Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:17 GMT+7

Giải bài toán chiến lược nuôi cá biển bằng công nghệ cao (bài 4)

Biên phòng - Nuôi cá biển quy mô công nghiệp là vấn đề rất mới đối với nhiều địa phương, doanh nghiệp của nước ta. Tại tỉnh Khánh Hòa, có một công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, trở thành cơ sở nuôi cá chẽm lớn nhất thế giới.

Bài 4: Đưa sản phẩm mới vào thị trường thế giới

Trại sản xuất giống cá chẽm biển của ông Josh Goldman. Ảnh: Hải Luận

Những vấn đề thực tiễn được ông Josh Goldman, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam chia sẻ thẳng thắn với phóng viên Báo Biên phòng về mô hình nuôi trồng hoàn chỉnh, từ sản xuất con giống, nuôi cá thịt và chế biến xuất khẩu. Có lẽ, Nhà nước không cần chi quá nhiều tiền để thực hiện dự án nuôi thử nghiệm nữa. Ông Josh cho biết:

- Muốn nuôi cá công nghiệp lớn phải đưa khoa học vào “dẫn dắt” mới thành công. Công ty chúng tôi hoạt động tại Việt Nam từ năm 2010 đến nay, đã đầu tư hơn 50 triệu USD (trên 1.000 tỷ đồng), trở thành nhà sản xuất cá chẽm biển lớn nhất thế giới. Theo đó, công ty này đạt sản lượng 8.000 tấn/năm, hiện nay đang nuôi nhiều cá nhỏ; dự kiến, sang năm 2022 tăng lên 13.000 tấn và lên 15.000 tấn những năm tiếp theo. Cần xác định rõ ràng, nuôi cá biển quy mô công nghiệp là kênh đầu tư dài hạn vào sản xuất và tiếp thị mạnh khâu bán hàng. Đây là những công việc luôn đi song hành với nhau.

Sẵn sàng chiếm lĩnh thị trường quốc tế

- Ông là người Mỹ, vốn đầu tư lớn, trên thế giới có nhiều vùng biển nuôi cá hồi có giá trị kinh tế cao, thành công dễ dàng. Vì sao ông chọn đầu tư nuôi cá chẽm biển quy mô công nghiệp tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa?

- Trước khi quyết định đầu tư, tôi đã đi tìm hiểu nhiều vùng biển các nước, nuôi thử nghiệm 30 loại cá biển tại Việt Nam, chọn ra cá chẽm thịt ngon đưa vào nuôi công nghiệp. Vịnh Vân Phong rất đặc biệt về môi trường nước tốt, có đảo bao bọc ở bên ngoài, độ sâu lý tưởng. Nuôi cá chẽm biển là một ngành mới trên thế giới, nếu tính sản lượng chỉ mới đạt 2% so với lượng cá hồi tiêu thụ trên toàn cầu. Vì cá chẽm mới, công ty chúng tôi phải tiếp cận một cách bài bản để từng bước xây dựng các công cụ kỹ thuật và chuyên môn quản lý cần thiết cho sự thành công.

Chúng tôi chuyển giao mô hình nuôi cá biển của Na Uy vào vịnh Vân Phong, được xem là hiện đại nhất thế giới. Chẳng hạn, mỗi lồng nuôi đạt sản lượng từ 250-300 tấn cá, ở vùng biển Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào đầu tư những lồng lớn như thế này. Cho cá ăn bằng hệ thống tự động, camera robot quan sát cá dưới nước, đồng thời quản lý việc cho ăn chính xác, bảo đảm vệ sinh môi trường biển... Công ty có trại sản xuất cá giống quanh năm, 4 nhà máy chế biến cá tại tỉnh Khánh Hòa, mới hạ thủy chiếc tàu thu hoạch cá có tải trọng 300 tấn, sơ chế trên tàu luôn. Năm 2022, công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến lớn bằng tổng 4 nhà máy cũ cộng lại, gần khu vực nuôi cá. Đến năm 2025, tổng vốn đầu tư đạt 150 triệu USD.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam Josh Goldman. Ảnh: Hải Luận

Tôi nhấn mạnh lại một lần nữa, sản lượng cá chẽm chỉ mới đạt 2% trên thị trường thế giới. Đây là vấn đề quan trọng cho Chính phủ Việt Nam hoạch định chính sách, kích thích các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư và chọn làm mặt hàng mới mẻ trên thế giới. Việt Nam sớm triển khai chương trình nuôi cá chẽm sẽ chiếm lấy thị phần lớn, giống như thị trường cá hồi Na Uy chiếm đến 60% thị phần thế giới.

