Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:14 GMT+7

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV:

Giải pháp phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Biên phòng - Từ ngày 6 đến 8-11, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội (QH), QH tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ: Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương; đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực liên quan; các Bộ trưởng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Tổng Thanh tra Chính phủ... giải trình làm sáng tỏ một số vấn đề có liên quan.

gzr0_3a
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước QH. Ảnh: Đức Nghĩa

Xây dựng ngành thủy sản bền vững

Qua 3 ngày chất vấn, trả lời chất vấn, đề tài về nông nghiệp, nông thôn đã làm “nóng” nghị trường. Vấn đề được các đại biểu quan tâm là kết quả 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), giải pháp gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC)... Giải đáp chất vấn của đại biểu QH về các giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, “thẻ vàng” của EC được đưa ra ngày 23-10-2017. Theo đó, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất. Đến nay, Việt Nam đã có nhiều giải pháp tích cực để khắc phục, như đưa ra các văn bản, quy định theo khuyến nghị của EC.

Qua 2 năm triển khai các biện pháp, Việt Nam được ghi nhận không còn tình trạng khai thác trái phép thủy sản trên toàn bộ vùng biển Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt trái phép ở các vùng biển phía Nam vẫn còn diễn ra, năm 2019 có 113 vụ, gồm hơn 180 ngư dân của 8 tỉnh vi phạm. Ngày 6-11-2019, EC cử đoàn công tác sang Việt Nam kiểm tra lần thứ hai. “Từng địa phương, doanh nghiệp phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để có thể thu hồi được "thẻ vàng" của EC. Đặc biệt, ngư dân vì danh dự của Việt Nam, vì quyền lợi lâu dài cũng phải thực hiện đúng quy định, chung tay tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng bền vững” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. 

Để làm rõ thêm vấn đề, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng,  Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo với các bộ, ngành và 28 địa phương ven biển triển khai các giải pháp chấm dứt tình trạng vi phạm của tàu cá và ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt cá trái phép đến nay vẫn chưa chấm dứt. Tuần sau, đoàn công tác EC trở lại Việt Nam kiểm tra, xem xét gỡ “thẻ vàng” hoặc nâng mức cảnh báo “thẻ đỏ”. Nếu bị nâng mức cảnh báo sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu của thủy sản và nền kinh tế Việt Nam.

Để xây dựng ngành thủy sản bền vững, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương ven biển cần triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thủy sản và Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tiếp tục cơ cấu lại ngành thủy sản, cơ cấu lại hoạt động khai thác, phương tiện đánh bắt phù hợp với sản lượng, ưu tiên phương thức nuôi biển đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đồng thời, kiểm soát việc đánh bắt xa bờ, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương đưa việc đánh bắt xa bờ vào nền nếp, đúng pháp luật Việt Nam và quốc tế để nhanh chóng gỡ “thẻ vàng” của EC. Đẩy nhanh tiến độ gắn thiết bị giám sát hành trình tàu cá, từng bước hiện đại phương tiện đánh bắt, nhất là phương tiện bảo quản sản phẩm sau đánh bắt; cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cảng cá, khu neo trú tàu, thuyền.

Đầu tư nguồn lực cho miền núi, biên giới

Chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, các đại biểu cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã góp phần thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê. Tuy nhiên, sự chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng miền còn thể hiện rõ. Điều này cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp với đặc điểm vùng miền.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM qua 10 năm đạt được nhiều thành tựu toàn diện, bứt phá. Cả nước có 52,4% số xã (khoảng 4.665 xã) đáp ứng đủ các tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM ở các vùng, miền rất khác nhau. Miền núi, vùng dân tộc thiểu số, biên giới là khu vực “trũng” về công tác giáo dục, y tế; thu nhập của người dân, cơ sở hạ tầng.

Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT cùng một số ngành có liên quan tham mưu để giai đoạn 2021-2025 sẽ điều chỉnh về mặt chủ trương, nguồn lực, tuyên truyền để người dân có ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Chú trọng nâng cao vai trò của người dân và cộng đồng trong tham gia xây dựng NTM, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ theo hướng đồng bộ, linh hoạt để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, cố gắng giảm dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, tiến tới đồng đều trong sự phát triển chung của đất nước.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu triển khai có hiệu quả các giải pháp; tiếp tục triển khai Nghị quyết 32 của QH về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, phù hợp với thực tế vùng, miền. Tăng cường nguồn lực, chính sách cho vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, vùng căn cứ cách mạng nhằm thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội, nhất là về y tế, văn hóa giữa các khu vực.

Danh Anh

Bình luận

ZALO