Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:54 GMT+7

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Biên phòng - Cuối tuần qua, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra tuyên bố chung sau 2 ngày nhóm họp; trong đó, nhấn mạnh căng thẳng thương mại đang tăng cường đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

el9f_11a
Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G20 tham dự hội nghị. Ảnh: Nikkei

Trong tuyên bố chung, Bộ trưởng Tài chính các nước G20 cho biết, tăng trưởng toàn cầu đang dần ổn định và dự kiến sẽ tăng trong cuối năm 2019 đến đầu năm 2020. Tuy nhiên, tăng trưởng thế giới vẫn ở mức thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các nước G20 nhấn mạnh, trước tình hình căng thẳng thương mại và xung đột địa chính trị giữa các nước đang tăng cao, các quốc gia cần tiếp tục giải quyết các rủi ro kinh tế và sẵn sàng hành động để ứng phó, nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra.

Hội nghị tổ chức tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã hạ thấp triển vọng kinh tế quốc tế và cho rằng, căng thẳng thương mại đang ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, vì vậy, cuối năm nay, mức tăng trưởng kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi và kéo dài sang năm sau.

Hội nghị Tài chính G20 năm nay cũng tái khẳng định, thương mại và đầu tư quốc tế là động lực tăng trưởng và giúp tăng năng suất lao động; đồng thời khẳng định cam kết thương mại tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhóm nước G20 đạt được vào tháng 12 năm ngoái.

Các Bộ trưởng Tài chính cũng đã thống nhất về một vấn đề quan trọng, đó là đóng cửa các lỗ hổng cho phép các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các khu vực pháp lý có mức thuế thấp và giảm thiểu hóa đơn thuế doanh nghiệp. Anh và Pháp là hai nước ủng hộ việc đánh thuế vào các công ty công nghệ lớn như Google, Apple, Facebook, Amazon... nhằm ngăn chặn việc chuyển lợi nhuận sang khu vực pháp lý có mức thuế thấp và đưa ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu.

Trong khi các tập đoàn lớn trên thế giới bùng nổ thu nhập trong những năm gần đây, dữ liệu do Tập đoàn truyền thông Nikkei phân tích cho thấy, số tiền thuế phải trả của 100 công ty hàng đầu trên thế giới (công ty có số vốn hóa thị trường) giảm xuống còn 23% năm 2018 so với 30% năm 2000. Quy định mới về thuế được các nước G20 thông qua vào năm 2020 sẽ ngăn các công ty lợi dụng lỗ hổng để trốn thuế, đồng thời khó chuyển tiền sang các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử hội nghị, các nhà hoạch định chính sách tài chính hàng đầu thế giới đã bàn luận về vấn đề kinh tế liên quan đến già hóa dân số. Tại Nhật Bản - đất nước có số dân già hóa nhanh chóng, các Bộ trưởng Tài chính G20 đã cảnh báo cần phải giải quyết vấn đề này trước khi quá muộn. Nhóm các nước G20 bao gồm nhiều quốc gia ở mức độ phát triển và dân số khác nhau, vì vậy, Nhật Bản - nước chủ nhà chủ trì hội nghị lần này đã chia sẻ kinh nghiệm và kêu gọi các nước cần sẵn sàng hành động trước khi quá trình già hóa dân số gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), dân số già và tỷ lệ sinh thấp tại các quốc gia phát triển như Tây Ban Nha, Italy, Hàn Quốc đang gia tăng nhanh chóng. Các quốc gia mới nổi như Brasil và Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự thay đổi nhân khẩu học so với giai đoạn phát triển kinh tế ban đầu. OECD dự báo đến năm 2050, thế giới sẽ có hơn 2 tỷ dân có độ tuổi trên 60, gấp đôi so với năm 2017.

Nhiều chuyên gia nhận định, chủ đề về căng thẳng thương mại bao trùm hầu hết không khí thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 năm nay. Khi đưa ra tuyên bố chung, các nước G20 vẫn chưa thống nhất được giải pháp cụ thể để giải quyết các mối đe dọa đến từ căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, các nước G20 cũng đã mạnh dạn đề cập đến những vấn đề gai góc như trốn thuế, già hóa dân số nhằm thay đổi căn bản các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hà Thu

Bình luận

ZALO