Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

Giải pháp căn cơ để ngăn hàng giả

Biên phòng - Thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho thấy, mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng. Trong đó, 50% khiếu nại liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến, gồm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.

Ảnh minh họa.

Thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng đang khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào cả các nền tảng bán hàng trực tuyến như Facebook, Zalo, TikTok lẫn các sàn thương mại điện tử uy tín.

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử ở Việt Nam có tốc độ phát triển, tăng trưởng nhanh. Doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục đạt 39 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử những năm gần đây, tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên các nền tảng bán hàng trực tuyến ngày càng gia tăng và phức tạp. Khảo sát cho thấy, hơn 70% người tiêu dùng lo lắng về chất lượng sản phẩm khi mua sắm trực tuyến.

Chỉ trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.

Đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp biết thương hiệu của mình bị xâm phạm nhưng vẫn lẳng lặng thỏa hiệp với chuyện đó vì sợ thương hiệu của mình bị ảnh hưởng. Trên thị trường, từ cái giấy ăn đến thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo, giày dép..., thậm chí phòng trưng bày sản phẩm cũng bị làm giả gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Mặc dù, chúng ta có tới 8 lực lượng tham gia công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng gian, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong phát hiện và xử lý.

Đặc biệt, vấn nạn này có nhiều yếu tố trở nên nghiêm trọng hơn do kinh doanh trực tuyến bùng nổ và những khó khăn trong phát hiện, cũng như chế tài xử lý hàng giả trên thương mại điện tử.

Các chuyên gia chỉ ra, theo quy định của pháp luật hiện hành, những vụ buôn bán hàng giả có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự, dưới mức này, xử lý hành chính. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng vi phạm lợi dụng chia nhỏ hàng hóa vi phạm nhằm trốn tránh xử lý hình sự.

Dự báo, trong thời gian tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm trên 50% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Để hóa giải những bất cập trên, Bộ Công thương đang trình Chính phủ xem xét thông qua dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường...

Điểm nổi bật trong dự thảo là bổ sung thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại... nhằm gia tăng thẩm quyền và tính chủ động của lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi hiện nay.

Rõ ràng, giải quyết vấn đề nhức nhối của thương mại điện tử cần sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành, đồng thời đưa ra các khung pháp lý cơ chế chính sách phù hợp... Trong đó, các sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm trước tình trạng hàng giả, hàng nhái và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO