Biên phòng - Tham vọng của Thủ tướng Anh Boris Johnson về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit vào hạn chót 31-10, đã chính thức thất bại. Những ngày này, nước Anh tiếp tục bước vào một “cuộc chiến” mới trong chính trường nhằm tìm ra tương lai cho Brexit trong 3 tháng tới đây.
Ngày 28-10, EU đã chấp thuận đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 31-1-2020 và có thể rút ngắn, nếu như nội bộ nước Anh tìm được tiếng nói chung và nhất trí thông qua thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đạt được vừa qua. Mặc dù từng tuyên bố không xin gia hạn Brexit, nhưng ông Johnson vẫn phải làm việc này theo đề xuất của Quốc hội Anh vào ngày 19-10 vừa qua.
Thủ tướng Johnson cũng đề nghị EU rằng, lần “gia hạn linh hoạt” này sẽ là lần gia hạn Brexit cuối cùng và sẽ không còn lần gia hạn nào nữa. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng đồng tình và cho rằng, EU đang mất kiên nhẫn với nước Anh và hy vọng nước này sẽ thống nhất và hoàn tất Brexit vào hạn chót mới.
Mặc dù liên tục thất bại trong 3 tháng qua, nhưng ông Johnson vẫn kiên định với quyết tâm đẩy nhanh quá trình Brexit. Trong 3 tháng tới đây được kỳ vọng là khoảng thời gian đủ để nội bộ nước Anh tiếp tục tranh luận với nhau nhằm giải quyết mọi vướng mắc để Brexit có thể diễn ra.
“Đây là khoảng thời gian để thống nhất đất nước và hoàn thành Brexit” - Thủ tướng Johnson phát biểu vào ngày 29-10, sau khi Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua kế hoạch tổ chức Tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 12-12 tới.
Trước đó, ông Johnson cáo buộc, Quốc hội Anh đang “giam giữ đất nước” và gây tổn hại cho nền kinh tế. Hàng triệu người dân Anh đã bày tỏ sự mệt mỏi với Brexit. Người dân đã xuống đường tuần hành với thông điệp chính là hãy để người dân quyết định “số phận” Brexit.
Trong hơn 3 năm qua, Brexit cũng làm xói mòn lòng trung thành truyền thống của hai đảng lớn là đảng Bảo thủ và Công đảng. Gần như tất cả các chính trị gia Anh đều cùng cho rằng, một cuộc bầu cử là cần thiết để phá vỡ sự “bất động” của tiến trình Brexit - tiến trình từng gây sốc cho các đồng minh của một quốc gia từng coi là một “pháo đài” của chủ nghĩa tư bản và dân chủ phương Tây ổn định.
Trong cuộc Tổng tuyển cử vào tháng 12 tới, cử tri sẽ lựa chọn giữa một bên là đảng Bảo thủ do ông Boris Johnson lãnh đạo với tham vọng thúc đẩy thỏa thuận Brexit, còn một bên là Công đảng do ông Jeremy Corbyn lãnh đạo.
Giới chuyên gia chính trị quốc tế cho rằng, chính quyền của Thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson đang có được sự ủng hộ khá tốt bởi phương thức Brexit của ông. Nếu chiến thắng với thế đa số trong cuộc bầu cử, Quốc hội mới với số ghế nhiều hơn sẽ giúp tiến trình Brexit hiện nay trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Ngược lại, nếu chiến thắng nghiêng về Công đảng của ông Jeremy Corbyn, thì nước Anh sẽ đàm phán lại thỏa thuận trước khi tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ 2.
Kết quả của cuộc bầu cử này có vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình Brexit. Nếu không có bên nào thắng một cách thuyết phục bằng cách giành đa số ghế chủ chốt trong Quốc hội Anh, bế tắc Brexit sẽ tiếp tục khi các kế hoạch Brexit không thể có được sự ủng hộ đa số. Trong trường hợp này, về mặt bản chất, mọi thứ sẽ vẫn luôn đi vào bế tắc như những gì đã diễn ra trong suốt hơn 3 năm qua.
Thanh Trúc