Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 06/06/2023 07:14 GMT+7

Giá trị ngoại hạng của Đền tháp văn hóa Chăm

Biên phòng - Hệ thống di tích kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ đền tháp Chăm trải dài từ Trung Bộ vào đến Nam Trung Bộ nước ta đều đã được công nhận là di sản văn hóa và đưa vào khai thác du lịch. Được xem là giá trị chủ đạo và đóng vai trò xâu chuỗi lịch sử, là hình ảnh đại diện của văn hóa Chăm, nhưng sức hấp dẫn của các đền tháp cứ giảm dần bởi thiếu không gian sống động có thể tạo nên không khí du lịch trẻ, hiện đại.

9aa
Khách du lịch tham quan một đền tháp Chăm tại Bình Định. Ảnh: Thụy Văn

Nghệ thuật kiến trúc đền tháp Chăm được xếp hạng theo lịch trình phát triển chia làm 3 giai đoạn cơ bản: Nhóm trước thế kỷ IX – sơ khai, nhóm tháp xây dựng trong thế kỷ X và nhóm còn lại xuất hiện sau đó tới niên đại thế kỷ XVIII. Nhóm niên đại cổ xưa nhất hình dáng cục mịch, trang trí thô khỏe. Nhóm thứ 2 thanh tú và trang nhã trong đường nét và hài hòa trong tỷ lệ. Nhóm tháp mới nhất đường bệ trong mảng khối và có chiều hướng suy thoái dần giá trị nghệ thuật trong bối cảnh suy tàn của triều đại Champa xưa trong lịch sử. 

Như vậy, cùng với những thuyết minh khảo cổ chi tiết, bia ký, bài minh ít ỏi còn sót lại, có thể khẳng định giá trị kiến trúc của hệ thống đền tháp Chăm còn lại đến ngày nay xứng đáng được coi là di sản văn hóa thế giới đặc biệt của nhân loại. Không chỉ có giá trị khảo cứu, các tháp Chăm là tinh hoa của một nền văn minh dần tự mất đi đã được giữ lại trước khi mất hẳn. Và những tinh hoa đó hoàn toàn không được kế thừa, không có tính phổ cập đại chúng và đã thất truyền cùng những thăng trầm của lịch sử. 

Tất cả 19 khu tháp với hơn 40 kiến trúc lớn nhỏ trải dài khắp duyên hải Trung, Nam Trung Bộ đều ẩn chứa những câu chuyện của lịch sử. Đáng chú ý nhất trong hệ thống đền tháp Chăm là cụm tháp phế tích Thánh địa Mỹ Sơn và di tích Phật viện Đồng Dương đã gần như bị phá hủy toàn bộ trên đất Quảng Nam. Ngôi tháp mới nhất được phát hiện (năm 2001) hóa ra lại là công trình cổ nhất, là tháp Mỹ Khánh tại Thừa Thiên Huế được xây dựng từ thế kỷ VIII, tức là cách thời đại chúng ta 13 thế kỷ. Một sự tồn tại vật chất đáng kính nể cũng như hàm chứa giá trị lịch sử văn hóa vô giá. 

Những ngôi tháp đẹp nhất, cũng là các công trình kiến trúc hiện được du khách thăm viếng nhiều nhất thuộc về nhóm tháp có niên đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII. Đây là thời kỳ phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc. Các đền tháp nhuộm màu tôn giáo và lưu lại dấu ấn bàn tay tài hoa của nghệ nhân thi công đến mức thượng thừa. Xuất sắc nhất phải kể đến các tháp trong nhóm này mang phong cách Bình Định: Tháp Bánh Ít, Cánh Tiên, Thủ Thiện, Dương Long (thuộc tỉnh Bình Định), tháp Nhạn (hiện ở Phú Yên), tháp Klong Garai (thuộc Ninh Thuận). Tất cả các ngôi tháp đều đã được đầu tư trùng tu với nhiều phương pháp chắp ghép tỉ mỉ, cẩn trọng, tôn trọng tính nguyên bản và nguyên tắc tu bổ cơ bản đối với các công trình mỹ thuật là di sản văn hóa. 

Tháng 12 tới đây, sự kiện kỷ niệm 20 năm Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới sẽ diễn ra với tầm ảnh hưởng tới toàn bộ các tỉnh, thành có sở hữu hệ thống đền tháp Chăm. 

