Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:45 GMT+7

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng giữa Ấn Độ - Pakistan

Biên phòng - Cuộc khủng hoảng giữa Ấn Độ - Pakistan đã có bước xuống thang căng thẳng sau khi Thủ tướng Pakistan Imran Khan cam kết trao trả một phi công của Ấn Độ cuối tuần qua. Nhưng từ “cử chỉ hòa bình” của Pakistan, chưa thể khẳng định cuộc khủng hoảng sẽ được dập tắt hoàn toàn trong những tháng tới đây. Các nước trên thế giới cần tăng cường vai trò kiềm chế căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời thúc đẩy hai quốc gia Nam Á tiến hành đàm phán toàn diện, bao gồm cả vấn đề Kashmir.

zqxm_anh-bai-chinh
Lực lượng quân đội Ấn Độ tập trung tại hiện trường vụ máy bay Ấn Độ bị Pakistan bắn rơi gần khu vực Kashmir phía biên giới Ấn Độ ngày 27-2. Ảnh: Getty

Tuần trước, Ấn Độ và Pakistan đã đáp trả lẫn nhau bằng một loạt các đợt không kích và đấu súng trên không. Đây là lần đầu tiên hai bên nổ súng kể từ năm 1971. Hai nước còn nã súng cối tại khu vực biên giới gần dãy núi Himalaya.

Việc hai bên đấu súng không phải là hiếm, nhưng cường độ tăng lên sau khi Ấn Độ không kích nhắm vào trại huấn luyện của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM) ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát hôm 27-2 và chặn các máy bay chiến đấu của Pakistan. Trả đũa lại Ấn Độ, Pakistan đã bắn rơi 2 máy bay và giam giữ 1 phi công Ấn Độ, đóng cửa không phận. Sau loạt tấn công giữa hai nước, đã có ít nhất 8 người thiệt mạng và hơn 10 người khác bị thương. Trước đó, hôm 14-2, một vụ đánh bom liều chết do nhóm khủng bố JeM tiến hành tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã khiến 40 binh lính Ấn Độ thiệt mạng.

Căng thẳng giữa hai nước bắt đầu lắng xuống hôm 28-2 sau khi Pakistan tuyên bố sẽ thả phi công của Ấn Độ bị bắt sau cuộc đụng độ một ngày trước đó. Các chuyến tàu hỏa giữa hai nước đã được nối lại vào đầu tuần này sau thời gian ngừng hoạt động do căng thẳng leo thang.

Mối quan tâm hàng của Mỹ và các nước trên thế giới xung quanh khủng hoảng Ấn Độ - Pakistan đó là hai nước hạt nhân có số dân hơn 1,5 tỷ người cần tránh xảy ra chiến tranh. Số liệu từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm từ năm ngoái cho thấy, Pakistan có 140 đến 150 đầu đạn hạt nhân, trong khi Ấn Độ có 130 đến 140.

Như Thủ tướng Pakistan Imran Khan cảnh báo đầu tuần này, cả Ấn Độ và Pakistan đều tìm cách tránh xảy ra một cuộc chiến hủy diệt nhưng những tính toán chính trị, phi chiến lược cùng với việc hiểu sai ý định của hai bên có thể khiến Nam Á đứng trước bờ vực chiến tranh thảm khốc. Theo nhiều chuyên gia phân tích, việc xoa dịu cuộc khủng hoảng và giải quyết các vấn đề tiềm ẩn không thể chỉ dựa trên việc giải quyết vấn đề chống khủng bố.

Tuy nhiên, Pakistan cần phải có các biện pháp để ngăn chặn các hoạt động của nhóm khủng bố JeM – việc này không chỉ nhằm tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà còn bởi nhóm JeM là mối đe dọa lớn đối với và Pakistan và ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh đòi quyền tự quyết của nhân dân khu vực Kashmir.

Về phần Ấn Độ, các nhà phân tích nhận định, nước này cũng đang ủng hộ nhóm ly khai Baloch – nhóm khủng bố tấn công dân thường và lực lượng an ninh của Pakistan. Nhóm Baloch thường xuyên đánh bom tự sát các chuyến tàu chở dân thường tại Pakistan. Mới đây, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi còn thả những kẻ cực đoan liên quan đến các vụ tấn công khủng bố nhằm vào các công dân Pakistan năm 2007 khiến gần 100 người thiệt mạng.

Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh kéo dài 30 năm đòi độc lập của người dân sinh sống tại khu vực Kashmir vẫn đang âm ỉ diễn ra. Sau khi cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ kết thúc vào tháng 5 năm nay, hai nước cần giải quyết triệt để tình trạng bạo lực tại Kashmir. Nhưng trước mắt, theo các chuyên gia, Mỹ và các nước trên thế giới cần tập trung thúc đẩy đối thoại toàn diện giữa Ấn Độ và Pakistan, trong đó bao gồm cả việc quyết định tương lai của Kashmir.

Hà Thu

Bình luận

ZALO