- Ngư dân ở vịnh Vân Phong đã biết nuôi cá chẽm rồi, vì sao ông không chuyển giao quy trình cho người dân nuôi, sau đó, công ty thu mua lại cá thịt. Làm theo cách này, đôi bên cùng có lợi?

- Nếu để người dân nuôi nhỏ lẻ sẽ khó quản lý theo chứng chỉ quốc tế, có thể doanh nghiệp đầu tư nuôi quy mô vừa, sản lượng vài trăm tấn/năm, cùng hợp tác trong nuôi trồng. Tiềm lực tài chính của người dân và doanh nghiệp Việt Nam thừa sức để đầu tư quy mô nuôi trồng giống như công ty chúng tôi.

Không thể nuôi cá ngoài khơi xa

- Chính phủ Việt Nam đưa ra chiến lược nuôi cá biển quy mô công nghiệp ngoài khơi xa. Theo kinh nghiệm của ông, tính khả thi ở mức độ nào?

- Vùng biển của Việt Nam thường hay có gió mạnh và bão, với công nghệ như hiện nay, chưa thể nuôi cá ở ngoài khơi xa trống trải, không có đảo che chắn. Công ty chúng tôi nuôi ở vịnh Vân Phong, mỗi tuần có 60 chuyến tàu chở công nhân, thức ăn cho cá, 20 ngày thay lưới/lần. Nuôi ở xa sẽ đẩy chi phí lên rất cao, chẳng có doanh nghiệp nào bỏ vốn đầu tư. Trên thế giới cũng chưa có nước nào dám nuôi cá ở vùng biển quá xa. Có thể 20-30 năm sau, công nghệ phát triển như thế nào thì chưa rõ. Thời kỳ này, Việt Nam nên ưu tiên nuôi ở các vịnh lớn và vùng Biển Tây, tỉnh Kiên Giang, nước sâu, không có bão, nhiệt độ nước luôn ổn định quanh năm.

Vấn đề quan trọng trong chiến lược nuôi cá biển quy mô công nghiệp, chính sách phải nhất quán và lâu dài để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với hợp đồng thuê vùng biển đặt lồng nuôi, các khu đất phù hợp cho xây dựng trại sản xuất cá giống, kho bãi hậu cần, cầu cảng phục vụ hoạt động nuôi cá. Thực hiện phân vùng bảo vệ môi trường nước và an toàn sinh học, có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển bền vững.

- Việt Nam muốn xuất khẩu cá biển nuôi quy mô công nghiệp ra thị trường thế giới, cần phải làm gì?

- Tôi sống ở Việt Nam khá lâu, nên thấu hiểu hai từ “giải cứu” hàng thủy sản cho người dân và doanh nghiệp khi không bán được sản phẩm. Tránh tình trạng phải “giải cứu” ở phút chót, ngay từ giai đoạn đầu tư, nhà chức trách, doanh nghiệp đặt ra và thực hiện nghiêm túc các yếu tố đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Vì tất cả các thị trường trên thế giới đều yêu cầu có giấy chứng nhận truy xuất nguồn gốc, an toàn sản phẩm. Chính vì vậy, từ cơ sở hạ tầng đóng tàu, lồng nuôi cá, hệ thống cho cá ăn, sản xuất thức ăn... đều ở mức độ đẳng cấp thế giới.

Thường xuyên quảng bá, truyền thông sản phẩm cho thị trường tiêu dùng biết và hiểu sản phẩm của mình đang sản xuất. Tại sao cá hồi được nhiều người trên thế giới biết đến, nó đã phát triển mấy chục năm nay, công nghệ quảng bá loại cá này rất mạnh ở nhiều quốc gia. Lấy ví dụ, cá chẽm tôi bán tại Mỹ, Australia, châu Âu, Singapore..., lúc đầu, người tiêu dùng cũng ít biết, quảng bá nhiều, họ sẽ biết và sử dụng. Việt Nam có gần 100 triệu dân, gấp 3 lần Australia, nếu làm tốt quảng bá, thị trường trong nước cũng rất lớn. Cần xem xét nuôi cá biển quy mô công nghiệp là một khoản đầu tư chu kỳ dài và cần có nhiều thời gian.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Cá giống của công ty chúng tôi trước khi đưa ra biển nuôi phải tiêm vaccine 100%. Nuôi cá biển quy mô công nghiệp phải tính đến vấn đề tiêm vaccine phòng bệnh cho cá, vấn đề này còn rất mới ở Việt Nam. Chính phủ sớm đưa ra chính sách nghiên cứu và sản xuất vaccine dành riêng cho cá biển, chủ động nguồn vaccine sẽ góp phần thành công chiến lược nuôi biển quy mô công nghiệp” - ông Josh Goldman thông tin.

Hải Luận

Bình luận

ZALO