Có thể nói, trải qua 2 thập kỷ được trọng vọng như một thánh tích dù chỉ là một cụm công trình đổ nát, Thánh địa Mỹ Sơn trở thành một hình ảnh đáng tự hào của văn hóa Việt Nam. Câu chuyện giữ gìn di tích từ những năm chiến tranh đến ngày nay, sự đầu tư tu bổ và thái độ trân trọng di sản đã dần hướng ngành du lịch, bảo tồn di tích đến sự chuyên nghiệp. 

Quá trình đó cũng đã lay động khao khát khám phá, giải mã bí ẩn của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên thế giới. Họ yêu mến di sản đến từng chi tiết, không tiếc công sức và kinh phí cá nhân để đóng góp cùng với Chính phủ Việt Nam bảo tồn các phế tích này. Bí ẩn của công trình kiến trúc đền tháp như kết cấu vật liệu xây dựng, chất kết dính, gạch nung, kỹ thuật điêu khắc gạch, chạm khắc đá, các mã văn hóa, các vị thần được thờ phụng, sinh hoạt tôn giáo từng diễn ra trong các đền tháp... đều do các nhà khoa học thực hiện khối lượng công việc khổng lồ để giải mã, thuyết minh, ghi chép thành các tài liệu chính thức hiện nay. 

Việc không thể tái hiện không gian sinh hoạt tôn giáo, văn hóa đời sống của người Chăm cổ xưa đã làm cho các đền tháp Chăm càng bí ẩn. Bản thân các di tích tiếp tục chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, biên độ dao động lớn của nhiệt độ, sức bào mòn của thời gian. Từ thời điểm được công nhận là di sản văn hóa thế giới, Thánh địa Mỹ Sơn chỉ còn hơn 20 ngọn tháp so với tổng số 71 tháp ban đầu, nhiều lần đóng cửa trùng tu và những lần này đều không nhận khách tham quan.

Có thể nói, việc bảo tồn di tích là chính yếu, sự khai thác chừng mực là yếu tố để kéo dài tuổi thọ của các di tích. Ngoài lễ hội Kate – một lễ hội tôn giáo của người Chăm mỗi năm một lần được tổ chức với phần nhiều là phục dựng lại các nghi lễ được diễn ra trong các khu đền tháp, ngoài ra, các di tích đều được trông coi bảo vệ và không có hiện tượng xâm phạm.

Cộng đồng người Chăm hiện nay sinh sống chủ yếu tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận với vốn văn hóa còn lại rất ít ỏi nhưng khá đặc sắc. Các nghề thủ công tinh hoa của họ đã thất truyền không chỉ có nghệ thuật kiến trúc, trang trí chạm khắc mà những kỹ thuật khác cũng đã không còn dấu tích như kim hoàn, đóng thuyền... 

Hiện nay, người Chăm còn lại 2 nghề dệt vải và làm gốm đặc trưng. Trong đó, nghề làm gốm thủ công tại làng Bàu Trúc đã truyền lại hàng trăm năm qua với cách nung gốm cổ nhất là chất củi đốt bên ngoài các sản phẩm gốm đã được nặn thô bằng tay. Đây cũng chính là gợi ý để các nhà khoa học nhận định các đền tháp Chăm đã được nung lại toàn bộ tháp bằng củi sau khi đã xây thô nhằm tạo tác màu đỏ của đất qua lửa tuyệt đẹp đó. Tất cả đều là bí ẩn của lịch sử và các nhận định đều là giả thuyết, tạo nên sức hấp dẫn không bao giờ vơi cạn của các công trình đền tháp Chăm. 

Cũng chính vì thế, bài toán khai thác văn hóa Chăm cho sự phát triển của vùng đất là một thách thức. Chỉ một vài khía cạnh đã minh xác thì có thể phát triển lên và làm rực rỡ hơn, tô điểm đời sống để làm sinh động vùng đất - con người cũng như thu hút khách du lịch. Sau cùng, hệ thống đền tháp Chăm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, dãi nắng mưa nhiệt đới, ẩn chứa một kho tàng các chi tiết trang trí, chữ Phạn cổ, tượng thờ và tôn giáo của dân tộc Chăm rất đáng trân trọng. 

Thụy Văn 

Bình luận

ZALO