Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:31 GMT+7

Giải pháp cho phát triển nghề nuôi biển bền vững

Biên phòng - Thời gian qua, việc phát triển nghề nuôi thủy sản biển ở Phú Yên liên tục gặp khó khăn, đặc biệt là đã xảy ra tình trạng tôm hùm bị dịch bệnh chết hàng loạt. Hội nghị chuyên đề phát triển giống thủy sản phục vụ nuôi biển do Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức mới đây đã chỉ ra cho Phú Yên nói riêng và các địa phương ven biển nói chung hướng đi bền vững trong phát triển nghề nuôi biển thời gian tới.

p3ye_18a
Với hệ thống lồng bè đơn sơ, tạm bợ hiện nay, nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên khó tránh khỏi rủi ro trong mùa mưa bão. Ảnh: Phương Oanh

Thực trạng nghề nuôi biển còn lạc hậu

Nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè ở Phú Yên hình thành từ những năm 1990, đến nay, phát triển khá mạnh với khoảng hơn 1.000ha mặt nước biển. Đối tượng nuôi biển chủ yếu là tôm hùm và cá biển. Riêng nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, tổng số lồng nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 91.290 lồng, sản lượng khoảng 710 tấn/năm, tập trung ở thị xã Sông Cầu. Quy hoạch diện tích vùng nuôi thủy sản lồng bè của Phú Yên đến năm 2025 là 1.650ha, tập trung chủ yếu ở đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) và huyện Tuy An với dự kiến sẽ có 49.000 lồng. 

Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, không riêng Phú Yên mà các địa phương ven biển khác ở nước ta, tiềm năng nuôi thủy sản biển rất lớn, song, hiện các địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng này. Ông Nguyễn Bá Sơn, Vụ Nuôi trồng thủy sản, cho biết: Khó khăn nhất hiện nay đối với nuôi biển là đa số còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trình độ kỹ thuật của người nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu, mật độ lồng nuôi ngày càng gia tăng dẫn tới phá vỡ quy hoạch tại các vùng nuôi.

Trong khi đó, công nghệ sản xuất giống thủy sản nuôi biển ở nước ta còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm, đặc biệt là chưa sản xuất được giống tôm hùm. Nguồn tôm hùm giống chủ yếu khai thác từ tự nhiên, song sản lượng khai thác ngày càng giảm. Nếu năm 2015 đạt khoảng 1,4 triệu con, đến năm 2018 còn khoảng 270.000 con. Do lượng con giống tôm hùm khai thác giảm, trong khi nhu cầu giống để nuôi tăng cao nên những năm gần đây, tôm hùm giống chủ yếu nhập từ các nước Philippines, Malaysia, Indonesia.

Trong khi đó, công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè chưa thích ứng với điều kiện thời tiết, sóng biển. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm. Đối với thức ăn cho thủy sản nuôi, hầu hết người nuôi sử dụng cá tạp nên rất dễ gây ô nhiễm môi trường; dịch bệnh tại hầu hết các vùng nuôi chưa được kiểm soát. Trong khi hiện nay, môi trường vùng ven biển ở nhiều địa phương bị ô nhiễm nặng do tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. 

Hướng đến quy mô công nghiệp

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, để phát triển bền vững nuôi thủy sản biển ven bờ, đảo gần bờ, Phú Yên nói riêng và các địa phương ven biển khác cần tổ chức lại sản xuất, cải tiến công nghệ nuôi thích ứng với điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu, cần phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, cần có chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để có thể truy xuất nguồn gốc. 

Theo đó, các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi biển cần áp dụng công nghệ nuôi hiện đại như công nghệ nuôi tuần hoàn, công nghệ tạo dòng chảy, sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi kết hợp các loài hải sản theo hình thức hữu cơ, sinh thái, bảo đảm sức tải môi trường, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. 

Trước mắt, để phát triển giống thủy sản phục vụ nuôi biển mang tính bền vững và hiệu quả hơn, các địa phương và ngành chức năng cần điều tra hiện trạng trại sản xuất giống thủy sản trên phạm vi cả nước để có định hướng cụ thể trong năm 2020 và các năm tiếp theo. 

Ngành Nông nghiệp phải xây dựng quy chuẩn quốc gia về trại giống hải sản; ban hành quy định cụ thể về kiểm soát giống hải sản; cần bổ sung trại sản xuất mang tính công nghiệp vào đối tượng được vay vốn theo chính sách phát triển thủy sản. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ thiết lập trại giống hải sản hiện đại, xây dựng sàn giao dịch giống hải sản, phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ.

uhxz_18b
Người dân nuôi tôm hùm ở vịnh Vũng Rô, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Phương Oanh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết: Phú Yên đã và đang tập trung quy hoạch chi tiết các vùng nuôi, quy hoạch và mở rộng nuôi thủy sản ở vùng biển hở nhằm giảm áp lực cho hoạt động nuôi thủy sản tại các đầm, vịnh hiện nay. 

Theo ông Thế, tỉnh đã mời gọi và khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp nuôi thủy sản trong và ngoài nước hợp tác đầu tư quy trình, kỹ thuật nuôi tiên tiến để phát triển nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên, đặc biệt là nuôi ở vùng biển hở. Các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và các nhà khoa học cần nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản cho người nuôi, đặc biệt là sản xuất giống các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương cần sớm bổ sung, điều chỉnh những quy định liên quan đến nuôi biển mà các địa phương đang gặp vướng mắc, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển  nghề nuôi biển bền vững. 

Phương Oanh

Bình luận

ZALO