Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 04:57 GMT+7

Giải bài toán thiếu hụt nhân viên y tế tại thành phố Hồ Chí Minh

Biên phòng - Sau khi đại dịch Covid-19 tạm lắng xuống, thành phố Hồ Chí Minh lại “dậy sóng” bởi hiện tượng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế, chính sách phù hợp để nhân viên y tế yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với ngành y.

Cán bộ y tế tuyến quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh làm việc khá vất vả nhưng mức lương còn thấp. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Áp lực cao nhưng lương thấp

Sau khi trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, chị L.T.H, ngụ ở thành phố (TP) Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã quyết định xin nghỉ sau 10 năm làm việc tại một bệnh viện công lớn nhất TP Hồ Chí Minh với vai trò bác sĩ đa khoa để chuyển sang làm việc tại một bệnh viện tư nhân.

Chị L.T.H cho biết: “Tôi cũng như nhiều bác sĩ khác phải học rất nhiều năm mới được hành nghề. Tôi từng làm ở bệnh viện công lớn nhất nhì TP và tiếp xúc với nhiều loại bệnh khác nhau nên tay nghề ngày càng được nâng cao và cơ hội được cống hiến rất nhiều. Tôi rất yêu thích công việc của mình, nhưng sau 10 năm, mức lương của tôi cũng khoảng 10-15 triệu đồng/tháng. Với mức lương thấp như vậy, tôi không đủ trang trải mọi sinh hoạt trong gia đình. Chưa kể áp lực công việc rất lớn khi mùa dịch vừa qua, tôi thường xuyên phải trực ở cơ quan và không còn thời gian ở bên các con và chăm sóc gia đình. Vì vậy, tôi quyết định xin nghỉ và chuyển sang một bệnh viện tư nhân với mức lương cao hơn, không còn cảnh áp lực về kinh tế và thời gian làm việc như trước kia”.

Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong năm 2021, tổng số nhân viên y tế tại các bệnh viện công TP nghỉ việc là 701 người, trong đó, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh là 399 người; bác sĩ 186 người; nhân viên khác 116 người. Còn bệnh viện tuyến quận, huyện có 235 người nghỉ việc, trong đó, bác sĩ 57 người; điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh là 117 người; nhân viên khác là 61 người. Trung tâm y tế quận, huyện có 137 người nghỉ việc, trong đó, bác sĩ là 27 người; điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh là 44 người; nhân viên khác là 72 người.

Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến số lượng nhân viên y tế công nghỉ việc là do trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, khối lượng công việc lớn nhưng mức lương không tương xứng với công sức nhân viên y tế bỏ ra, thậm chí là giảm lương khiến nhiều người không cầm cự nổi.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc, tuy nhiên, chủ yếu là do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Mặt khác, còn do chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt từ hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu. Đặc biệt là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn khiến cho nhân viên y tế thấy vất vả, khó khăn hơn. Cuối cùng, còn do môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng...

Theo khảo sát của ngành y tế, sau khi được hỏi lý do nghỉ việc, đa số cán bộ, nhân viên y tế khi nghỉ việc, chuyển việc cho biết là do chế độ tiền lương, đãi ngộ thấp, công việc căng thẳng, lại thêm tâm lý hậu “di chứng” của Covid-19 nên họ cảm thấy không yên tâm công tác. Một số nhân viên cho biết, do hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý bởi tác động của các vụ việc vi phạm trong mua sắm, đấu thầu vật tư y tế xảy ra trong thời gian qua...

Nâng cao chất lượng đội ngũ y tế cơ sở

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng chảy máu chất xám xảy ra đã được TP lường trước. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã đưa nguồn nhân lực mới ra trường về trạm y tế làm việc, nâng mức lương cho nhân viên y tế.

Các trung tâm y tế phường, xã tại TP Hồ Chí Minh được đầu tư trang thiết bị hiện đại để khám bệnh cho người dân. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Tuy nhiên, TP vẫn chưa thay đổi chính sách nâng cao thu nhập cho người đã gắn bó lâu năm, chế độ đãi ngộ ở bệnh viện công vẫn còn thấp. Những giải pháp này không chỉ giải quyết ngắn hạn mà phải dài hạn và TP cần có chiến lược, kế hoạch rõ ràng để từng bước thay đổi nhằm giữ chân được nhân viên y tế giỏi. Đồng thời, cần có cơ chế mở để ngoài việc họ được làm việc thì vẫn có thời gian học hỏi thêm ở môi trường khác, nâng cao tay nghề giúp họ yên tâm làm việc hơn.

Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, qua đại dịch Covid-19, chúng ta nhìn thấy nhân viên nghỉ việc đa số là lực lượng y tế cơ sở và đây cũng là nơi có nhiều lỗ hổng phải củng cố, khắc phục. Vì vậy, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X đã xác định, đào tạo nhân lực y tế là một trong 7 chương trình đột phá nâng cao và kết quả chúng ta đã đạt được 7/7 chỉ tiêu, trong đó, có 20 bác sĩ và 35 điều dưỡng/10.000 dân. Tuy nhiên, việc phân bổ giữa bác sĩ đa khoa thực hành, bác sĩ gia đình tại tuyến y tế cơ sở với bác sĩ chuyên sâu chưa cân đối, hài hòa, vì vậy, đã đến lúc cần tăng cường hơn cho tuyến y tế cơ sở.

Để thu hút nhân viên y tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hiệp cho biết, vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã thí điểm tăng cường bác sĩ trẻ về tuyến y tế cơ sở, đây là một trong những chương trình có ý nghĩa. Tuy nhiên, để giữ chân được các bác sĩ trẻ sau 18 tháng thực hành tại tuyến y tế cơ sở, cần chính sách tốt hơn về thu nhập, môi trường công tác, chế độ đãi ngộ, môi trường tiến thân. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các đồng nghiệp có kinh nghiệm và chính quyền để họ không đơn độc trong công tác; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân giúp bác sĩ gia đình, cán bộ y tế cơ sở thuận lợi hơn trong công việc.

Trong khi đó, theo Giáo sư Trần Diệp Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, để giải bài toán thiếu nhân lực y tế, chúng ta phải đặt hàng đào tạo. Trong đó, hệ thống đào tạo có thể cùng tham gia thực hiện đào tạo nguồn lực cho hệ thống chăm sóc y tế. Hiện nay, trong hệ đào tạo của chúng ta có thể đào tạo bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa sâu, vì vậy, phải có con số đặt hàng, để ngoài việc đào tạo bác sĩ nội trú, đào tạo chuyên khoa sâu, phần còn lại sẽ đào tạo y học gia đình. Như vậy, chúng ta sẽ có số đông lực lượng phục vụ tuyến y tế cơ sở khi cần.

“Cần tạo cơ hội để ở tuyến y tế cơ sở, các nhân viên y tế cũng có thể học chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và có con đường thăng tiến trong nghề nghiệp, củng cố năng lực của mình để phục vụ người dân. Đưa bác sĩ xuống tuyến y tế cơ sở, cần tạo điều kiện để các bác sĩ có thể trụ lại và phát triển ở đây”-Giáo sư Trần Diệp Tuấn cho biết.

Nguyễn Hoàng

Bình luận

ZALO