Biên phòng - Gần 20 năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo bàn về câu chuyện phát triển nghề câu cá ngừ đại dương bền vững. Còn trên thực tế, ngư dân vẫn đang phải “bấm bụng” sản xuất, toàn bộ chi phí bị hao hụt đến 40% sau thu hoạch. Để “giải cứu” nghề đánh bắt cá ngừ đại dương, cần phải giải quyết ba vấn đề căn bản nhất: Đó là, bảo quản tốt chất lượng cá ngừ sau thu hoạch; đảm bảo giá thu mua tại cảng và thị trường xuất khẩu. Nếu không có giải pháp đồng bộ, hàng nghìn chiếc tàu kiên cường bám đại dương sẽ có nguy cơ nằm bờ dài hạn.
Bài 1: Tường trình giữa Biển Đông
Bài 2: “Chia tay” vì thiếu niềm tin
Bài 3: “Mua lựa” - phương án tối ưu
Bài 4: Phải thanh lọc trong “đau đớn”
“Một con cá ngừ đại dương Việt Nam có trọng lượng gần 300kg chỉ bán được với giá 37 triệu đồng, trong khi đó, một con cá ngừ đại dương của Nhật Bản nặng 270kg lại có giá 70 tỉ đồng. Điều này thể hiện đẳng cấp kinh tế, trình độ kinh tế, nó là tiêu chuẩn, quy chuẩn, cách thức, kỹ năng hội nhập. Cần nhận diện thật rõ hội nhập, hoàn thiện thể chế, chuyển đổi phương thức, hệ thống kinh tế, liên kết chất lượng sản phẩm” - đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn so sách thực tế và đưa ra giải pháp đầy thuyết phục.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ tiếp: “Một chuyên gia Nhật Bản góp ý với tôi: “Tại sao giá cá ngừ của Việt Nam rẻ? Vì chúng ta làm nhiều quá”. Làm vừa phải nhưng chất lượng cao nhất sẽ chi phối thị trường thì mới gọi là hiệu quả bền vững, là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bây giờ, chúng ta không phải cứ nai lưng làm thục mạng, nhưng giá trị lại không cao”.
Cắt giảm số tàu khai thác
Việt Nam đã ký kết với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Cả hai khu vực thực thi hiệp định này chiếm trên 30% GDP toàn cầu, 35% hàng hóa giao dịch thương mại toàn cầu. Đây là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản nói chung và cá ngừ nói riêng.
Bốn khâu quan trọng mà Bộ trưởng Cường đưa ra là: “Tiêu chuẩn, quy chuẩn, cách thức, kỹ năng hội nhập” giống như thước đo để áp dụng vào mọi quy trình thực tế: Sản xuất - bảo quản - chế biến. Điều đó đòi hỏi cả ngư dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần có thay đổi lớn mới thích ứng được hội nhập kinh tế thế giới.
Thạc sĩ Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ Việt Nam nói: “Tại sao trước đây, ngư dân câu cá ngừ tỉnh Phú Yên đi khai thác bình thường đã đạt 3 tấn cá/chuyến biển. Đỉnh điểm, họ đã khai thác đến 5 tấn/chuyến. Giá bán từ 150.000 - 170.000 đồng/kg, dân làm có lãi cao. Bây giờ, ngư dân Phú Yên làm không nổi 1 tấn cá/chuyến. Trước đây, cả Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, chỉ có khoảng 500 tàu câu cá ngừ đại dương. Từ khi chuyển sang dùng ánh sáng đèn dẫn dụ cá về khu vực tàu để câu, ngư dân đã đầu tư nhiều, nên số tàu tăng vọt lên trên 3.000 chiếc. Chỉ có Việt Nam mới phát triển nghề cá nhân dân, nên nó tự hại nhau cả ngoài biển và trên bờ”.
- Nếu không phát triển nghề cá nhân dân, theo ông, phát triển theo kiểu gì? - Tôi hỏi ngược lại.
- Phát triển nghề cá nhân dân không có kiểm soát. Nghĩa là ngư dân không cần xin phép trước, mà cứ thoải mái đóng tàu theo ý thích của mình, sau đó, cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép khai thác cho họ. Chính quyền địa phương xem đó là thành tích nổi bật của mình, cuối năm đọc báo cáo, dẫn số liệu thật “kêu”. Hiện nay mới thấy nghịch lí, số tàu khai thác tăng, nhưng chất lượng và giá trị sản phẩm lại giảm, ảnh hưởng uy tín, thương hiệu cá ngừ Việt Nam.
- Hiện tại, nó đã rối như “gà mắc tóc”, chẳng lẽ không có giải pháp hữu hiệu nào?
- Phải chấp nhận “đau đớn” để sàng lọc bớt số lượng tàu đánh cá có thân ngắn, máy công suất nhỏ. Nhiều nước trên thế giới, số lượng tàu câu cá ngừ không nhiều như ta. Quá nhiều tàu đánh bắt, nên loại cá “nhóc con” cũng không tha. Kích cỡ cá ngừ từ 40-150kg/con, xuất khẩu nguyên con bán ở thị trường quốc tế với giá lợi nhuận lớn. Muốn có một nghề câu cá ngừ đại dương phát triển bền vững, lâu dài, cần tổ chức lại nghề câu cá ngừ đại dương. Phải thay đổi mạnh mẽ, từ khâu quản lý đến khai thác, thực hiện nghiêm việc cấp hạn ngạch khai thác hàng năm cho các địa phương. Đặt chất lượng cá sau thu hoạch lên hàng đầu, khi đó mới có cơ hội xuất khẩu cá nguyên con sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Lúc này mới đẩy giá thành lên cao được.
Muốn giá cao phải “bay thẳng”
Kỹ sư Yukio Kikuchi, Tổng giám đốc Công ty Yanmar (Nhật Bản) tại Việt Nam, chỉ ra một điểm yếu của ngành cá ngừ: “Đặc trưng lớn nhất của Việt Nam là có nguồn cung cá ngừ lớn, đi kèm với giá gia công, chế biến rẻ, nên các doanh nghiệp trong nước tập trung phát triển ngành xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đã gia công, chế biến dưới dạng đông lạnh. Trong tương lai, các quy định về việc nhập khẩu cá ngừ qua chế biến ở các nước trên thế giới sẽ thắt chặt hơn, lúc đó, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần có hướng phát triển sản phẩm cá ngừ thay thế, xuất khẩu cá nguyên con, bay thẳng sang thị trường Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ... Khó khăn ở miền Trung Việt Nam hiện nay là cách trở đường hàng không. Xuất một con cá ngừ từ Bình Định hoặc Nha Trang, phải bay vào thành phố Hồ Chí Minh rồi chuyển sang máy bay khác. Tăng thêm chi phí và thủ tục. Giải pháp lớn và đồng bộ, phải nâng cao chất lượng cá tốt, đủ số lượng chuyến bay, sẽ thiết lập một chuyến bay vận tải đi thẳng từ các tỉnh có cá ngừ, sang thị trường nước ngoài luôn. Làm được như thế này, giảm chi phí giá thành, tăng thu nhập cho người khai thác”.
- Ông là một kỹ sư có nhiều năm nghiên cứu kỹ về biển Việt Nam. Vì sao cá ngừ của Việt Nam bị suy giảm so với các nước? - Tôi tranh luận.
- Để duy trì nghề cá ngừ của Việt Nam trong tương lai, chúng tôi cho rằng, phương pháp câu tay như hiện nay là thích hợp nhất. Việt Nam chưa có quy định quản lý về kích cỡ cá như thế nào mới được phép khai thác. Nhật Bản chỉ cho khai thác cá trưởng thành, có trọng lượng trung bình từ 30kg trở lên. Thực tế hiện nay, Việt Nam có quá nhiều tàu sử dụng lưới vây đánh bắt cả những con cá còn nhỏ, chưa trưởng thành. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, trong tương lai, nguồn cá ngừ sẽ cạn kiệt.
- Lao động nghề biển Việt Nam đang gặp khó khăn, ông có kinh nghiệm nào để giữ chân họ ở lại với nghề cá lâu dài?
- Sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của ngành công nghiệp trong thời gian qua đã thu hút một lực lượng lớn người lao động, nên kết quả là lực lượng lao động trong ngành ngư nghiệp đã bị giảm đi rất nhiều. Để làm giảm bớt dòng chảy người lao động đang di chuyển từ biển về đất liền làm việc, cần phải xây dựng ngành ngư nghiệp thu hút lao động hơn. Theo đó, thu hút những nguồn lao động trẻ, việc cần phải làm ngay là cải thiện các điều kiện lao động trên tàu, không gian làm việc và sinh hoạt trên tàu, cũng như mức lương cơ bản nâng lên. Có như vậy mới hình thành lực lượng lao động chuyên nghiệp cho từng nghề khai thác.
Hải Luận