Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:27 GMT+7

“Giải cứu” doanh nghiệp nội

Biên phòng - Nguy cơ doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị thâu tóm đang hiện hữu khi từ đầu năm đến nay, đã có gần 100.000 DN trong nước rời bỏ thị trường hoặc chuyển nhượng lại cho nhà đầu tư ngoại. 

Kết quả khảo sát về tình hình DN bị tác động bởi dịch Covid-19 cho thấy, trên 70% DN nội đang sản xuất cầm chừng do doanh thu tụt giảm nghiêm trọng. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ gia tăng thâu tóm. Thay vì mất nhiều thời gian và thủ tục đăng ký mới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 2 năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư ngoại chuộng cách đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần DN. Cách này giúp họ thâm nhập thị trường nhanh, dễ dàng hơn và nguy cơ DN nội bị thâu tóm rất rõ ràng.

Trường hợp rõ nét nhất là mới đây, Công ty TCG Solutions Pte.Ltd thuộc Tập đoàn SCG Thái Lan thông báo đăng ký mua hơn 12 triệu cổ phiếu (tương đương 94,11% cổ phần) của Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa.

Tập đoàn SCG Thái Lan còn được nhắc đến b?i các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) và nắm quyền điều hành những DN Việt lớn khác như Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành.

Ở lĩnh vực bán lẻ, hàng loạt thương hiệu nội hàng đầu đã về tay các nhà đầu tư ngoại như Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) mua lại chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Big C; Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), Aeon Mall (Nhật Bản) nhanh chóng gom vào hệ thống của mình những chuỗi hệ thống phân phối Citimart, Diamond Plaza... vốn có độ phủ rộng khắp Việt Nam.

Ngay từ thời điểm tháng 4-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cảnh báo, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, việc mua bán, sáp nhập DN sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các DN tiềm năng (có quy mô vừa và lớn, có thị phần nhất định và có vai trò dẫn dắt một số ngành quan trọng) của Việt Nam sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ.

Và dường như mọi lo ngại đang ngày càng thực tế. Số dự án FDI đăng ký mới đạt hơn 21 tỷ USD, giảm gần 10% so với năm 2019, nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đẩy mạnh các thương vụ mua cổ phần, góp vốn gần 6 tỷ USD. Đây thực sự là áp lực lớn đối với các DN Việt trong bối cảnh cạn kiệt dòng tiền và “bị tổn thương” vì đại dịch.

Theo các chuyên gia, không riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ cơ hội cổ phiếu lao dốc, thị trường bất ổn để thâu tóm các DN chủ chốt với giá rẻ.

Để bảo vệ DN trong nước, trong kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Chính phủ có chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập DN trong giai đoạn dịch bệnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất tham khảo các giải pháp mà nhiều quốc gia đang áp dụng để bảo vệ DN nội địa như Chính phủ mua cổ phần của các công ty chiến lược, đẩy mạnh kiểm soát đầu tư nước ngoài...

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vào thời điểm này, Chính phủ nên có chính sách linh hoạt vừa tập trung thu hút FDI, vừa chủ động bảo vệ DN trong nước, tránh tình trạng DN bị thôn tính một cách bất hợp lý. Theo đó, cần tính lại giới hạn tỷ lệ vốn FDI trong một số lĩnh vực hoạt động sản xuất và hạn chế đến mức tối đa nhà đầu tư nước ngoài tập trung thâu tóm những DN trọng yếu, có nguy cơ chi phối, thao túng thị trường, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Trong tình hình mới, các quyết sách bảo vệ DN trong nước chỉ thành hiện thực khi chúng ta khắc phục được những hạn chế, bất cập và tình trạng thiếu đồng bộ trong triển khai, thực thi các giải pháp hỗ trợ DN.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO