Biên phòng - Gần 20 năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo bàn về câu chuyện phát triển nghề câu cá ngừ đại dương bền vững. Còn trên thực tế, ngư dân vẫn đang phải “bấm bụng” sản xuất, toàn bộ chi phí bị hao hụt đến 40% sau thu hoạch. Để “giải cứu” nghề đánh bắt cá ngừ đại dương, cần phải giải quyết ba vấn đề căn bản nhất: Đó là, bảo quản tốt chất lượng cá ngừ sau thu hoạch; đảm bảo giá thu mua tại cảng và thị trường xuất khẩu. Nếu không có giải pháp đồng bộ, hàng nghìn chiếc tàu kiên cường bám đại dương sẽ có nguy cơ nằm bờ dài hạn.
Bài 1: Tường trình giữa Biển Đông
Bài 2: “Chia tay” vì thiếu niềm tin
Bài 3: “Mua lựa” - phương án tối ưu
Hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp “quy trách nhiệm” cho ngư dân trong việc bảo quản cá ngừ đại dương sau thu hoạch. Nhưng việc bảo quản cá ngừ đại dương sau thu hoạch của ngư dân còn lạc hậu, dẫn đến chất lượng thấp. Ngược lại, ngư dân cũng “tố” lại do doanh nghiệp, xảy ra chuyện này là do doanh nghiệp mua “xô” đồng giá. Vậy để giải cứu nghề câu cá ngừ đại dương, cần phải giải quyết hai vấn đề lớn: Ngư dân bảo quản tốt chất lượng cá ngừ đại dương và doanh nghiệp “mua lựa” với giá cao tại cảng.
“Con trai tôi từng đầu tư lắp đặt hệ thống máy làm lạnh, bảo quản con cá ngừ dưới tàu. Con cá từ khi khai thác đến lúc tàu cập cảng bán, nó còn tươi rói, nhìn là mê ngay. Cá đạt đỉnh cao như mong muốn của doanh nghiệp, nhưng họ cũng chỉ mua với giá giống như loại cá bình thường. Vậy nên, con tôi cũng dẹp máy làm lạnh luôn, đi làm bình thường như các tàu khác” – Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng thông tin với tôi.
Khó mấy ngư dân cũng giải quyết
Suốt hành trình đi điều tra mọi ngõ ngách của nghề câu cá ngừ đại dương, tôi đã gặp nhiều mô hình sáng kiến của ngư dân trong khai thác và bảo quản tốt chất lượng cá. Muốn giải quyết được gốc rễ vấn đề nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, thì chủ doanh nghiệp phải “mua lựa” cá tại cảng. Nghĩa là mua giá cao đối với loại cá đặc biệt, còn tươi xanh. Sau đó, xuống loại 1, loại 2, loại 3... “Thời kỳ hoàng kim cá ngừ đại dương, người ta đã “mua lựa” rồi. Rất nhiều ngư dân đã phất lên từ đó. Người thu mua tại tàu khi đánh giá chất lượng cá, nên thành tâm với ngư dân, đừng có lấp liếm về chất lượng. Thay vì cá của họ đạt loại 1, mà đánh xuống cá loại 2, 3, đây là điều không nên làm” - Ông Phạm Văn Hậu, chủ doanh nghiệp Cát Tường, chuyên thu mua cá ngừ tại cảng cá Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung Bộ, thành phố Nha Trang, đang hợp tác với Công ty Mại Tín (100% vốn đầu tư của Nhật Bản, chuyên chế biến và xuất khẩu cá ngừ đại dương), nêu kinh nghiệm.
- Liệu ngư dân có bảo quản được con cá còn tươi xanh khi mà ngư trường đánh bắt của ta quá xa đất liền? - Tôi hỏi.
- Cứ trả giá con cá theo chất lượng, khó mấy ngư dân cũng đầu tư và giải quyết được. Tất cả mọi sáng kiến trong khai thác, bảo quản cá ngừ đều nằm ở trong dân hết. Bước đầu, có 3 khâu quan trọng được các chủ tàu đón nhận tích cực khi hợp tác mua bán với Công ty Cát Tường:
Tiền bán cá đến tay bà con nhanh nhất, bảo quản cá tốt có thưởng riêng, bà con đã nhìn rõ bảo quản cá tốt là lợi ích của mình.
- Chất lượng cá ngừ quyết định như thế nào đối với thương hiệu thủy sản?
- Nếu như ngành cá ngừ đại dương bị tụt dốc, thì nó sẽ kéo theo hàng loạt ngành dịch vụ khác. Điều quan trọng bậc nhất, cá ngừ là “mặt tiền” xuất khẩu thủy sản khai thác biển, chất lượng cá ngừ bị suy giảm thì nhiều mặt hàng khác cũng bị ảnh hưởng theo. Việt Nam và châu Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do, đây là cơ hội cho con cá ngừ nước ta xuất khẩu nguyên con sang châu Âu. Ngư dân và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung nhất, mới làm nên chất lượng cá ngừ cao, bán được lợi nhuận lớn. Muốn làm được điều này, cần có ai đó, hoặc cơ quan nào đủ sức mạnh đứng ra “cầm trịch” để xâu chuỗi, từ ngư dân – doanh nghiệp – nhà xuất khẩu thành một khối thống nhất. Họ làm với tinh thần trách nhiệm của dân tộc, của ngành nghề cá ngừ đại dương đang trên đà đi xuống. Nếu cứ để cách làm như bây giờ, mạnh ai nấy làm, chẳng khác nào “tự giết nhau” trên sân nhà, chẳng bao lâu nữa, tàu thuyền nằm bờ la liệt. Biển Đông ai giữ?
- Cụ thể, doanh nghiệp của anh đã hợp tác như thế nào với ngư dân câu cá ngừ?
-Tôi đã đưa ra chính sách khuyến khích, tàu nào bảo quản tốt cá ngừ, sẽ thưởng “nóng” 1 – 2 triệu đồng cho chủ tàu, sau đó, chủ tàu đưa lại cho người trực tiếp bảo quản cá ngoài tàu. Mới đây, tôi hỗ trợ cho mỗi tàu 1 cái thùng lớn để ngâm cá bằng “lắc xê” (giống như bia ngâm nước đá) cực kỳ quan trọng. Hỗ trợ thêm cho ngư dân 2 cây đá/con cá (tương đương 44.000 đồng), mua giá cao hơn 2.000 đồng/kg so với giá thị trường. Về sau, bà con làm cá tốt hơn, sẽ nâng giá lên, tối thiểu 15.000 đồng/kg. Trước đây, tôi thu mua 70 tàu, bây giờ tôi chỉ thu mua 30 tàu thôi, để tập trung vào chất lượng” – Ông Hậu khảng khái cho biết.
Doanh thu có thể đạt 1 tỉ USD
“Câu cá ngừ đại dương được xác định là một trong những đối tượng khai thác chính của nghề khai thác hải sản xa bờ, đồng thời, là ngành xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam. Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của ba tỉnh (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) là 170.000 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ cá ngừ sang các nước: Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 600 triệu USD” – Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam, thông tin tổng quát với tôi.
Nếu như chúng ta làm tốt khâu bảo quản cá ngừ đại dương, nó sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, thậm chí 2 tỉ USD. Bởi vì, cùng một con cá ngừ kích cỡ giống nhau, ngư dân ta chỉ bán giá vài triệu đồng, trong khi Nhật Bản bán con cá lên đến 1 - 2 tỉ đồng, trị giá bằng cả chục chiếc tàu đánh bắt của nước ta.
Hiện nay, 100% tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Nam Trung Bộ đã sắm máy gây tê (phóng dòng diện cao vào đầu con cá ngừ). Ưu điểm của loại máy này giảm số lao động trên tàu (từ 8 – 10 người/tàu giảm xuống 4 – 5 người/tàu). Cá không bị vùng vẫy nhiều và chết “đột tử”, gây biến đổi thịt cá. “Con cá ngừ có hàm lượng độ đạm cực kỳ cao, cũng là con cá khó bảo quản bậc nhất trong ngành thủy sản. Chỉ cần lơ là khâu bảo quản, chất lượng sẽ bị xuống cấp, vào cảng bị dạt ra bán theo giá cá chợ. Ngư dân đi một chuyến biển vào bờ, trừ tiền dầu, đá, công lao động... còn khoảng 20 triệu đồng. Họ xem đó là đồng tiền lãi. Thực chất đa số họ làm không lãi, vì họ chưa tính khấu hao tài sản. Cuối năm, đẩy tàu lên sửa chữa, hết tiền, phải chạy đi vay tiền nóng về làm” – Ông Hậu nêu những khó khăn.
Hơn 90% tàu câu cá ngừ của Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa làm bằng gỗ, nhiều chiếc quá nhỏ, không thể cải hoán hoặc nâng cấp thêm tính năng bảo quản cá ngừ chất lượng tốt. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy, thuộc Trường Đại học Nha Trang, đưa ra giải pháp: “Mấy năm trước, Công ty Yanmar, Nhật Bản đến đặt Viện tôi đóng một chiếc tàu câu cá ngừ đại dương bằng vật liệu composite, để khai thác cá tại vùng biển Nam Trung Bộ. Đặc biệt, các hầm bảo quản cá, họ yêu cầu làm rất kỹ lưỡng. Ngư dân câu cá ngừ của ta đang làm theo kiểu chắp vá, bản thân tàu vỏ gỗ không kín nước, họ “độ chế” thêm ni lông, xốp... thành hầm bảo quản. Làm theo kiểu này không đủ độ lạnh, hao hụt đá nhiều. Muốn bảo quản tốt, bà con nên làm bằng vật liệu composite, vừa ngâm cá kiểu “lắc xê”, vừa giữ được chất lượng cá lâu hơn”.
“Tôi nhớ, khi chúng tôi thuê ngư dân Việt Nam lên tàu đi khai thác cá ngừ đại dương. Ở bờ, chúng tôi căn dặn họ, khi cá cắn câu, phải bắt lên từ từ, nói gì họ cũng gật đầu đồng ý. Lúc ra biển, họ làm theo ý của họ, chẳng cần tuân thủ kỹ thuật gì cả, lúc nào cũng nhằm vào số lượng đánh bắt cho nhiều, mà quên đi chất lượng bảo quản cá cực kỳ quan trọng. Vấn đề khác, chất lượng nước đá của Việt Nam không tốt, đa số đá còn non, không đủ độ lạnh, dẫn đến bảo quản cá đạt chất lượng thấp” - Kỹ sư Yukio Kikuchi, Tổng giám đốc Công ty Yanmar (Nhật Bản) tại Việt Nam, đã từng đóng tàu khai thác cá ngừ tại Nam Trung Bộ và trực tiếp xuất khẩu sang Nhật Bản, chia sẻ thông tin.
Bài 4: Phải thanh lọc trong “đau đớn”
Hải Luận