Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 16/09/2024 10:24 GMT+7

Giải pháp nào sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường

Biên phòng - Với 9,1 triệu ha, chiếm gần 27% diện tích đất liền của cả nước, khu vực nông, lâm trường (NLT) chiếm một quỹ đất lớn và giữ vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng và hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nghịch lý là trong khi rất nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang thiếu đất sản xuất, thì các công ty nông, lâm nghiệp lại quản lý quá nhiều đất nhưng sử dụng không hiệu quả.

Một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất có nguồn gốc NLT là thành lập các lâm phần rừng sản xuất ổn định. Ảnh: Bích Nguyên

Nghịch lý thừa - thiếu đất sản xuất

Từ năm 2003, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách với mục tiêu sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng bền vững các diện tích đất đai có nguồn gốc NLT, đặc biệt là Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ngày 17-12-2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc NLT ở nhiều địa phương trên cả nước đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Ông Phạm Văn Hạnh, Vụ Phát triển sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ 41/41 phương án tổng thể đổi mới, sắp xếp NLT với tổng số 256 công ty nông, lâm nghiệp. Hiện, mới có 166/256 công ty hoàn thành việc sắp xếp, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Trong tổng số hơn 9 triệu ha đất có nguồn gốc NLT do 745 tổ chức, công ty nông, lâm nghiệp, UBND xã và hàng ngàn hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng, mới chỉ rà soát, đo đạc, cắm mốc, thiết lập hồ sơ quản lý được trên 2 triệu ha. Hiện, vẫn còn gần 7 triệu ha chưa được xây dựng đề án để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng.

Theo ông Hạnh, hiện, còn 90 công ty nông, lâm nghiệp và 2 tổng công ty chưa hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới. Mô hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên và cổ phần hóa mới hoàn thành 50%. Đa số công ty cổ phần Nhà nước nắm cổ phần chi phối hoạt động chưa hiệu quả. Các công ty giải thể còn chậm, vẫn trong tình trạng quản trị yếu kém, thua lỗ kéo dài.

Dù đã có trên 75% các địa phương cơ bản hoàn thành rà soát, phân định ranh giới và có phương án sắp xếp, đổi mới với các diện tích đất NLT, nhưng kết quả vẫn không đạt được như kỳ vọng. Với các diện tích đã xác định chuyển đổi, bổ sung quỹ đất cho địa phương, thì vấn đề liên quan đến rà soát ranh giới và chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn là điểm nghẽn lớn nhất. 13/45 địa phương vẫn chưa hoàn thành việc phân định ranh giới đất đai NLT. 34/45 tỉnh vẫn đang vướng mắc trong việc thực hiện rà soát và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao, cho thuê đất.

Điều đó dẫn tới nghịch lý thiếu-thừa khi một diện tích lớn đất đai luôn ở trong trạng thái chờ. Các công ty nông, lâm nghiệp không còn hoặc không có kế hoạch cũng như kinh phí quản lý, sử dụng hiệu quả dẫn đến một diện tích không nhỏ rừng và đất lâm nghiệp đã và đang chịu sức ép lớn về xâm lấn, chuyển đổi. Trong khi đó, người dân địa phương xung quanh lại luôn trong tình trạng “đói đất” sản xuất.

Không chỉ vậy, theo ông Triệu Văn Bình, Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội, một trong những bất cập trong việc sắp xếp, quản lý đất có nguồn gốc NLT là tình trạng sử dụng quỹ đất của Nhà nước để cho thuê, cho mượn, khoán trắng; lợi dụng ranh giới giữa rừng sản xuất với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ không rõ ràng để khai thác rừng không đúng pháp luật còn thường xuyên xảy ra. Tình trạng giao khoán đất sai mục đích, sai đối tượng, thất thoát, để đất hoang hóa, lãng phí tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng khá phổ biến tại các NLT, công ty nông, lâm nghiệp...

Tìm giải pháp phù hợp với thực tiễn

Ông Triệu Văn Bình nhìn nhận, hầu hết đồng bào các DTTS có sinh kế gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đây là sinh kế chính và quan trọng nhất. Vì thế, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào DTTS. Chính vì vậy, theo ông, cần rà soát các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc ít người... để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, lấn chiếm, tranh chấp đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng.

Cũng theo ông Bình, các địa phương nên quan tâm xây dựng, phát triển các mô hình quản trị doanh nghiệp, đổi mới mô hình quản lý các công ty nông, lâm nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương. Có các giải pháp kiên quyết và đủ mạnh, đồng bộ để sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng. Thu hồi diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả, bàn giao cho chính quyền địa phương để quản lý, sử dụng, ưu tiên giao đất cho đồng bào DTTS ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất; giao đất cho các tổ chức, cá nhân thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

Về cơ chế, chính sách, ông Phạm Văn Hạnh cho biết, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 118/2014/NĐ-CP. Trong đó, tập trung khắc phục, giải quyết triệt để những khó khăn, tồn tại về mô hình sắp xếp; quản lý đất đai, tài nguyên rừng...; xử lý tài chính, tài sản, các khoản nợ... lao động.

Ông Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng đề xuất thiết lập các lâm phần rừng sản xuất ổn định thông qua quy hoạch và chuyển diện tích đất canh tác nông nghiệp cho người dân hoặc cán bộ lâm trường, công ty lâm nghiệp. Cùng với đó, cần thiết lập hệ thống bản đồ, cột mốc ranh giới giữa rừng tự nhiên và rừng trồng, giữa lâm trường và người dân.

Ngoài ra, ông Dựng đề xuất xây dựng các biện pháp phục hồi rừng. Trong đó, tập trung phục hồi toàn bộ rừng phòng hộ; phục hồi rừng tự nhiên là rừng sản xuất đã bị suy thoái dự trữ cho tương lai; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên diện tích có thể thành rừng của rừng phòng hộ, rừng tự nhiên; phục hồi và phát triển lâm sản ngoài gỗ (cây đặc sản, dược liệu...) dưới tán rừng tự nhiên - kết hợp bảo vệ rừng tự nhiên và kinh doanh. Cấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và lập bản đồ pháp lý cho diện tích rừng trồng.

Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO