi sinh.

Bài 3: Niềm hy vọng mang tên Methadone

Viết Lam

Bình luận

ZALO